Phục hồi chức năng cho bệnh nhân động kinh

Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Động kinh là bệnh thường gặp (chiếm 0,5% dân số), là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột và quá mức của các neuron thần kinh, có thể phát cơn ngay từ lúc sơ sinh và ở mọi lứa tuổi. Phục hồi chức năng động kinh đang là một vấn đề đang được quan tâm.

1. Động kinh là gì?

Động kinh theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới là tình trạng xác định bởi cơn co giật không do sốt cao, tái phát từ hai cơn trở lên, cách nhau trên 24 giờ, không bị kích thích lên cơn bởi các nguyên nhân được xác định tức thì, các rối loạn chuyển hóa cấp tính hoặc sự ngừng thuốc hay rượu đột ngột.

Động kinh là một bệnh rối loạn mạn tính, đặc trưng của bệnh là những cơn co giật xuất hịện đột ngột, tự thoái lui, thời gian của cơn có thể từ vài giây đến vài phút, có tính chất định hình lặp đi lặp lại, cơn sau giống cơn trước, có mất ý thức trong cơn động kinh.

2. Mục tiêu phục hồi chức năng động kinh

Mục tiêu trong phục hồi chức năng động kinh là:

  • Phát hiện được bệnh nhân động kinh ở cộng đồng.
  • Hướng dẫn cho nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu và thân nhân gia đình biết cách xử trí khi bệnh nhân lên cơn động kinh.
  • Hướng dẫn bệnh nhân động kinh biết cách tự phục hồi và đề phòng tàn tật, tham gia các công việc của gia đình và xã hội.
  • Bảo đảm an toàn, hòa nhập xã hội và sắp xếp việc làm cho bệnh nhân động kinh.

Động kinh
Động kinh

3. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng

3.1 Phát hiện bệnh nhân động kinh ở cộng đồng

Những trường hợp có các biểu hiện của động kinh cần được hướng dẫn đến cơ sở y tế chuyên khoa để chẩn đoán xác định bệnh động kinh.

3.2. Cách xử trí bệnh nhân lên cơn động kinh

Hướng dẫn cho nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu và thân nhân gia đình biết cách xử trí khi bệnh nhân lên cơn động kinh.

Hướng dẫn cho cộng đồng cách xử trí khi bệnh nhân lên cơn động kinh:

  • Đưa bệnh nhân động kinh vào chỗ an toàn, nới lỏng quần áo
  • Đặt người bệnh vào nơi an toàn, xa nước, lửa, đường giao thông và các mối nguy hiểm khác
  • Đặt bệnh nhân động kinh nằm nghiêng để nước bọt, đờm dãi chảy ra ngoài.
  • Ở bên cạnh người bệnh cho đến khi họ tỉnh táo lại hoàn toàn

Không được làm những điều sau khi bệnh nhân đang lên cơn động kinh:

  • Không được bỏ bất cứ vật gì vào miệng kể cả uống thuốc.
  • Không cho ăn uống gì
  • Không ngăn cản động tác co giật cơ của bệnh nhân động kinh.
  • Không để trên da bệnh nhân bất cứ vật gì

Trong trường hợp khi lên cơn, người bệnh động kinh bị thương do ngã... nếu vết thương nhẹ cần băng bó và chăm sóc vết thương, nếu vết thương nặng nên chuyển bệnh nhân đến trung tâm y tế để điều trị sớm.

Hướng dẫn cho nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu và thân nhân gia đình đảm bảo cho bệnh nhân động kinh uống thuốc đúng chỉ định, đủ liều, đúng thời gian, không được quên hoặc tự động ngừng thuốc.

Theo dõi bệnh nhân động kinh về thời gian xuất hiện cơn, thời gian kéo dài cơn, trong quá trình dùng thuốc có biểu hiện bất thường phải kịp thời báo cáo cho cán bộ y tế.

3.3. Hướng dẫn bệnh nhân động kinh

Bệnh nhân động kinh phải làm được những công việc thông thường mà những người cùng trang lứa làm được: Trẻ em được vui chơi, đi học, tự chăm sóc mình; người lớn có thể làm được các công việc trong gia đình, có thể làm việc và tham gia mọi hoạt động của xã hội.

Hướng dẫn bệnh nhân động kinh tự chăm sóc: Tự ăn uống, vệ sinh cá nhân, đi lại an toàn... nếu họ cảm thấy khó khăn khi thực hiện một thao tác cần hướng dẫn họ cách chia nhỏ thành từng bước chi tiết hơn, luôn động viên khen ngợi khi họ hoàn thành một bước, một thao tác.

3.4. Bảo đảm an toàn, hòa nhập xã hội và sắp xếp việc làm cho bệnh nhân động kinh

  • Bảo đảm an toàn: Hướng dẫn người bệnh và gia đình biết khi lên cơn động kinh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nguyên nhân là do cơn động kinh xảy ra đột ngột, ngã ở bất cứ nơi nào... Thức ngủ đúng giờ để não bộ hoạt động nề nếp
  • Hoà nhập xã hội: Cần tuyên truyền trong xã hội bệnh nhân động kinh là thành viên của cộng đồng. Trẻ em được quyền vui chơi, đi học, tham gia mọi hoạt động mà các bạn cùng lứa tuổi có thể làm. Người lớn có thể làm được các công việc trong gia đình, có việc làm tăng thu nhập và tham gia mọi hoạt động của xã hội.
  • Chế độ sinh hoạt của bệnh nhân động kinh: Tránh tuyệt đối những hoạt động trên cao, dưới nước, gần lửa, không lái tàu xe đề phòng cơn bất ngờ gây tai nạn. Tránh làm việc ngoài nắng chói gây kích thích thị giác và mất mồ hôi làm mất nước, điện giải. Tránh nhịn đói, tuyệt đối kiêng rượu, các chất có độ cồn cao.
  • Sắp xếp việc làm cho bệnh nhân động kinh: Qua lao động giúp nhóm người này có thể hoà nhập với xã hội, tạo tâm lý vui vẻ, phấn khởi. Qua đó, giảm tần suất xuất hiện cơn động kinh.
  • Không sắp xếp công việc theo ca vì là làm đảo lộn sinh hoạt của họ dễ xuất hiện cơn động kinh. Không bố trí họ làm việc ban đêm
  • Không bố trí bệnh nhân động kinh làm việc trên cao, dưới nước, gần lửa, gần những nơi nguy hiểm.
  • Không làm những công việc gây căng thẳng thần kinh.

4. Liệu pháp điều trị động kinh


Sử dụng thuốc điều trị bệnh động kinh
Sử dụng thuốc điều trị bệnh động kinh

4.1. Dùng thuốc

Về điều trị thuốc cho bệnh nhân động kinh, chỉ điều trị khi đã xác định chắc chắn loại cơn động kinh và hội chứng. Chọn các loại thuốc đặc trị cho từng loại cơn động kinh theo thứ tự ưu tiên. Bắt đầu bằng liệu trình điều trị đơn trị liệu. Liều thuốc tăng dần cho đến khi đạt liều hữu hiệu, duy trì liều hàng ngày đến khi cắt cơn động kinh cuối cùng.

4.2. Kích thích dây thần kinh phế vị

  • Liệu pháp kích thích thần kinh phế vị bao gồm một thiết bị kích thích thần kinh phế vị cấy dưới da ngực của bệnh nhân động kinh như máy tạo nhịp tim.
  • Dây điện kích thích được quấn quanh các dây thần kinh phế vị ở cổ.
  • Những thiết bị sử dụng pin mang năng lượng điện đến não thông qua các dây thần kinh phế vị.
  • Không rõ sự ức chế sự co giật như thế nào, nhưng thiết bị có thể làm giảm cơn động kinh của bệnh nhân từ 30 đến 40 phần trăm.

Hầu hết, bệnh nhân động kinh vẫn cần phải uống thuốc chống động kinh. Các tác dụng phụ của thuốc kích thích thần kinh phế vị bao gồm khan tiếng, đau họng, ho, khó thở, ngứa và đau cơ.

4.3. Chế độ ăn uống Ketogenic

Những bệnh nhân đặc biệt là bệnh nhân nhi động kinh có thể làm giảm cơn co giật của họ bằng cách duy trì một chế độ ăn uống nghiêm ngặt chất béo và ít carbohydrate. Chế độ ăn uống kiểu này, được gọi là một chế độ ăn ketogenic, có tác dụng giúp cơ thể phá vỡ các chất béo thay vì carbohydrate thành năng lượng. Một số trẻ động kinh có thể dừng chế độ ăn ketogenic sau một vài năm và vẫn không có dấu hiệu lên cơn.

Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình đã có 30 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành Phục hồi chức năng, đặc biệt có kinh nghiệm trong Phục hồi chức năng các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh, cột sống của người lớn và trẻ em. Hiện tại, là bác sĩ Phục hồi chức năng thuộc Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe