Bài viết được viết bởi TS.BS Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Nhiều người bệnh quan niệm rằng dinh dưỡng tốt khi mắc bệnh ung thư sẽ cung cấp dưỡng chất cho tế bào ung thư phát triển nhanh hơn nhưng không biết rằng 20-30% trường hợp tử vong trong ung thư chính là do tình trạng suy mòn gây ra.
Khi người bệnh không được cung cấp đủ dưỡng chất, quá trình suy mòn đã bắt đầu với các dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn và giảm cân nhẹ diễn tiến dần đến giai đoạn suy mòn thật sự với tình trạng giảm cân nhanh, teo cơ mỡ, rối loạn chuyển hoá toàn thân, suy giảm đề kháng, nặng nhất ở giai đoạn suy kiệt nặng không đáp ứng với điều trị hoặc không chịu được tác dụng phụ của các phương pháp điều trị bắt buộc phải ngừng trị liệu.
1. Dinh dưỡng phòng ngừa suy mòn
Nguyên tắc 1: Thường xuyên đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh để được can thiệp dinh dưỡng kịp thời tại bệnh viện (như phối hợp nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, nuôi ăn qua sonde...). Người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để hỗ trợ dinh dưỡng khi:
- Sụt cân nhanh (> 5% trọng lượng cơ thể trong 1 tháng)
- Không ăn được hơn 7 ngày
- Giảm lượng ăn dưới một nửa nhu cầu bình thường, trong hơn 10 ngày
Nguyên tắc 2: Đảm bảo người bệnh ăn đủ nhu cầu bằng cách tăng đậm độ năng lượng thức ăn, ăn nhiều bữa, ...
- Ăn nhiều lần trong ngày, có thể 6-8 lần. Ăn đa dạng đủ 4 nhóm, thịt cá đậu đỗ, rau củ, trái cây, các loại sữa và chế phẩm từ sữa,...
- Tăng đậm độ năng lượng thức ăn/ thức uống bằng cách bổ sung thêm chất béo (MCT, Coffeemate, các loại dầu giàu EPA, DHA) và/ hoặc đường phức Maltodextrin, phối hợp sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cao năng lượng (1-2kcal/1ml).
Nguyên tắc 3: Cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng loại trị liệu.
- Phẫu thuật: cần dinh dưỡng tích cực 10-14 ngày trước mổ, để nâng tổng trạng người bệnh, nếu ăn uống quá kém có thể cân nhắc nuôi ăn qua sonde hoặc hoặc nuôi dưỡng qua tĩnh mạch.
- Xạ và hóa trị: cần ăn tăng cường thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa như
Thực phẩm giàu vitamin C: cam, quýt, bưởi, dâu, sơ ri, berries, bông cải xanh...
Thực phẩm giàu beta carotene: rau lá xanh như rau ngót, bó xôi, và các loại trái cây hoặc củ màu vàng cam như đu đủ, cà rốt, bí đỏ, khoai lang bí...
Thực phẩm giàu vitamin E: các loại hạt như hạt hướng dương hay dầu hướng dương, đậu phộng, hạt điều, hạt lúa mạch...
- Ghép tủy: cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chặt chẽ, ăn chín uống sạch đảm bảo vô khuẩn, tránh dùng các loại thực phẩm có sinh vật sống như yaourt, các loại nước uống lên men như Probi, Yakult...
Nguyên tắc 4: Bổ sung các dưỡng chất tăng cường miễn dịch như Arginine, Omega 3, Nucleotides, Glutamine...
Khoa học chứng minh một số chất có tác dụng tăng cường miễn dịch cho người bệnh, nên bổ sung tối thiểu 1 tuần trước và suốt quá trình trị liệu. Glutamine với liều 30g/ngày được xem là có hiệu quả cải thiện chức năng sống cũng như kéo dài đời sống của bệnh nhân ung thư.
EPA (Eicosapentaenoic acid, một loại acid béo omega 3) với liều 2g/ngày có tác dụng làm giảm sản xuất các chất gây viêm, giảm các rối loạn chuyển hóa trong hội chứng suy mòn, giúp ổn định cân nặng, cải thiện tình trạng chán ăn. EPA có nhiều trong các loài cá vùng biển sâu như cá ngừ, cá hồi, cá tuyết... và những sản phẩm dinh dưỡng được bổ sung EPA chuyên biệt cho người bệnh ung thư. Ngoài ra Arginine và Nucleotides cũng có hiệu quả tăng cường miễn dịch.
2. Vận động phòng ngừa suy mòn
Tập luyện thể thao và giữ tinh thần lạc quan đóng vai trò quan trọng, giúp người bệnh chống chọi với bệnh. Người bệnh nên tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe... với trung bình 30-45 phút một lần, ít nhất 3 lần một tuần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.