Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Phạm Thị Mai Nhung - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đáy chậu là khu vực giải phẫu giữa niệu đạo, ống dẫn nước tiểu từ bàng quang và hậu môn, ở phụ nữ, đáy chậu còn có cửa mình. Trong quá trình sinh, một số phụ nữ sẽ cần phải cắt tầng sinh môn để giúp em bé đi qua đường âm đạo dễ dàng hơn. Tuy nhiên điều này cũng khiến bà mẹ bị đau vùng đáy chậu sau sinh và cần một số biện pháp để giúp làm giảm đau.
1. Tại sao tôi bị đau vùng đáy chậu sau sinh?
Sinh thường qua đường âm đạo gây áp lực rất lớn lên đáy chậu (da và cơ giữa âm đạo và hậu môn của bạn), phải giãn ra để đủ kích thước so với đầu của em bé đi qua.
Nếu bạn sinh thường mà không rách tầng sinh môn, đáy chậu của bạn có thể chỉ bị sưng hoặc đau đáy chậu sau đó, sau đó bạn có thể sẽ cảm thấy ổn trong vòng một tuần hoặc thậm chí chỉ sau sinh một hoặc hai ngày.
Nhưng đáy chậu của bạn có thể bị rách khi sinh con hoặc bác sĩ sẽ cần phải rạch tầng tầng sinh môn để mở rộng đường hơn cho đầu của em bé đi qua. Những vết thương này có thể khá là đau trong quá trình lành.
2. Mất bao lâu để chữa lành vết thương?
Thời gian lành vết thương khác nhau, nhưng nói chung vết cắt hoặc vết rạch càng sâu thì thời gian phục hồi càng lâu. Một vết rách nhỏ hoặc rách độ một, chỉ liên quan đến da (không phải cơ bắp), và các mũi khâu thậm chí có thể không cần thiết. Những vết cắt dạng này nói chung sẽ lành nhanh kèm theo một chút khó chịu.
Vết cắt tầng sinh môn điển hình hoặc rách cấp độ hai liên quan đến da và cơ. Vết cắt này thường cần khâu và thời gian liền vết thương thường trong hai đến ba tuần. (Các mũi khâu tự tiêu trong thời gian này.) Một số phụ nữ cảm thấy hơi đau sau một tuần, trong khi những người khác cảm thấy khó chịu trong một tháng.
Nếu bạn bị rách độ ba hoặc độ bốn, đó là vết rách nghiêm trọng hơn kéo dài đến trực tràng, bạn có thể bị đau và khó chịu trong một tháng hoặc thậm chí lâu hơn. (Những vết rách này có thể xảy ra với bất cứ ai nhưng có nhiều khả năng hơn nếu bạn bị cắt tầng sinh môn.) Trong vài ngày đầu sau khi sinh, bạn có thể gặp khó khăn khi đi tiểu và đi tiêu. Bạn cũng có nhiều khả năng gặp vấn đề trong việc kiểm soát khí hoặc nhu động ruột trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau sinh.
3. Tôi có thể làm gì để giảm đau và giúp vùng kín nhanh lành?
Dưới đây là một số cách mà bạn có thể giúp vùng kín của mình đỡ đau và nhanh liền vết thương, tuy nhiên, để biết chắc chắn biện pháp nào phù hợp với bạn, bạn hãy xin ý kiến của bác sĩ hoặc nữ hộ sinh trước khi thực hiện:
- Chườm một túi nước đá có lớp phủ mềm vào vùng đáy chậu ngay sau khi bạn sinh để giảm sưng và khó chịu. Bạn nên thay một túi nước đá mới cứ sau vài giờ trong vòng 12 giờ hoặc lâu hơn.
- Uống ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau. (Không nên dùng aspirin nếu bạn đang cho con bú.) Nếu bạn bị rách nhiều, bạn có thể cần dùng thuốc giảm đau kê theo toa.
- Cân nhắc dùng thử thuốc xịt gây tê.
- Thay băng vệ sinh sau khi bạn đi vệ sinh hoặc tắm rửa.
- Sử dụng một chai rửa có đầu nhọn (squirt bottle) để đổ nước ấm vào đáy chậu trong khi bạn đi tiểu. Nước sẽ làm loãng nước tiểu của bạn để nước tiểu không tiếp xúc nhiều với da hoặc vết thương. Sau đó, làm sạch vùng kín bằng một chai nước khác.
- Tự lau khô từ trước ra sau để tránh đưa vi trùng từ trực tràng vào khu vực âm đạo.
- Không nên ngồi trong thời gian dài trong khi đáy chậu của bạn vẫn còn rất đau.
- Bắt đầu tắm ngồi (sitz baths) 24 giờ sau khi bạn sinh con. Làm điều này trong 20 phút, ba lần một ngày. Đối với bồn tắm ngồi, bạn đổ đầy một chậu nhựa nông bằng nước ấm và đặt chậu lên trên bồn cầu, sau đó bạn ngồi lên chậu sao cho phần đáy chậu của bạn ngâm trong nước. Bằng cách này, bạn có thể ngâm vùng đáy chậu nhiều lần trong ngày mà không phải lấp đổ đầy bồn nước hay cởi quần áo hoàn toàn.
- Để vết thương tiếp xúc với không khí càng nhiều càng tốt. Điều này có thể khó thực hiện nếu bạn vẫn còn dịch xuất tiết sau sinh, chảy máu sau sinh, nhưng bạn luôn có thể nằm trên một chiếc khăn cũ hoặc miếng lót dùng một lần để làm thoáng vết thương.
- Bắt đầu tập Kegel vào ngày bạn sinh. Bài tập này giúp phục hồi trương lực cơ, kích thích tuần hoàn và tăng tốc độ chữa lành.
- Nghỉ ngơi nhiều và không tham gia bất kỳ công việc không cần thiết nào. Tiết kiệm năng lượng để bạn dành cho các công việc chăm sóc em bé và chăm sóc chính bản thân bạn để cơ thể có thời gian hồi phục.
- Nếu bạn bị rách cả cơ thắt hậu môn (rách độ ba hoặc độ bốn), điều đặc biệt quan trọng là bạn uống nhiều nước và nạp đủ chất xơ trong chế độ ăn uống để ngăn ngừa táo bón. Bắt đầu dùng chất làm mềm phân ngay sau khi bạn sinh và tiếp tục sử dụng trong một vài tuần. Tránh thuốc đạn, thụt và các phương pháp điều trị trực tràng khác.
4. Khi nào tôi nên đến cơ sở Y tế hoặc liên hệ với bác sĩ?
Gọi cho bác sĩ nếu bạn bị đau hoặc sưng vùng kín mà sẽ không biến mất hoặc ngày càng trở nên tồi tệ hơn, hoặc ngay cả khi bạn không tìm cảm thấy thoải mái. Bạn có thể được giới thiệu đến một bác sĩ niệu khoa hoặc bác sĩ vật lý trị liệu giúp bạn phục hồi chức năng vùng chậu.
Bạn cũng nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn bị sốt hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng khác, chẳng hạn như dịch tiết ra có mùi hôi từ âm đạo của bạn hoặc vị trí của tầng sinh môn hoặc vết rách.
5. Khi nào tôi có thể quan hệ tình dục trở lại?
Nếu bạn không cần khâu tầng sinh môn và bạn thích quan hệ tình dục, bạn có thể thử quan hệ sau một vài tuần, khi xuất tiết âm đạo đã ngừng.
Nếu bạn đã phẫu thuật cắt tầng sinh môn hoặc có vết rách, bạn sẽ được chữa lành hoàn toàn từ bốn đến sáu tuần sau khi sinh. Nếu bác sĩ đã tái khám cho bạn biết tình trạng tầng sinh môn ổn định, thì bạn có thể thử quan hệ tình dục sau đó.
Nếu bạn bị rách độ ba hoặc độ bốn, điều đặc biệt quan trọng là phải đợi đến sau khi bác sĩ khám tầng sinh môn.
Khi lần đầu tiên quan hệ tình dục trở lại, bạn có thể cảm thấy hơi chặt ở vùng kín. Để làm cho chuyện ấy thoải mái hơn, hãy cố gắng thư giãn càng nhiều càng tốt, dành nhiều thời gian cho màn dạo đầu và sử dụng chất bôi trơn tan trong nước.
Những biện pháp phòng ngừa này có thể đặc biệt hữu ích nếu bạn cho con bú vì việc tiết sữa làm giảm nồng độ estrogen, dẫn đến khô âm đạo. Do đó, bạn nên tiếp tục sử dụng chất bôi trơn trong quan hệ tình dục cho đến khi bạn ngừng cho con bú. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên sử dụng sản phẩm âm đạo có estrogen (chỉ có kê theo toa).
Nếu bạn thử các biện pháp trên và thấy chuyện ấy vẫn không thoải mái, hãy đợi thêm một thời gian nữa. Nếu cơn đau tiếp tục trong một vài tháng sau khi bạn sinh con, thì lúc này bạn có thể cần phải điều trị.
Hãy nhớ rằng việc có ít hoặc không có ham muốn tình dục trong một khoảng thời gian sau khi sinh là bình thường. Nói điều này với đối tác của bạn và yên tâm rằng, ham muốn tình dục của bạn sẽ quay trở lại.
Sau 9 tháng 10 ngày mang nặng, thai phụ bước vào cuộc đẻ và phải đối mặt với mức độ đau đẻ được so sánh với gãy 20 cái xương sườn cùng lúc. Để cuộc đẻ diễn ra suôn sẻ, an toàn, thai phụ cần hiểu rõ:
- Quy trình cuộc chuyển dạ diễn ra như thế nào, thường kéo dài trong bao lâu để có hướng sinh thường hay sinh mổ, bảo vệ sức khỏe cho thai nhi.
- Các phương pháp giảm đau trong khi sinh, hạn chế đau đớn và giải tỏa áp lực tâm lý khi chuyển dạ.
- Cách rặn và thở khi sinh thường đúng cách để cuộc chuyển dạ diễn ra nhanh chóng, thai phụ không mất sức khi sinh.
- Cách kiểm soát các cơn co tử cung sau sinh trong thời gian ngắn nhất.
- Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn không gây nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm.
- Tái khám sau sinh sớm để phát hiện những bất thường nguy hiểm như sót nhau, sót gạc.
- Chăm sóc trẻ sơ sinh đến khi đầy tháng khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com