Phòng ngừa tiền sản giật khi mang thai

Bài viết tham vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý thai nghén toàn thân do thai nghén gây ra, có thể dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng của cả thai phụ và thai nhi.

1. Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý thai nghén toàn thân do thai nghén gây ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ, đặc trưng bởi ba triệu chứng: tăng huyết áp, protein niệu và phù.

  • Tăng huyết áp:
    • Trị số huyết áp tối đa ≥ 140 mmHg và/hoặc trị số huyết áp tối thiểu ≥ 90mmHg ở tuần thứ 20 trở đi của thai kỳ, trên thai phụ có huyết áp bình thường trước đó (phải tiến hành đo khi nghỉ ngơi, đo hai lần cách nhau ít nhất 4 giờ).
    • Trường hợp trị số huyết áp tối đa tăng hơn 30 mmHg hoặc trị số huyết áp tối thiểu tăng hơn 15 mmHg so với trị số huyết áp khi chưa có thai cần được theo dõi, bởi có thể xuất hiện tiền sản giật.
  • Protein niệu: kết quả dương tính khi lượng protein trên 0,5 g/L với mẫu nước tiểu ngẫu nhiên; hoặc để kết quả xét nghiệm chính xác nhất thì lấy mẫu nước tiểu 24h, kết quả dương tính khi lượng protein lớn hơn 0,3 g/L/24h.
  • Phù: phù toàn thân, phù từ buổi sáng ngủ dậy, kê cao chân không hết phù, những trường hợp nặng có thể xuất hiện tràn dịch đa màng, phù não.

Tiền sản giật có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả thai phụ và thai nhi. Nếu không được điều trị kịp thời, tiền sản giật có thể gây tổn thương đa cơ quan (não, thận, gan) của thai phụ, nặng hơn nữa, khi tiến triển thành sản giật, tính mạng của cả thai phụ và thai nhi đều bị đe dọa.

Trên thực tế, đa số thai phụ bị tiền sản giật vẫn sinh ra những em bé khỏe mạnh.


Trên thực tế, đa số thai phụ bị tiền sản giật vẫn sinh ra những em bé khỏe mạnh.
Trên thực tế, đa số thai phụ bị tiền sản giật vẫn sinh ra những em bé khỏe mạnh.

2. Làm thế nào để phòng ngừa tiền sản giật?

Hiện nay nguyên nhân dẫn tới tiền sản giật vẫn còn chưa rõ ràng và gây nhiều tranh cãi, do đó, thật không may hiện không có cách nào phòng ngừa tiền sản giật một cách tuyệt đối.

Các nghiên cứu đang tích cực tìm ra phương pháp để phòng ngừa tiền sản giật. Một nghiên cứu chỉ ra rằng thai phụ ăn các thực phẩm bổ sung thành phần amino acid L - arginine và các vitamin chống oxy hóa có thể làm giảm nguy cơ mắc tiền sản giật ở những phụ nữ có nguy cơ cao. Một nghiên cứu khác cho thấy, những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì khi mang thai tăng trọng lượng cơ thể không quá 15 pound (~ 6,8 kg) đối mặt với nguy cơ bị tiền sản giật thấp hơn. Thêm một nghiên cứu khác khám phá ra rằng aspirin có khả năng bảo vệ hiệu quả trước nguy cơ tiền sản giật đối với những phụ nữ có yếu tố nguy cơ.


Để làm giảm áp lực máu, bác sĩ có thể hướng dẫn thai phụ một số phương pháp, như nằm nghiêng bên trái khi nghỉ ngơi
Để làm giảm áp lực máu, bác sĩ có thể hướng dẫn thai phụ một số phương pháp, như nằm nghiêng bên trái khi nghỉ ngơi

Tuy không thể phòng tránh hoàn toàn trước tiền sản giật, nhưng hãy luôn ghi nhớ kỹ, quản lý thai nghén là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, hãy luôn lắng nghe cơ thể mình, sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để kịp thời thăm khám và có phương pháp điều trị thích hợp. Thai phụ có thể tham khảo những hướng dẫn sau để giảm nguy cơ tiền sản giật:

  • Khám thai định kỳ: cách tốt để thai phụ và thai nhi luôn trong trạng thái khỏe mạnh trong suốt thai kỳ là thực hiện quản lý thai nghén, khám thai định kỳ, qua đó bác sĩ chuyên khoa có thể kiểm tra huyết áp, xét nghiệm máu, nồng độ protein niệu, sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ,... cùng nhiều yếu tố khác, nhằm sớm phát hiện ra những triệu chứng và dấu hiệu không chỉ của tiền sản giật, mà còn cả những bệnh lý khác nếu có, để có phương pháp điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
  • Tự theo dõi cân nặng và huyết áp: nếu thai phụ có tiền sử tăng huyết áp trước khi mang thai, hãy nói ngay với bác sĩ chuyên khoa trong lần khám đầu tiên, để bác sĩ có thể hướng dẫn cách tự theo dõi cân nặng và huyết áp giữa những lần khám định kỳ, ghi lại kết quả và thông báo lại cho bác sĩ ở lần khám kế tiếp.
  • Làm giảm áp lực máu: để làm giảm áp lực máu, bác sĩ có thể hướng dẫn thai phụ một số phương pháp, như nằm nghiêng bên trái khi nghỉ ngơi, hoặc chỉ định uống bổ sung canxi, hoặc chỉ định uống aspirin,... Bên cạnh đó thai phụ cũng cần thực hiện một chế độ ăn cân bằng. Đó là chế độ ăn đủ dưỡng chất, cân đối các thành phần dinh dưỡng, nhiều rau xanh, hoa quả, và ít muối (ăn nhiều muối có mối liên quan chặt chẽ với tăng huyết áp).

Khách hàng có thể tham khảo chương trình chăm sóc thai sản trọn gói tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với lộ trình thăm khám khoa học cho bà mẹ mang thai trước - trong - sau sinh với các bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Sản phụ khoa, đảm bảo việc theo dõi sát sao giúp sản phụ có 1 thai kỳ khỏe mạnh và cuộc chuyển dạ an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe