Đau thần kinh không đơn thuần là triệu chứng mà là một loại bệnh. Cơ chế của đau thần kinh khác với đau tiếp nhận, do đó, các thuốc giảm đau thông thường sẽ ít đem lại tác dụng, thậm chí không có tác dụng. Vì vậy, các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng thần kinh thường được chỉ định trong điều trị.
1. Đau thần kinh là gì?
Theo định nghĩa của Hiệp hội Nghiên cứu về Đau Quốc tế, đau chính là một trải nghiệm khó chịu về mặt cảm xúc và giác quan, nó có liên quan đến một thương tổn mô hiện mắc, sẽ mắc phải hoặc được nó được mô tả bằng các ngôn từ bao hàm một tổn thương giống như vậy.
Về phân loại, đau thường dựa theo đặc điểm nguyên nhân như sau:
- Đau do kích thích gây hủy hoại mô: Loại đau này hay còn gọi là đau tiếp nhận;
- Đau căn nguyên thần kinh hay còn gọi là đau thần kinh;
- Đau hỗn hợp (mixed pain).
Đau thần kinh là loại đau được khởi phát hay được gây ra bởi một tổn thương ban đầu hoặc rối loạn của chức năng hệ thần kinh. Đây cũng là một loại đau xuất hiện khi không có sự hiện diện của một kích thích gây hủy hoại mô. Đau nguồn gốc thần kinh là biểu lộ và hệ quả của:
- Một tổn thương nguyên phát từ hệ thần kinh ngoại biên hay còn gọi là đau do thần kinh ngoại biên;
- Do một tổn thương hoặc do hoạt động bất thường của hệ thần kinh trung ương hay còn gọi là đau do thần kinh trung ương.
2. Một số hội chứng đau thần kinh thường gặp
Có nhiều loại đau thần kinh, dưới đây là một số hội chứng đau thần kinh thường gặp nhất:
- Đau sau nhiễm Herpes: Đây chính là một hội chứng đau xảy ra sau nhiễm herpes zoster cấp tính, hay còn gọi là bệnh Zona. Đau sau nhiễm Herpes thường kéo dài hơn 3 tháng sau khi tổn thương đã lành kèm theo đau liên tục, nóng rát hoặc ngứa.
- Bệnh thần kinh ngoại biên: Ccá tổn thương thần kinh sọ, thực vật, ngoại biên có liên quan với bệnh đái tháo đường. Loại đau này thường do tổn thương vi mạch liên quan đến các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng các dây thần kinh. Cảm giác đau thần kinh ngoại biên là loại đau nông ở bàn tay và bàn chân kèm bỏng rát, ngứa ran.
- Đau dây thần kinh sinh ba: Bất kỳ một trong 3 nhánh của dây thần kinh nằm ở hai bên mặt đều có thể xảy ra và đôi khi nó cũng có thể ảnh hưởng đến 2 nhánh cùng một lúc. Đau dây thần kinh sinh ba có thể lan rộng đến má, mũi, miệng hoặc lan đến cả cơ hàm. Biểu hiện của đau dây thần kinh sinh ba là đau nhói như bị bắn, điện giật, đau có thể được gây ra khi kích thích một điểm trên nướu răng, môi hoặc mặt.
- Đau dây thần kinh tọa: Đây là trường hợp đau từ lưng lan đến mông và chân. Đau thường kèm theo tê hoặc yếu cơ cẳng chân. Nguyên nhân thường gặp nhất của đua dây thần kinh là thoát vị đĩa đệm.
- Đau sau đột quỵ: Loại đau này là một tình trạng đau trung ương nặng nhất và cũng thường gặp nhất. Đặc trưng của đau sau đột quỵ đó là đau ở các vùng cơ thể bị mất chi phối cảm giác, nguyên nhân là do sự gián đoạn của đường cảm giác gai đồi thị.
- Hội chứng đau vùng phức tạp: Hội chứng này thường gặp sau chấn thương với mức độ đau dữ dội, liên tục, bỏng rát, đau nhói. Loại đua này thường sẽ có xu hướng lan xuống toàn bộ một khu vực giải phẫu.
- Đau chi trên: Đau chi trên thường gặp nhất chính là hội chứng ống cổ tay và khuỷu tay quần vợt. Nguyên nhân xảy ra đau chi trên chính là do sử dụng quá mức, chấn thương, gãy xương, giữ nước và các cử động mạnh.
3. Cơ chế bệnh sinh của đau thần kinh
Về cơ chế bệnh sinh, đau thần kinh bao gồm các cơ chế ngoại vi và trung ương như sau:
- Mẫn cảm hóa ngoại vi: Đây là sự nhạy cảm hóa ở ngoại vi của các thụ thể đau sơ cấp mà nguyên nhân là do sự phóng thích của histamin, bradykinin, prostaglandins và chất P.
- Hiện tượng ổ phóng điện bất thường của neuron tổn thương: Nguyên nhân là sau tổn thương có hiện tượng mọc chồi thần kinh, đây là nơi tích tụ các kênh ion và các thụ thể bình thường hoặc bệnh lý. Từ đó dẫn đến sự xuất hiện của các ổ tăng kích hoạt hoặc tự phóng điện bất thường tại nơi xảy ra tổn thương. Hiện tượng này có thể xảy ra dọc theo sợi trục với triệu chứng là đau nhói như điện giật ngay tại nơi mất cảm giác.
- Hiện tượng viêm thần kinh: Với hiện tượng này, áp lực, tổn thương tế bào sẽ phóng thích những chất đó là K+, PG, BK. Những chất này sẽ được dẫn truyền tới tủy sống gây phóng thích chất Bradykinin, P, Histamin, 5HT nhằm mục đích tăng độ nhạy cảm của các neuron lân cận.
- Hiện tượng giao thoa các sợi trục thần kinh: Hiện tượng này sẽ xảy ra khi một neuron của đường dẫn truyền cảm giác đau bị tổn thương, từ đó các neuron tiếp hợp với neuron này và tiếp tục phóng điện.
- Giảm hoạt động của đường ức chế hướng xuống: Sự giảm hoạt động này xuất phát từ trung não, cầu và hành não.
- Các tổn thương, thoái hóa và cuối cùng là hiện tượng tái sinh hoặc tái tổ chức lại tại tủy sống: Những điều này sẽ gây ra các kết nối sai lầm hoặc những kích thích hướng tâm quá mức, từ đó khiến chúng mất các kiểm soát ức chế trên các lớp nông của sừng sau tủy. Hậu quả là hoạt động của các nơron trung gian ức chế có tại khoanh tủy bị suy giảm.
4. Phục hồi chức năng thần kinh
Đau thần kinh không đơn thuần là triệu chứng mà là một loại bệnh. Cơ chế của đau thần kinh khác với đau tiếp nhận, do đó các thuốc giảm đau thông thường sẽ ít đem lại tác dụng, thậm chí không có tác dụng. Vì vậy các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng thần kinh thường được áp dụng. Các cách phục hồi chức năng thần kinh như sau:Tập vật lý trị liệu:Đối với cơ chế đau thần kinh nguyên phát thì các phương pháp vật lý trị liệu không chỉ định điều trị. Nguyên nhân là do bất kỳ một kích thích nào vào vùng đau thì cũng có thể khiến cơn đau kịch phát xuất hiện. Tuy nhiên, đối với đau thần kinh thứ phát thì có thể sử dụng bằng cách:
- Điện trị liệu: Phương pháp phục hồi chức năng điện trị liệu có nghĩa là dùng dòng điện xung, điện phân giảm đau và dòng kích thích thần kinh qua da cho người bệnh;
- Nhiệt trị liệu: Phương pháp phục hồi chức năng thần kinh này có thể sử dụng nhiệt nóng hoặc nhiệt lạnh;
- Siêu âm trị liệu, sóng ngắn cũng rất hữu hiệu trong việc điều trị đau dây thần kinh;
- Các kỹ thuật xoa bóp, di động khớp hoặc kỹ thuật di động mô mềm sẽ có tác dụng làm giảm cứng khớp, tăng tuần hoàn nuôi dưỡng cũng như tạo được sự thư giãn và sảng khoái, từ đó hỗ trợ cho bệnh nhân giảm đau một cách tốt nhất;
- Thủy trị liệu, tắm ngâm nước nóng nhằm mục đích hoạt hóa hệ thống Endorphin , từ đó giúp người bệnh giảm đau và ổn định trạng thái tâm lý.
Vận động trị liệu:Phương pháp vận động trị liệu nhằm mục đích tăng cường tính linh hoạt và mềm dẻo của các cơ bắp, từ đó tăng cường sức mạnh cơ cũng như duy trì tầm vận động khớp và tạo sự thoải mái về tinh thần, thể chất cho người bệnh. Các phương pháp vận động trị liệu đó bao gồm:
- Các dạng bài tập vận động chủ động, thụ động hoặc kháng trở tăng tiến: Các bài tập này sẽ tùy thuộc vào khả năng của bệnh nhân. Tuy nhiên tốt nhất là nên bắt đầu các bài tập ở mức độ thấp, sau đó mới nên tăng dần cường độ và thời gian của các bài tập để gia tăng sức bền của hệ cơ xương khớp,tim mạch cũng như gia tăng sức mạnh.
- Các bài tập kéo dãn: Với các bài tập này sẽ hỗ trợ duy trì và tăng cường tính đàn hồi, mềm dẻo của gân cơ cũng như các dây chằng quanh khớp. Từ đó có thể tránh các sang chấn và cũng giúp giảm đau cho bệnh nhân một cách tốt nhất.
- Các bài tập thể dục, thể dục nhịp điệu: Đối với những bài tập này nên tập ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần ít nhất 20-30 phút. Nếu người bệnh có thể duy trì phương pháp này thì sẽ mang lại sức khỏe cao, có được giấc ngủ tốt và sâu hơn.
Hoạt động trị liệu:
- Các hoạt động trị liệu sẽ cải thiện và độc lập tối đa chức năng di chuyển, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.