Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đau dây thần kinh sinh ba là một bệnh hiếm gặp, do sợi thần kinh cảm giác của dây thần kinh bị tổn thương nên khi có một kích thích sẽ hình thành nên xung đột đau.
1. Đau dây thần kinh sinh ba là gì?
Dây thần kinh sinh ba (hay dây thần kinh tam thoa) chính là dây thần kinh sọ não V, là một trong những dây thần kinh chính của vùng mặt. Các nhánh của dây thần kinh sinh ba dẫn truyền cảm giác sờ và cảm giác đau ở các vùng mặt, răng, quanh miệng đến não. Ngoài ra dây thần kinh sinh ba còn điều khiển các cơ để nhai và chi phối việc tạo nước mắt và nước bọt.
Đau dây thần kinh là cảm giác đau do dây thần kinh gây nên. Khi bị đau dây thần kinh sinh ba sẽ gây ra đau đột ngột ở một hoặc nhiều nhánh, biểu hiện ở những vùng mà chúng dẫn truyền cảm giác. Cơn đau thường nặng ở các nhánh thứ hai (V2) và thứ ba (V3), thường xuất hiện xung quanh má hay vùng hàm hoặc cả hai vùng này. Cơn đau trên trán và xung quanh mắt ít gặp hơn. Đau dây thần kinh sinh ba ít gặp trong trường hợp đau ở cả hai bên mặt, thường chỉ ảnh hưởng đến một bên của khuôn mặt.
Trong đau dây thần kinh sinh ba, người bệnh sẽ cảm thấy như châm kim, bị đâm thủng bởi dụng cụ sắc bén như dao. Cơn đau thường mất đi sau một vài giây nhưng cũng có thể kéo dài đến hai phút, khoảng cách giữa mỗi cơn đau là vài phút, vài giờ thậm chí là vài ngày. Tuy nhiên, một vài cơn đau có thể lặp lại liên tiếp.
Cơn đau dây thần kinh tam thoa có thể rất bất ngờ và nghiêm trọng đến mức làm người bệnh bị giật. Bệnh nhân bị đau âm ỉ và ấn thấy đau ở các vùng bị ảnh hưởng. Hiện tượng này thường giảm bớt trong một thời gian ngắn. Nếu bệnh nhân có cơn đau liên tục ở vùng mặt thì thường nguyên nhân không phải là do đau dây thần kinh sinh ba gây nên
2. Nguyên nhân đau dây thần kinh sinh ba
Nguyên nhân gây đau dây thần kinh sinh ba chủ yếu do một mạch máu chèn ép tại gốc của dây thần kinh nơi mà chúng đi từ não ra khỏi hộp sọ. Tuy nhiên, vẫn chưa biết được lý do tại sao khi về già mạch máu lại bắt đầu chèn ép dây thần kinh sinh ba.
Đau dây thần kinh sinh ba có thể là triệu chứng của những bệnh khác, ví dụ như u não, bệnh xơ cứng rải rác hay các bất thường ở nền sọ. Những bệnh này kèm theo triệu chứng đau mặt là đau dây thần kinh số X, đau dây thần kinh sau khi nhiễm herpes, hội chứng Sluder, hội chứng Reader, đau khớp thái dương hàm, đau đầu dạng chùm, đau thần kinh mặt sau chấn thương, đau thần kinh thể gối, đau do bệnh về răng, hốc mắt hoặc xoang. Trong một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
Đau dây thần kinh sinh ba không phổ biến, chủ yếu xảy ra ở người lớn, người già và thường trong độ tuổi từ 60 - 70. Nữ giới thường gặp tình trạng này nhiều hơn nam giới.
3. Biến chứng của đau dây thần kinh sinh ba
Đau dây thần kinh sinh ba có thể dẫn tới những biến chứng. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể rơi vào chán nản hoặc lo lắng. Bệnh nhân sẽ không dám ăn hay không dám đánh răng vì lo sợ gây ra đau đớn, dẫn đến sút cân, suy dinh dưỡng và vệ sinh răng miệng kém. Tuy nhiên, đa số các trường hợp do nguyên nhân là áp lực từ mạch máu nên không gây ra biến chứng ảnh hưởng đến dây thần kinh sinh ba hoặc đến não.
Trong một số ít các trường hợp, đau dây thần kinh sinh ba xảy ra do những bệnh khác mà các triệu chứng khác của bệnh này xuất hiện sau đó. Đau dây thần kinh sinh ba có thể xuất hiện cùng với liệt cơ, mất thăng bằng hoặc giảm thị lực trong bệnh xơ cứng rải rác.
4. Phương pháp điều trị đau dây thần kinh sinh ba
Phương pháp điều trị đau dây thần kinh sinh ba chủ yếu là dùng các thuốc chống động kinh. Đầu tiên, bệnh nhân được dùng carbamazepin; nếu không đỡ có thể phối hợp với rivotril hoặc dihydan, liorésal, gabapentin... Các thuốc này có nhiều tác dụng phụ nên muốn dùng phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
Bệnh nhân chỉ được điều trị ngoại khoa khi việc điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả. Các phương pháp thường được áp dụng là tiêm cồn vào nhánh của dây 5, nhiệt đông, đốt bằng sóng radio hoặc chiếu xạ hạch Gasser, cắt chọn lọc dây thần kinh sau hạch Gasser.
Tóm lại, đau dây thần kinh sinh ba rất hiếm gặp, tuy nhiên nếu mắc phải sẽ khiến cho người bệnh khó chịu, đau đớn trong các sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, đánh răng,...
Một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra những triệu chứng đau mặt, nhức đầu, dễ lầm tưởng với đau thần kinh sinh ba vô căn và cần phải chẩn đoán loại trừ như: viêm mũi xoang, nhức đầu horton, u não... Do đó để việc chẩn đoán và điều trị được chính xác, bệnh nhân nên đi khám sớm khi thấy có những dấu hiệu bất thường và khám ở những bệnh viện có các chuyên khoa thần kinh, tai mũi họng, răng hàm mặt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.