Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Tiền sản giật là một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm thường gặp ở phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20. Hội chứng tiền sản giật gây nhiều biến chứng trong sinh nở, đặc biệt có nguy cơ dẫn đến sản giật khiến bà bầu co giật, hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn con.
Cách điều trị tiền sản giật trường hợp nặng hiệu quả duy nhất là chấm dứt thai kỳ, tức là đưa thai nhi ra khỏi cơ thể người mẹ, sao cho đảm bảo có lợi nhất cho cả mẹ và con. Phác đồ điều trị tiền sản giật với từng trường hợp cụ thể như sau:
1. Tiền sản giật nhẹ
Đối với trường hợp tiền sản giật nhẹ, khi thai nhi còn non tháng và nếu người mẹ có đủ kiến thức và điều kiện thì có thể tự theo dõi tại nhà theo những hướng dẫn sau:
- Tái khám 1 tuần/lần tại bệnh viện. Thực hiện các xét nghiệm, huyết đồ, chức năng gan, chức năng thận, xét nghiệm đông máu toàn bộ, nhóm máu và tổng phân tích nước tiểu, đo monitoring sản khoa, siêu âm thai Doppler, hướng dẫn theo dõi cử động của thai máy.theo chỉ định của bác sĩ
- Đo huyết áp tại nhà 2 lần/ngày vào sáng và chiều, nhớ ghi lại các thông số, theo dõi mức cân nặng, thai máy, nghỉ ngơi hoàn toàn và không làm việc
Trong quá trình theo dõi tại nhà, thai phụ cần nhận biết được các thay đổi của cơ thể cảnh báo dấu hiệu chuyển nặng cần phải tái khám ngay, bao gồm:
- Nhức đầu, hoa mắt, mắt nhìn mờ
- Tăng cân nhanh
- Đau vùng thượng vị
- Thai máy yếu
- Huyết áp tăng cao
- Tiểu ít, nước tiểu có màu đậm
2. Tiền sản giật nặng
Trường hợp tiền sản giật nặng sẽ cần tới các can thiệp từ thuốc, bao gồm:
- Hạ huyết áp: Dùng thuốc hạ áp như Trandate, Adalat Retard hoặc Aldomet, đảm bảo huyết áp duy trì ở mức 130/80 - 140/90 mmHg
- Ngừa co giật: bằng cách dùng magnesium sulfate qua đường tiêm tĩnh mạch và truyền tĩnh mạch để duy trì. Theo phác đồ thì chỉ truyền TM ( có pha loãng dd MgSO4) qua kim tiêm điện/ tiêm bắp (mông). Tiêm TM nguy hiểm dễ ngừng tim. Lưu ý khi sử dụng MgSO4 cần theo dõi nồng đồ Mg 2+ và dự phòng Calci Gluconate trong trường hợp quá liều gây ngừng tim.
- Đánh giá sức khỏe thai, sự trưởng thành của thai: nếu thai chưa đủ trưởng thành thì có thể dùng corticoid nhằm giúp phổi thai nhi thích nghi tốt với việc sống tự lập khi em bé chào đời
- Bên cạnh đó việc chăm sóc toàn diện là vô cùng quan trọng, gồm đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, phòng yên tĩnh, ánh sáng êm dịu, theo dõi sinh hiệu, lượng nước xuất nhập
Đối với trường hợp diễn tiễn thành sản giật, cần xử trí nhanh bằng cách vừa hồi sức vừa cắt cơn co giật, đồng thời lấy thai nhi ra ngay để cứu cả mẹ và con. Quá trình này yêu cầu cần có sự hỗ trợ chặt chẽ của cả đơn vị đơn nguyên sơ sinh và gây mê hồi sức, với sự hỗ trợ tích cực chăm sóc tốt của đội ngũ y bác sĩ.
3. Lưu ý trong xử trí tiền sản giật
Nhiều kết quả nghiên cứu về quá trình điều trị, xử trí tiền sản giật đã được công bố mới đây nhằm giúp bác sĩ có cơ sở để cân nhắc, quyết định để đưa ra các phương án theo dõi, tư vấn cho thai phụ phù hợp hơn. Có thể kể đến như:
- Dùng thuốc chẹn kênh canxi trong giai đoạn cuối của thai kỳ không làm tăng nguy cơ co giật ở trẻ sơ sinh: thuốc chẹn kênh canxi khá hiệu quả trong điều trị hạ huyết áp của tình trạng tăng huyết áp thai kỳ, do đó được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên vẫn có một số lo ngại về mức độ ảnh hưởng đến thai nhi của thuốc chẹn kênh canxi. Một nghiên cứu được Đại học Harvard công bố cho thấy việc sử dụng thuốc chẹn kênh canxi trong tháng cuối của thai kỳ không làm tăng nguy cơ co giật ở trẻ sơ sinh. Kết quả này giúp cho cả bác sĩ và người dùng an tâm hơn khi sử dụng thuốc này.
- Xử trí cấp cứu cho những trường hợp bị tăng huyết áp nặng khởi phát cấp tính trong thai kỳ và sau sinh: tăng huyết áp cấp tính có thể xảy ra trong lúc mang thai, và cả khi hậu sản. Xử lý đúng tình trạng này sẽ giúp hạn chế được biến chứng của việc tăng huyết áp thai kỳ gây ra.
Theo Hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ, thuốc chẹn kênh canxi nhóm dihydropyridine đường uống cùng với hydralazine truyền tĩnh mạch và labetalol truyền tĩnh mạch có thể xem là lựa chọn hữu hiệu trong điều trị tăng huyết áp nặng. Tuy nhiên khi sử dụng cần cân nhắc những tác dụng phụ nó đem lại như hydralazine có thể gây suy hô hấp ở mẹ, labetalon có thể gây cơn nhịp tim nhanh ở thai nhi. Cần tránh dùng labetalon labetalol với phụ nữ mang thai có tiền sử hen suyễn, có bệnh tim mạch hoặc suy tim
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.