Tiền sản giật có sinh thường được không

Bài viết tham vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tiền sản giật là tình trạng tăng huyết áp vào nửa sau thai kỳ và có sự hiện diện của đạm trong nước tiểu của thai phụ. Không phải cứ bị tiền sản giật là buộc phải sinh mổ.

1. Triệu chứng tiền sản giật

Cho đến thời điểm hiện tại, các nguyên nhân dẫn đến tiền sản giật vẫn chưa được làm rõ ràng. Tuy nhiên, sự mất cân bằng prostaglandin trong cơ thể được coi là có thể khiến nguy cơ tiền sản giật tăng cao. Đến nay, tiền sản giật vẫn là một trong năm loại bệnh trong thai kỳ gây bệnh tật và tử vong cao nhất cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trên thế giới.

Các triệu chứng của tiền sản giật đôi khi rất mơ hồ. Do đó, phải định kỳ kiểm tra huyết áp và nước tiểu cho thai phụ. Những triệu chứng của tiền sản giật gồm có:

  • Tăng huyết áp: Những phụ nữ mang thai có huyết áp tối đa cao hơn 30mmHg hay huyết áp tối thiểu tăng cao hơn 15mmHg so với huyết áp ở thời điểm chưa mang thai thì cần chú ý thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ ngay. Phụ nữ mang thai có huyết áp càng cao thì nguy cơ tiền sản giật càng lớn.
  • Protein niệu tăng cao: Lượng protein trong nước tiểu càng cao thì nguy cơ mắc tiền sản giật càng lớn. Để xét nghiệm được chính xác nhất thì nước tiểu của sản phụ phải được lấy trong 24h.
  • Phù nề: Ở thai phụ bình thường, sự phù nền chỉ diễn ra trong 3 tháng cuối và chỉ bị sưng phù nhẹ ở chân, thường phù về chiều và khi được nằm nghỉ, kê cao chân thì sẽ hết. Nếu phù nề là triệu chứng của tiền sản giật, thai phụ sẽ bị phù toàn thân, phù trong cả buổi sáng và kê cao chân cũng không hết được. Tình trạng nặng còn có thể bị phù tràn dịch đa nang hay phù não rất nguy hiểm.

Một số triệu chứng nặng

  • Thiếu máu, mệt mỏi, da xanh xao và niêm mạc trở nên nhợt nhạt.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, đau vùng thượng vị và đau hạ sườn phải.
  • Thần kinh: Đau vùng chẩm, lờ đờ, mệt mỏi, dùng thuốc giảm đau cũng không đỡ.
  • Thị giác: Hoa mắt, chóng mặt, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng.

Thiếu máu, mệt mỏi, da xanh xao và niêm mạc trở nên nhợt nhạt là triệu chứng nặng của bệnh tiền sản giật
Thiếu máu, mệt mỏi, da xanh xao và niêm mạc trở nên nhợt nhạt là triệu chứng nặng của bệnh tiền sản giật

2. Những biến chứng nguy hiểm của tiền sản giật

2.1. Đối với thai phụ

Tiền sản giật có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho thai phụ.

Các biến chứng gồm có sản giật, phù não, phù võng mạc và có thể mù võng mạc, xuất huyết não... đối với hệ tiết niệu thì có thể bị suy thận cấp, hoại tử ống thận và thận do tiền sản giật. Bà bầu còn có thể bị thiếu máu trầm trọng, giảm tiểu cầu trong máu, thiếu máu tán huyết vi mạch.

Đối với hệ hô hấp, phụ nữ bị tiền sản giật có thể bị phù phổi, phù thanh quản. Về mặt sản khoa, bà bầu có thể bị rách nhau, nhau bong non hay sinh non.

2.2. Đối với thai nhi

Những thai nhi có mẹ bị tiền sản giật thường phải chịu nhiều biến chứng như: Chậm phát triển bào thai, các biến chứng thần kinh, bệnh lý về tim mạch sau này.

Tiền sản giật làm giảm lượng máu đến bánh nhau. Tình trạng này kéo dài khiến cho thai nhi bị suy dinh dưỡng, nước ối giảm và thậm chí chết lưu trong tử cung. Do đó, việc theo dõi thai máy và đánh giá sức khỏe của thai được thực hiện kĩ lưỡng trong mỗi lần khám thai.

Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể trở thành sản giật, đây là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tử vong mẹ và con.


Những biến chứng nguy hiểm của tiền sản giật đối với thai nhi
Những biến chứng nguy hiểm của tiền sản giật đối với thai nhi

3. Tiền sản giật có sinh thường được không?

Thai phụ bị tiền sản giật hoàn toàn có thể sinh thường.

Theo các bác sĩ, gần 40% sản phụ bị tiền sản giật được theo dõi sinh thường an toàn trong khi phần còn lại được mổ lấy thai. Bác sĩ sẽ cân nhắc dựa vào tình trạng của mẹ và bé để lựa chọn cách sinh phù hợp nhất.

Thai phụ bị tiền sản giật thường được khuyến khích sinh mổ hơn là sinh thường vì có nguy cơ sinh non thiếu tháng và khó khăn trong quá trình chuyển dạ.

Tuy nhiên, khi thai nhi đã phát triển tới tuần thứ 35 và 36, cổ tử cung người mẹ đã mềm thì vẫn có cơ hội sinh thường, bác sĩ sẽ trao đổi kỹ và theo dõi sát bà bầu trong suốt quá trình chuyển dạ.

Trường hợp tiền sản giật nhẹ, thai nhi non tháng, người mẹ có điều kiện và kiến thức có thể tự theo dõi. Tái khám mỗi tuần 1 lần.

  • Tại bệnh viện: Làm các xét nghiệm, huyết đồ, chức năng gan, chức năng thận, xét nghiệm đông máu toàn bộ, nhóm máu và tổng phân tích nước tiểu. Đo monitoring sản khoa, siêu âm thai Doppler, hướng dẫn theo dõi cử động thai máy.
  • Tại nhà: Đo huyết áp ngày 2 lần (sáng, chiều), ghi nhớ lại các thông số đo được, theo dõi cân nặng, thai máy, nằm nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe