Liệt mặt khiến người bệnh mất chức năng thần kinh trên khuôn mặt. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực và cản trở một số hoạt động thường ngày của người bệnh như ăn uống, vệ sinh răng miệng,... Ngoài phương pháp điều trị trực tiếp với bác sĩ thì việc phục hồi chức năng liệt mặt là bước rất quan trọng quyết định người bệnh có thể khỏi hoàn toàn hay không.
1. Liệt mặt là gì?
Liệt mặt ngoại biên theo phân tích y khoa là liệt dây thần kinh số VII ngoại biên. Liệt dây thần kinh số VII có thể do nhiễm virus hoặc do phù nề dây VII. Các dây thần kinh bị phù nề sẽ bị chèn ép khi nó đi qua mê đạo của ống thần kinh mặt, từ đó xảy ra tình trạng thiếu máu và liệt.
Nguyên nhân phổ biến nhất hiện nay của liệt mặt là do nhiễm Herpes Simplex và virus của bệnh zona thần kinh. Các virus khác như rubella, cúm B, quai bị... cũng có thể là tác nhân dẫn đến liệt mặt. Trên thực tế, thời gian diễn ra liệt chỉ từ vài giờ cho tối đa 48 - 72 giờ.
2. Triệu chứng bệnh liệt mặt
Các triệu chứng lâm sàng dễ nhận biết bệnh liệt dây thần kinh mặt như sau:
- Khi ở trạng thái tự nhiên, khuôn mặt người bệnh không cân xứng, bị kéo lệch về một bên.
- Nếp nhăn trên trán bị xóa mất so với bên đối diện.
- Khi nói chuyện, mặt mất cân xứng rõ ràng hơn, ăn uống và phát âm khó.
- Khi chủ động nhắm mắt, mắt bên bị liệt không đóng chặt mi.
- Tê, nặng và mất biểu cảm mặt.
- Kích ứng kết mạc, khô giác mạc.
3. Cách điều trị liệt mặt
Hiện nay, điều trị liệt mặt được chia thành hai phương pháp phổ biến, đó là:
- Phương pháp không dùng thuốc: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt,... để chữa trị. Phương pháp được các bác sĩ tin dùng hiện nay là điện châm, kết hợp giữa châm cứu và kích thích thêm bởi dòng điện cùng với xoa bóp bấm huyệt.
- Phương pháp dùng thuốc sẽ chủ yếu với trường hợp liệt mặt do nhiễm virus. Trước khi điều trị, bác sĩ cần sử dụng các thuốc kháng virus như herpes simplex.
4. Phục hồi chức năng sau liệt mặt
Sau khi điều trị những tác nhân gây ra liệt mặt thì bước cuối cùng là giúp người bệnh tự phục hồi chức năng của khuôn mặt. Phục hồi chức năng liệt mặt có thể tự làm tại nhà cùng với sự giúp đỡ của người thân. Các lưu ý quan trọng để chăm sóc người liệt mặt là:
- Giữ ấm, kín vùng mặt khi ra ngoài.
- Duy trì độ ẩm của mắt như sử dụng nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý,... để tránh khô mắt, hạn chế nhiễm khuẩn do mắt không khép kín.
- Sử dụng băng keo hoặc tấm che mắt khi đi ngủ, mang kính khi ra ngoài.
- Vệ sinh răng miệng cẩn thận, do liệt cơ mặt dẫn đến tình trạng ứ đọng thức ăn, dễ viêm nhiễm răng miệng.
Chăm chỉ xoa bóp vùng mặt với bài tập phục hồi chức năng liệt mặt cơ bản như sau:
- Miết dọc theo sống mũi, khóe mắt kéo lên lông mày.
- Miết ngang từ lông mày ra hai bên thái dương.
- Day quanh mắt.
- Day quanh môi.
- Xoa miết cả hai bên má.
Thực hiện các bài tập tăng cường cơ mặt giúp cải thiện sức mạnh và kích thích cử động của quai hàm, má, lưỡi,... giúp cải thiện khả năng phát âm, tăng sức cho cơ miệng. Thực hiện các bài tập như sau:
- Chu môi: Giữ trạng thái chu môi trong 5 giây, rồi di chuyển môi từ bên này sang bên kia. Lặp lại 10 lần, chú ý không được di chuyển lưỡi.
- Làm phồng má: Hít sâu để làm phồng hai bên má lên. Mím chặt môi để giữ không khí trong má trong vòng 5 giây. Từ từ chuyển không khí và giữ ở một bên má, di chuyển liên tục qua lại.
- Đảo lưỡi: Di chuyển lưỡi dọc theo mặt ngoài của răng, trượt thành vòng tròn trong miệng. Bắt đầu di chuyển ở phần đỉnh và đảo quanh toàn bộ hàm răng và nướu dưới rồi chuyển lên răng trên.
- Đảo răng: Đặt đầu lưỡi vào mặt ngoài của răng cửa hàm trên rồi trượt lưỡi theo răng hàm sang bên phải. Giữ trong 5 giây rồi chuyển giữ ở bên trái. Lặp lại theo chiều dọc của răng hàm dưới.
- Kéo giãn lưỡi sang hai bên: Duỗi lưỡi sang bên trái miệng rồi kéo lưỡi sang bên phải xa nhất có thể, giữ trong 10 giây rồi chuyển làm tương tự với bên phải. Di chuyển lưỡi liên tục sang hai bên trái, phải đảm bảo lưỡi chạm vào hốc miệng của mỗi bên.
- Kéo giãn lưỡi trên dưới: Há miệng rồi duỗi lưỡi lên trên và xuống dưới phía cằm, giữ nguyên trong 10 giây rồi đổi vị trí duỗi lưỡi hướng lên trên phía mũi.
- Duỗi thẳng lưỡi: Há miệng và duỗi lưỡi theo hướng thẳng ra xa nhất có thể. Lặp đi lặp lại sau mỗi 10 giây.
- Nâng môi dưới: Tạo biểu cảm bĩu môi khi nâng cao môi dưới hết mức có thể. Nâng tác dụng đến cơ cổ khi giữ nguyên tư thế trên cùng với ngẩng đầu.
- Giữ bằng môi: Sử dụng que đè lưỡi đặt vào giữa hai môi. Dùng môi nhấn và giữ que thẳng từ miệng lâu nhất có thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.