Phòng ngừa và điều trị run lạnh trong mổ lấy thai

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hoài Nam - Trưởng Đơn nguyên Giảm đau - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Tình trạng run lạnh có thể gặp ở các sản phụ sau khi thực hiện gây tê trục thần kinh mổ lấy thai. Đây là một trình trạng phổ biến nhưng thường không được điều trị đúng cách gây ra nhiều biến chứng về sau. Do đó, phòng ngừa và điều trị run lạnh có ý nghĩa lớn đối với sức khỏe của các sản phụ sau sinh.

1. Run lạnh có thể gặp ở sản phụ sau khi mổ lấy thai

Gây tê trục thần kinh bao gồm gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng hay phối hợp tủy sống- ngoài màng cứng thường được dùng trong mổ lấy thai, do thuốc ít tác dụng nhất lên thai nhi. Tuy nhiên, gây tê trục thường liên quan đến run lạnh chu phẫu và có thể dẫn đến sự khó chịu hay lo lắng quá mức của sản phụ. Đây là phiền nạn phổ biến trên lâm sàng nhưng thường không được điều trị đúng mức. Nó có thể làm tăng mức tiêu thụ oxy vượt trội mà có thể là thảm họa cho những sản phụ có bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Do đó, phòng ngừa và điều trị run lạnh có thể có ý nghĩa lớn đối với sản phụ. Trong một nghiên cứu trước đây, ước tính tỷ lệ trung bình run lạnh liên quan đến gây tê là 55%. Cơ chế của run lạnh do gây tê trục đến nay vẫn chưa rõ. Các yếu tố liên quan bao gồm:

  • Mất sự co mạch điều hòa nhiệt độ dưới mức bị phong bế dẫn đến tăng mất nhiệt từ bề mặt cơ thể.
  • Sự tái phân bố nhiệt của cơ thể từ trung tâm đến ngoại biên
  • Điều hòa nhiệt thay đổi do ngưỡng tiết mồ hôi tăng và giảm co mạch.

Run lạnh chu phẫu có thể cản trở việc theo dõi điện tim, huyết áp và độ bão hòa oxy và làm tăng tiêu thụ oxy đáng kể gây bất lợi ở sản phụ có dự trữ tim phổi thấp. Theo đó, dùng thuốc vẫn là cách phổ biến nhất để phòng ngừa và điều trị run lạnh. Vậy nên hiểu như thế nào cho đúng về cách dùng thuốc trong điều trị run lạnh trong mổ lấy thai dưới gây tê trục thần kinh?


Tình trạng run lạnh sản phụ sau khi mổ lấy thai tiềm ẩn nhiều rủi ro
Tình trạng run lạnh sản phụ sau khi mổ lấy thai tiềm ẩn nhiều rủi ro

2. Các thuốc dùng trong điều trị run lạnh trong mổ lấy thai dưới gây tê trục thần kinh

Mười tám thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được trích xuất từ PubMed, EMBASE và Thư viện Cochrane cho thấy hiệu quả của thuốc Dexmedetomidine, Fentanyl, Sufetanil, Meperidine đường tủy sống; Ketamine, Tramadol, MgSO4, Ondansetron tĩnh mạch trong điều trị run lạnh trong mổ lấy thai dưới gây tê trục thần kinh. Cụ thể:

  • Dexmedetomidine: Dexmedetomidine 5mcg đường tủy sống cho thấy làm giảm đáng kể tỷ lệ và mức độ run lạnh trong mổ lấy thai dưới gây tê mà không có tác dụng phụ đáng kể. Liều 2,5mcg không làm giảm run lạnh.
  • Fentanyl, sufentanil: Một phác đồ khác cũng được chấp nhận gồm 20-25mcg Fentanyl tê tủy sống, 25mcg Fentanyl tê ngoài màng cứng, 5mcg Sufentanil tê tủy sống cũng làm giảm tỉ lệ và mức độ run lạnh.
  • Ketamine: Với liều 0,5mg/kg hoặc 0,25mg/kg tĩnh mạch đều làm giảm đáng kể tỷ lệ và mức độ run lạnh trong mổ lấy thai dưới gây tê. Tuy nhiên, tác dụng phụ của Ketamine như rung giật nhãn cầu, ảo giác thường gặp ở liều 0,5mg/kg hơn liều 0,25mg/kg.
  • Meperidine: Các nghiên cứu cho thấy Meperidine đường tủy sống liều 0,2mg/kg làm giảm đáng kể tỷ lệ và mức độ run lạnh mà không có tác dụng phụ. Với liều cao hơn hiệu quả chống run lạnh tốt hơn nhưng gặp tác dụng phụ nhiều hơn như ngứa, buồn nôn, nôn. Khi so sánh Meperidine với Morphine tủy sống trong mổ lấy thai, phối hợp Meperidine với Bupivacaine ưu trương trong tê tủy sống hiệu quả chống run lạnh tốt hơn khi phối hợp với Morphine. Việc tăng liều Morphine từ 0,1mg lên 0,2mg không làm tăng hiệu quả chống run lạnh.

Một số loại thuốc được dùng trong điều trị run lạnh trong mổ lấy thai dưới gây tê trục thần kinh
Một số loại thuốc được dùng trong điều trị run lạnh trong mổ lấy thai dưới gây tê trục thần kinh

  • MgSO4: Phối hợp MgSO4 với thuốc tê tủy sống làm giảm tỉ lệ và mức độ run lạnh trong vòng 10 đến 20 phút sau gây tê. Tuy nhiên, tác dụng này không kéo dài, hơn nữa còn làm tăng đáng kể mức độ run lạnh sau đó.
  • Ondansetron: Một nghiên cứu cho thấy Ondansetron 8mg tiêm tĩnh mạch ngay sau khi gây tê làm giảm tỉ lệ và mức độ run lạnh trong khi nghiên cứu khác cho thấy thuốc không có hiệu quả.
  • Tramadol: Tramadol tĩnh mạch dùng để điều trị run lạnh mức độ 3 hoặc 4 cho sản phụ. Tramadol và Meperidine tĩnh mạch đều hiệu quả để điều trị run lạnh sau gây tê ngoài màng cứng và Tramadol ít gây buồn ngủ hơn so với Meperidine. Hiệu quả của Tramadol liều 0,5mg/kg và 0,25mg/kg đều giống nhau và không khác biệt về tác dụng phụ.

Bệnh viện Quốc tế Đa khoa Vinmec là một địa chỉ an toàn, uy tín để mẹ bầu thực hiện sinh nở
Bệnh viện Quốc tế Đa khoa Vinmec là một địa chỉ an toàn, uy tín để mẹ bầu thực hiện sinh nở

Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp nào được coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị run lạnh trong mổ lấy thai dưới gây tê trục thần kinh. Kết quả các nghiên cứu tổng hợp được cho thấy sử dụng đúng thuốc Dexmedetomidine, Fentanyl, Sufentanil, Ketamine, Meperidine, Tramadol and Mgso4 có thể làm giảm tỉ lệ và mức độ run lạnh trong mổ lấy thai dưới tác dụng gây tê trong khi các thử nghiệm hiệu quả của Ondansetron tĩnh mạch chưa có kết luận. Ketamine tĩnh mạch và Meperidine đường tủy sống có liên quan đến việc gia tăng các tác dụng phụ khi tăng liều nên có thể không phù hợp khi dùng cho sản phụ.

Để đảm bảo an toàn, tránh được các tác dụng phụ sau khi thực hiện gây tê trục thần kinh mổ lấy thai thì các sản phụ nên chọn các cơ sở, bệnh viện uy tín, đảm bảo chuyên môn về gây mê phẫu thuật.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đa khoa đạt tiêu chuẩn quốc tế với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng giàu kinh nghiệm, có nhiều năm công tác trong gây mê phẫu thuật. Trong quá trình thực hiện, đội ngũ y bác sĩ luôn tuân thủ các phác đồ gây mê, gây tê, các hướng dẫn an toàn bảng kiểm gây mê đối với 100% ca phẫu thuật nhằm giảm thiểu tối đa tác dụng không mong muốn sau khi phẫu thuật mổ lấy thai. Đặc biệt, với dịch vụ chăm sóc sau sinh toàn diện, các sản phụ sẽ phục hồi sức khỏe nhanh chóng và sớm được xuất viện trở về nhà.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo

Lược trích theo Jie Liu, Yong Wang, Wuhua MA “Shivering prevention and treatment during cesarean delivery under neuraxial anesthesia: a systematic review”, Minerva Anestesiologica 2018 December;84(12):1393-405 Doi: 10.23736/s0375-9393.18.12478-3

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe