Bài viết được viết bởi Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Phần chi thể bị đứt rời (do tai nạn bất ngờ) có mạch máu siêu nhỏ hoàn toàn có thể ráp nối lại bình thường, nếu phần đứt rời được bảo quản tốt.
1. Phẫu thuật trồng nối lại chi thể là gì?
Phẫu thuật trồng nối lại chi thể (ngón tay, bàn tay và cánh tay) là việc phẫu thuật gắn lại ngón tay, bàn tay hoặc cánh tay đã bị cắt hoàn toàn khỏi cơ thể của một người.
Trồng lại chi thể đem lại lợi ích to lớn về chức năng, thẩm mỹ và tâm lý cho người bệnh, giúp người bệnh sử dụng lại vùng bị thương càng nhiều càng tốt. Quy trình này được khuyến khích nếu bộ phận được trồng lại dự kiến sẽ hoạt động mà không bị đau.
Kết quả phục hồi chức năng sau trồng lại chi thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Vị trí tay bên tổn thương,
- Nguyên nhân tổn thương, hình thái tổn thương, đặc điểm đứt rời,
- Cách bảo quản lạnh chi đứt rời, thời gian thiếu máu, việc tham gia đầy đủ và đúng thời gian phục hồi chức năng sau mổ.
Sau phẫu thuật trồng nối chi thể, nếu người bệnh không được điều trị phục hồi chức năng sớm, đúng cách, đầy đủ thời gian thì khả năng để lại những di chứng (thường sau phẫu thuật > 6 tháng) là rất cao, các di chứng có thể gặp bao gồm: Bàn tay lệch trục, không liền xương, khớp giả, sẹo co kéo, biến dạng, dính gân, tuột, đứt mối gân. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chức năng bàn tay, gây khó khăn cho người bệnh ngay cả trong các hoạt động hàng ngày.
2. Đặc điểm bàn tay sau phẫu thuật trồng nối lại chi thể
Quy trình trồng nối chi thể bao gồm một số bước sau:
- Đầu tiên, mô bị hư hỏng được làm sạch, loại bỏ cẩn thận.
- Các đầu xương được cắt gọt cẩn thận trước khi chúng được nối lại. Điều này giúp việc sắp xếp các mô mềm ở hai bên vết thương trở nên dễ dàng hơn.
- Động mạch, tĩnh mạch, dây thần kinh, cơ và gân được khâu lại với nhau. Những dây thần kinh, gân và khớp mà không được che phủ có thể được bao phủ bởi quá trình cấy ghép mô tự do, nơi một phần mô được lấy ra từ một phần khác của cơ thể, cùng với động mạch và tĩnh mạch của nó.
- Cuối cùng, những vùng không có da được bao phủ bởi da đã được lấy từ các vùng khác trên cơ thể.
Sau phẫu thuật, sự phục hồi chức năng chi thể phụ thuộc vào sự mọc lại của hai loại dây thần kinh: Dây thần kinh cảm giác và dây thần kinh vận động. Các dây thần kinh cảm giác mang thông điệp đến não từ các bộ phận khác nhau của cơ thể để báo hiệu cơn đau, áp lực và nhiệt độ. Trong khi đó các dây thần kinh vận động mang thông điệp từ não đến cơ bắp để làm cho cơ thể di chuyển. Dây thần kinh phát triển khoảng 2,54 centimet (1 inch) mỗi tháng và thực tế này giúp các bác sĩ ước tính thời gian hồi phục.
3. Bài tập phục hồi chức năng bàn tay sau trồng lại chi thể
Việc chữa lành hoàn toàn vết thương và vết thương phẫu thuật chỉ là bước khởi đầu của một quá trình phục hồi chức năng lâu dài. Vật lý trị liệu và nẹp bất động tạm thời rất quan trọng đối với quá trình hồi phục. Nẹp cố định được sử dụng ngay từ đầu để bảo vệ phần chi thể mới được sửa chữa, và cho phép bệnh nhân di chuyển phần đã được trồng lại. Các bài tập vật lý trị liệu được sử dụng để ngăn ngừa các khớp bị cứng, giữ cho các cơ vận động và giảm thiểu sự hình thành các mô sẹo, dần dần phục hồi tầm vận động và tăng cường sức mạnh các cơ của chi thể sau trồng nối.
Giai đoạn đầu sau phẫu thuật, người bệnh nên tập luyện dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các chuyên gia Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, nhằm đảm bảo đúng kỹ thuật, giảm đau, bảo vệ vùng nối và chi thể được trồng nối.
Tùy theo vị trí chi thể trồng nối cũng như tùy từng giai đoạn phục hồi sau phẫu thuật mà bài tập nào được áp dụng cho phù hợp. Các bài tập phục hồi chức năng cho bàn tay sau trồng lại chi thể bao gồm:
3.1 Các bài tập thụ động của bàn tay- ngón tay
Được thực hiện bởi kỹ thuật viên Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, bao gồm các động tác sau:
- Gấp các ngón tay: Gấp các ngón tay lại thành nắm đấm, sau đó duỗi thẳng các ngón tay lại. Cuộn tròn và duỗi thẳng từng ngón tay một. Cuộn tròn và duỗi thẳng ngón tay cái.
- Xòe ngón tay: Xòe ngón cái và ngón trỏ ra xa nhau, sau đó đưa chúng lại gần nhau. Tách ngón trỏ và ngón giữa (ngón nhẫn) ra xa nhau, sau đó đưa chúng lại gần nhau. Làm tương tự với các ngón còn lại.
- Chạm ngón tay cái: Chạm từng đầu ngón tay của người bệnh vào phía đầu ngón tay cái của họ.
- Xoay ngón tay: Cuộn từng ngón tay theo hình tròn theo một hướng. Cuộn từng ngón tay theo hướng khác. Cuộn ngón tay cái theo từng hướng.
3.2 Các bài tập chủ động của bàn tay- ngón tay
Kỹ thuật viên Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng trợ giúp một phần hoặc do người bệnh tự thực hiện các động tác sau:
Bài tập mũi tên: Bắt đầu với việc dựng đứng khuỷu tay, cổ tay thẳng, các ngón tay hướng lên trần nhà. Các ngón tay khép lại với nhau, tách ngón cái ra xa ngón trỏ và đưa trở lại sát ngón trỏ.
Bài tập móng vuốt: tiếp theo bài tập mũi tên, các ngón tay gập lại như hình bên và theo hướng ngược lại.
Bài tập mặt bàn: Hướng các ngón tay về phía trước sao cho các ngón tay và lòng bàn tay vuông góc với nhau.
Bài tập nắm tay: Cuộn tròn các ngón tay lại thành nắm đấm, sau đó đưa các ngón tay trở lại vị trí ban đầu. Bạn cũng có thể đưa từng ngón tay cho đến khi ngón tay chỉ thẳng lên trần nhà. Điều này trông giống như đang chỉ vào ai đó hoặc vật gì đó.
Bài tập vào và ra: Tách các ngón ra xa nhau sau đó di chuyển chúng trở lại gần nhau.
Bài tập ngón cái và đầu các ngón: Lần lượt đưa ngón cái chạm vào đầu các ngón tay còn lại để tạo thành vòng tròn, sau đó vận động trở lại.
Nếu vùng nối nằm ở cẳng tay (giữa khuỷu tay và cổ tay) thì cần tập luyện thêm bài tập cho cổ tay.
Mỗi bài tập lặp lại 10 lần cho mỗi động tác. Thực hiện 3 – 4 lần mỗi ngày.
Bằng cách thực hiện các bài tập tay đơn giản, tăng dần cường độ, sau đó tập trung vào việc tăng cường và kéo căng cơ, bạn có thể cải thiện tính linh hoạt của các ngón tay và bàn tay.
Toàn bộ quá trình tập luyện cần thực hiện đầy đủ và đúng cách theo chỉ định và tư vấn của Bác sĩ Phục hồi chức năng cũng như dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của các kỹ thuật viên Vật lý trị liệu, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp với từng giai đoạn hồi phục. Vì vậy, việc tái khám định kỳ là rất cần thiết.
4. Những lưu ý khi phục hồi chức năng bàn tay sau trồng lại chi thể
Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi đó là:
- Thuốc lá: Người bệnh nên tránh hút thuốc vì nó có thể làm mất lưu lượng máu đến phần chi thể đã trồng lại.
- Tuổi tác: Những người càng trẻ tuổi càng có nhiều cơ hội để dây thần kinh của họ phát triển trở lại, giúp cho việc lấy lại cảm giác và cử động nhiều hơn ở phần được trồng lại.
- Thời tiết: Thời tiết lạnh có thể gây khó chịu trong quá trình hồi phục, bất kể tình trạng hồi phục của người bệnh diễn ra như thế nào.
- Vị trí bị tổn thương trên chi thể: việc sử dụng nhiều hơn sẽ giúp cho phần được trồng lại có thể hoạt động trở lại tốt hơn.
- Tổn thương khớp: Phần chi thể được trồng nối sẽ hoạt động trở lại tốt hơn đối với những người bệnh không bị thương ở khớp.
- Phần cơ thể bị cắt rời và bị nghiền nát: Một phần bị cắt bỏ sạch sẽ thường phục hồi chức năng tốt hơn sau khi trồng lại so với phần đã bị cắt bỏ hoặc bị dập nát.
Ngay cả khi người bệnh đã hồi phục, người bệnh có thể thấy rằng không thể làm mọi thứ mình muốn. Các thiết bị được thiết kế riêng có thể giúp nhiều người bệnh thực hiện các hoạt động hoặc thói quen, sở thích đặc biệt. Nhiều người bệnh trồng lại có thể trở lại công việc mà họ đã làm trước khi bị thương. Khi điều này không thể thực hiện được, người bệnh có thể tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc lựa chọn một loại công việc mới.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.