Phục hồi chức năng hội chứng đường hầm cổ chân

Hội chứng đường hầm cổ chân là sự chèn ép dây thần kinh quan trọng chạy qua mắt cá chân và đến bàn chân. Nguy cơ mắc phải hội chứng đường hầm cổ chân là sau khi bị bong gân mắt cá chân, vận động bàn chân quá mức hoặc bệnh viêm khớp tiến triển. Tuy nhiên, dù có là nguyên nhân nào hay lựa chọn cách thức điều trị như thế nào, người bệnh có thể thực hiện một số bài tập phục hồi chức năng cổ chân để giảm đau hiệu quả cũng như giúp mắt cá chân mau lành.

1. Phục hồi chức năng cổ chân trước phẫu thuật

Trước khi xem xét can thiệp phẫu thuật cho hội chứng đường hầm cổ chân, người bệnh cần được thử phục hồi chức năng cổ chân. Liệu pháp này thường bao gồm hai đến ba buổi trị liệu hàng tuần trong khoảng 6 tuần, mặc dù thời gian điều trị được xác định bởi bác sĩ chỉnh hình trong từng trường hợp. Sau khi đánh giá kỹ lưỡng về thể chất, một chương trình vật lý trị liệu phục hồi chức năng cổ chân sẽ được thiết kế để đáp ứng các hoạt động của từng bệnh nhân.

Vật lý trị liệu phục hồi chức năng cổ chân thường bao gồm các bài tập để kéo căng và tăng cường các cơ ở bàn chân và mắt cá chân, chườm nóng hoặc chườm đá, xoa bóp, thủy trị liệu và siêu âm trị liệu. Một chương trình các bài tập chi tiết cũng được cung cấp để bệnh nhân có thể củng cố việc điều trị phục hồi chức năng cổ chân tại nhà. Khi kết thúc liệu trình, điều trị viên và bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng của bệnh nhân để đánh giá xem có cần phục hồi chức năng cổ chân thêm hay không hoặc có cần thiết phải phẫu thuật.

2. Phục hồi chức năng cổ chân sau phẫu thuật

Khi vật lý trị liệu không thành công trong việc giảm đau do hội chứng đường hầm cổ chân, phẫu thuật để giảm áp lực lên dây thần kinh chày có thể được chỉ định. Ngay sau quy trình phẫu thuật này kết thúc, bên chân bị ảnh hưởng phải được nâng cao và không được chịu trọng lượng trong ít nhất 2 tuần. Là một phần cần thiết của quá trình chữa bệnh sau phẫu thuật, việc phục hồi chức năng cổ chân phải được bắt đầu càng sớm càng tốt. Trong những tuần phục hồi chức năng, việc điều trị có thể bao gồm sự kết hợp của một số hoặc tất cả những thành phần sau:

Quá trình phục hồi chức năng cổ chân hoàn toàn sau phẫu thuật hội chứng đường hầm cổ chân có thể mất từ 3 đến 6 tháng, tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân. Trong một số trường hợp, nẹp chỉnh hình hoặc nẹp mắt cá chân tùy chỉnh có thể được chỉnh định để hỗ trợ thêm khả năng chống đỡ của khớp cổ chân cho người bệnh.

3. Các cách để phục hồi chức năng cổ chân

Mục tiêu của các bài tập cho hội chứng đường hầm cổ chân là giảm đau và sưng ở mắt cá chân và giúp các gân cơ mau lành. Hội chứng đường hầm cổ chân có thể khiến người bệnh khó đi lại hoặc tham gia các hoạt động thể chất khác. Các bài tập này tập trung vào các chuyển động nhẹ nhàng để giảm kích ứng và xây dựng sức mạnh và sự linh hoạt ở mắt cá chân.

Kéo căng bắp chân

Kéo căng bắp chân có thể giúp giảm căng cơ xung quanh mắt cá chân, giảm căng thẳng và sưng tấy.

Bước 1: Đứng quay mặt vào tường và đặt lòng bàn tay úp vào tường, rộng bằng vai.

Bước 2: Bước chân bị đau ra phía sau và khóa đầu gối đó lại. Giữ gót chân gần sàn nhất có thể.

Bước 3: Bước về phía trước bằng chân còn lại và uốn cong đầu gối đó. Giữ gót chân bị đau gần với sàn nhà. Người bệnh sẽ cảm thấy căng nhẹ ở phía sau của chân bị thương. Giữ tư thế này trong 20 giây, sau đó trở lại vị trí trung gian.

Nếu cả hai chân đều có các triệu chứng của hội chứng đường hầm cổ chân, hãy lặp lại bài tập với chân còn lại và tập luyện ba đến năm lần mỗi ngày.

Nâng gót chân sau

Gân chày sau là một phần quan trọng của đường hầm cổ chân. Tăng cường và kéo căng gân này có thể giúp giảm sưng tấy gây khó chịu.

Bước 1: Đứng trước ghế và đặt hai tay lên lưng hoặc thành ghế.

Bước 2: Từ từ đứng lên bằng các ngón chân, sử dụng lưng ghế làm điểm tựa. Giữ tư thế "nhón chân" trong năm giây.

Bước 3: Buông tay chống đỡ và từ từ hạ bàn chân xuống đất.

Lặp lại động tác này 15 lần mỗi lần, tập hai lần một ngày.

Kéo căng cân gan chân

Các dây thần kinh và gân chạy qua đường hầm cổ sẽ chi phối lan ra khắp bàn chân. Các động tác kéo căng cân gan chân có thể giúp giảm sưng và căng cơ từ dưới lên.

Bước 1: Ngồi trên sàn nhà, hai chân duỗi thẳng trước mặt, mũi chân hướng lên trên.

Bước 2: Quấn khăn, dây nhảy hoặc dây tập dưới gan bàn chân. Gập đầu gối và giữ cho các ngón chân hướng lên trên.

Bước 3: Nhẹ nhàng kéo phần đầu bàn chân về phía cơ thể cho đến khi cảm thấy gót chân và bắp chân căng ra. Giữ trong 20 giây.

Lặp lại điều này ba đến năm lần một ngày với một hoặc cả hai chân.

Xoay mắt cá chân

Duy trì phạm vi chuyển động là điều quan trọng khi bị chấn thương mắt cá chân. Xoay mắt cá chân là bài tập sẽ giúp giữ cho mắt cá chân linh hoạt và có thể di chuyển theo mọi hướng.

Bước 1: Ngồi trên ghế và nhấc chân bị đau lên khỏi mặt đất.

Bước 2: Từ từ xoay mắt cá chân theo chiều kim đồng hồ năm lần.

Bước 3: Xoay cổ chân ngược chiều kim đồng hồ năm lần.

Nếu cả hai chân bị hội chứng đường hầm cổ chân, hãy lặp lại bài tập với chân còn lại. Làm điều này hai hoặc ba lần một ngày cho đến khi mắt cá chân và bàn chân cảm thấy tốt hơn.

Nhặt bút chì

Tăng cường cơ bàn chân và mắt cá chân có thể giúp hỗ trợ các gân bên trong đường hầm cổ chân hiệu quả hơn.

Bước 1: Trong khi ngồi hoặc đứng cạnh lưng ghế dựa, hãy đặt bút chì trên sàn trước mặt.

Bước 2: Dùng bàn chân bị đau để nhặt bút chì.

Bước 3: Giữ bút chì trong không gian trong 10 giây, sau đó thả ra và thư giãn trở lại trạng thái ban đầu.

Tập nhặt bút chì bằng chân hay các vật tương tự từ ba đến năm lần mỗi ngày.

4. Các lưu ý khi thực hiện bài tập phục hồi chức năng cổ chân

hội chứng đường hầm cổ chân là hậu quả của chấn thương, nên điều quan trọng là người bệnh phải thực hiện chậm với các bài tập về đường hầm cổ chân. Cố gắng làm quá nhanh, trước khi mắt cá chân có thời gian lành lại, có thể làm cho hội chứng đường hầm cổ chân trở nên tồi tệ hơn.

Không có bài tập phục hồi chức năng nào không bao giờ gây đau đớn. Nếu nhận thấy rằng bài tập khiến mắt cá chân và bàn chân cảm thấy tồi tệ hơn, hãy dừng ngay lập tức. Nếu hội chứng đường hầm cổ chân vẫn tồn tại hoặc trở nên nặng hơn, cần nên liên hệ với bác sĩ để được can thiệp chuyên sâu, bao gồm cả phẫu thuật.

Tóm lại, hội chứng đường hầm cổ chân là một rối loạn của bàn chân đau dây thần kinh chày sau. Mặc dù là một tình trạng tương đối lành tính, những cơn đau cổ chân sẽ khiến hạn chế vận động một cách đáng kể. Trong nhiều trường hợp, cơn đau, bỏng rát, ngứa ran và tê do hội chứng đường hầm cổ chân có thể được giảm thiểu với các bài tập phục hồi chức năng cổ chân; tuy nhiên, đôi khi, phẫu thuật là cần thiết với các chấn thương nặng nề.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe