Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm cân gan bàn chân là tình trạng thường gặp, có thể do chấn thương hay việc thường xuyên gia tăng lực ép lên cân gan bàn chân gây ra. Việc điều trị chủ yếu là sử dụng các biện pháp phục hồi chức năng và kết hợp với tập luyện giúp cải thiện bệnh.
1. Viêm cân gan chân là gì?
Cân gan chân là một dải gân rộng chạy dọc theo chiều dài của bàn chân, từ gót chân đến nền của các xương bàn chân. Lớp cân này có vai trò nâng đỡ vòm gan chân, duy trì độ cong sinh lý của bàn chân, giảm nhẹ lực tác động lên bàn chân khi chúng ta đi lại, vận động và chạy nhảy.
Viêm cân gan chân là tình trạng gân của bàn chân bị tổn thương(có thể sau một chấn thương hoặc chịu áp lực đi lại, chạy nhảy quá lớn) dẫn đến viêm gây ra các cơn đau, nhất là đau ở vùng gần gót chân.
2. Chẩn đoán viêm cân gan bàn chân
Chẩn đoán tình trạng viêm cân gan bàn chân cần dựa vào lâm sàng và các dấu hiệu cận lâm sàng.
Các dấu hiệu lâm sàng bao gồm:
- Dấu hiệu điển hình của tình trạng viêm cân gan bàn chân là tình trạng đau vùng gót, đau tăng lên khi vừa ngủ dậy đi lại, khi đứng dậy sau khi ngồi quá lâu, sau khi vận động đi lại nhiều và giảm khi nghỉ ngơi, thời gian trong ngày giảm đau hơn buổi sáng.
- Đau có thể kéo dài dai dẳng nhiều tháng hoặc nhiều năm.
- Ấn vào mặt dưới và phía trong gót chân bệnh nhân cảm giác rất đau, đau chói.
- Gan bàn chân có thể bị phẳng, hoặc lõm hơn bên lành, có thể kèm dấu hiệu teo cơ.
Các dấu hiệu cận lâm sàng:
- Chụp x-quang thường thấy có hình ảnh gai xương gót. Đây là hậu quả của quá trình viêm kéo dài dẫn tới vôi hóa điểm bám vào xương gót.
- Siêu âm phần mềm lòng bàn chân : Thấy các dấu hiệu tổn thương cân gan bàn chân.
- Có thể kết hợp với chụp MRI để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác.
3. Phương pháp phục hồi chức năng viêm cân gan bàn chân
Khi xác định tình trạng viêm cân gan bàn chân thì việc phục hồi chức năng cần thực hiện sớm và tích cực. Kết hợp với các bài tập vận động kéo giãn gân gót giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh.
Các kỹ thuật phục hồi chức năng
Tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ của bệnh để có các phương pháp vận động phù hợp.
Giai đoạn cấp
- Chế độ sinh hoạt: Nên nghỉ ngơi, giảm đi lại, chạy, nhảy và các hoạt động thể thao. Chú ý bảo vệ gan bàn chân khi hoạt động bằng miếng đệm lòng bàn chân, đệm gót, không được đi chân không. Nén vùng đau bằng băng thun mềm có thể giúp giảm sưng đau. Nâng cao chân nhất là khi ngủ.
- Thuốc: Người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau chống viêm giúp giảm đau và chống viêm.
- Vật lý trị liệu: Trong giai đoạn cấp vùng viêm còn sưng đau nhiều, nên sử dụng nhiệt lạnh trị liệu(như chườm bằng đá) có thể làm từ 1-4 lần mỗi ngày, mỗi lần 15-20 phút; Ngoài ra có thể kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu khác như siêu âm, điện phân, điện di ion...
- Vận động trị liệu
- Xoa bóp: xoa bóp ở vùng cơ cân gan chân, cơ sinh đôi, cơ dép.
- Tập vận động các khớp gồm: Khớp cổ chân và các ngón chân.
Bài tập và chương trình tập tại nhà:
- Tập các bài tập giúp kéo dãn và mạnh cơ: Cơ sinh đôi, cơ dép, cơ chày sau, cân cơ gan chân, nhóm cơ gấp ngón.
- Tập luyện dáng đi và dụng cụ trợ giúp khi cần.
- Một số bài tập giúp kéo dãn và mạnh cơ:
- Bài tập 1: Kéo giãn cơ lòng bàn chân, bệnh nhân ngồi trên ghế, gác chân bị đau qua chân kia. Giữ bàn chân bên bệnh trong tay, kéo các ngón chân về phía cẳng chân để tạo lực căng ở gan bàn chân. Đặt bàn tay còn lại ở gan bàn chân để cảm nhận sự căng thẳng trong cơ. Giữ trong 10 giây, lặp lại 2-3 lần.
- Bài tập 2: Dùng ngón chân nhặt khăn có thể kéo giãn cơ gan bàn chân và bắp chân. Ngồi trên ghế hai bàn chân đặt trên sàn bằng phẳng với một chiếc khăn nhỏ. Dùng ngón chân cuộn khăn về phía mình. Sau đó thư giãn chân và lặp lại 5 lần. Nên thực hiện những động tác này trước khi đi bộ vào buổi sáng.
Giai đoạn bán cấp và mạn tính
- Chế độ hoạt động: Có thể tăng dần hoạt động như đi bộ, chạy bộ với đệm bàn chân và đẹm gót hỗ trợ.
- Vật lý trị liệu: Nhiệt lạnh trị liệu từ 1-2 lần/ngày, mỗi lần 15-20 phút; Kết hợp với siêu âm trị liệu; điện phân; sóng ngắn, sóng xung kích
- Vận động trị liệu
-Kỹ thuật viên tiến hành trợ giúp kéo dãn cơ sinh đôi , cơ dép dùng kĩ thuật co nghỉ và giữ nghỉ.
-Vận động khớp theo tầm vận động, các khớp cổ chân và các ngón chân..
- Bài tập tại nhà
-Kéo dãn, tập mạnh cơ và độ mềm dẻo các nhóm cơ như trên. Tập mạnh bằng kỹ thuật chuỗi đóng động (chân và gót nâng lên). Bài tập với băng thun giúp tăng lưu lượng máu tới khu vực viêm và giảm đau. Thực hiện bài tập bằng cách ngồi trên sàn với hai chân duỗi thẳng. Vòng dây chun( dây thun có thể co giãn) qua bàn chân, giữ hai đầu dây trong tay. Nhẹ nhàng kéo các ngón chân về phía người mình, kéo hết mức rồi từ từ trở về vị trí bắt đầu. Lặp lại khoảng 10 lần.
-Có thể tập vận động như đạp xe đạp, lên xuống cầu thang; bắt đầu trở lại hoạt động hàng ngày, nghề nghiệp, giải trí và hoạt động thể thao trước đây.
4. Cách phòng tránh viêm cân gan bàn chân
- Khởi động thật kỹ và thực hiện các động tác kéo căng cơ bắp chân và bàn chân trước khi chơi thể thao để tránh tình trạng căng rút cơ bắp.
- Mang giày chuyên dùng, có kích cỡ phù hợp và có miếng đệm giày êm. Việc thường xuyên đi giày cao gót cũng là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh, nên chỉ nên đi giày cao gót khi cần.
- Không nên đi bộ hay chạy bộ nhiều trong thời gian dài hoặc chạy quá mức.
- Giảm cân khi có tình trạng thừa cân béo phì, tuy nhiên không nên giảm cân bằng phương pháp chạy bộ.
Viêm cân gan bàn chân có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì và tập các bài tập phục hồi chức năng giúp giảm đau nhanh hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu thường xuyên tác động gây tổn thương cân gan bàn chân nhiều thì có thể trở thành mạn tính, những trường hợp này rất cần được phục hồi chức năng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.