Phòng viêm gan virus B truyền từ mẹ sang con

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt - Trưởng đơn nguyên khám bệnh - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

1. Phụ nữ cần tiêm phòng viêm gan B trước khi mang thai

Viêm gan virus B là một bệnh phổ biến toàn cầu do virus HBV gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua 3 con đường gồm:

  • Qua đường máu
  • Qua đường tình dục
  • Từ mẹ truyền sang con

Nếu mẹ nhiễm HBV và có HBeAg (+) thì khả năng lây cho con là hơn 80%; khoảng 90% trẻ sinh ra sẽ mang HBV mạn tính và 100% ung thư gan ở trẻ em là do viêm gan B.

Vì vậy, phụ nữ nên chủ động tiêm vắc-xin phòng viêm gan B để bảo vệ cho mẹ và con. Thời gian tiêm vắc-xin tốt nhất là trước khi mang thai để vắc-xin có đủ thời gian tạo kháng thể.


Viêm gan virus B là một bệnh phổ biến toàn cầu do virus HBV gây ra
Viêm gan virus B là một bệnh phổ biến toàn cầu do virus HBV gây ra

2. Vậy mang thai có tiêm phòng viêm gan B được không?

Theo khuyến cáo, vắc-xin phòng viêm gan B được khuyến cáo nên tiêm cho phụ nữ trước khi mang thai để có khoảng thời gian nhất định tạo kháng thể.

Lịch tiêm phòng viêm gan B cho người lớn gồm:

  • Mũi 1: Lần đầu đến tiêm
  • Mũi 2: Cách mũi 1 một tháng
  • Mũi 3: Cách mũi 1 sáu tháng
  • Tiêm nhắc lại 1 mũi sau 5-10 năm sau đợt tiêm trước đó.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó bạn không kịp tiêm vắc-xin phòng viêm gan B trước khi mang thai thì vẫn có thể tiêm vắc-xin viêm gan B khi mang thai, bởi đây là vắc-xin bất hoạt, an toàn nhất nên không ảnh hưởng đến thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ bầu.

Do vậy, nếu bạn không kịp chủng ngừa trước khi mang thai thì bạn vẫn nên tiêm khi đã mang bầu.


Vắc-xin phòng viêm gan B được khuyến cáo nên tiêm cho phụ nữ trước khi mang thai
Vắc-xin phòng viêm gan B được khuyến cáo nên tiêm cho phụ nữ trước khi mang thai

3. Phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con

Phụ nữ mang thai xét nghiệm HBsAg dương tính (+):

  • Tiêm vắc-xin viêm gan B liều sau sinh cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, đồng thời phối hợp với tiêm kháng thể kháng HBV cho trẻ.
  • Tiêm đầy đủ các liều vắc xin viêm gan B cho trẻ theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Phụ nữ mang thai xét nghiệm HBsAg dương tính (+) nhưng chưa điều trị kháng virus cần:

  • Đối với phụ nữ mang thai đủ tiêu chuẩn: Điều trị bằng Tenofovir disoproxil fumarate.
  • Đối với phụ nữ mang thai không đủ tiêu chuẩn: Theo dõi và điều trị dự phòng lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con. Trẻ sinh ra có mẹ HBsAg dương tính thì cần tiêm kháng huyết thanh viêm gan virus B và vắc-xin viêm gan virus B trong vòng 24 giờ sau sinh. Sau đó tiêm đầy đủ các liều vắc-xin viêm gan virus B cho trẻ theo quy định.
  • Đối với phụ nữ đang điều trị viêm gan B mạn tính muốn có thai, nếu điều trị bằng thuốc không phải TDF thì chuyển sang TDF trước khi có thai ít nhất 2 tháng.
  • Đối với phụ nữ phát hiện có thai trong khi điều trị kháng virus viêm gan B thì tiếp tục điều trị TDF, nếu thuốc không phải TDF thì chuyển sang TDF.

Tiêm vắc-xin viêm gan B liều sau sinh cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng
Tiêm vắc-xin viêm gan B liều sau sinh cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng

Trường hợp phụ nữ mang thai có tải lượng HBV DNA > 200.000 IU/mL hoặc HBsAg định lượng > 104 IU/mL cần:

  • Theo dõi tình trạng của mẹ và tải lượng HBV DNA trong vòng 24 tuần sau sinh.
  • Dùng TDF từ tuần 24 - 28 của thai kỳ, muộn hơn thì nên bắt đầu ít nhất 4 tuần trước sinh, sau đó điều trị liên tục 4 - 12 tuần sau sinh.
  • Xét nghiệm HBsAg và anti-HBs cho trẻ > 12 tháng tuổi để đánh giá tình trạng nhiễm virus viêm gan B.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe