Phế cầu khuẩn lây lan thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC), mỗi năm có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới, cao nhất trong tất cả bệnh truyền nhiễm khác như HIV, sốt rét hoặc bệnh lao. Phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm phổi và các bệnh đe dọa đến tính mạng khác..

1. Phế cầu khuẩn là gì?

Phế cầu khuẩn (tên tiếng Anh là Streptococcus pneumoniae hay Pneumococcus) là vi khuẩn gram dương, hình ngọn nến, xếp thành đôi, 2 đầu giống nhau nhìn vào nhau tạo thành hình mắt kính hay số 8. Do kháng nguyên có bản chất là Polysaccharide nên giúp sinh vật này tránh khỏi được quá trình thực bào của cơ thể. Streptococcus pneumoniae được phân loại thành 90 loại huyết thanh khác nhau dựa vào kháng nguyên vỏ. Các kiểu huyết thanh có cấu trúc gần giống nhau được nhóm lại và được đánh nhãn theo thứ tự abc (ví dụ: 6A, 6B).

2. Vi khuẩn phế cầu lây nhiễm qua con đường nào?

Bệnh phế cầu khuẩn là nhóm bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có tên là phế cầu khuẩn gây ra. Ai cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn ở vùng họng dẫn đến các bệnh khác nhau hoặc không bị bệnh. Những người mang mầm bệnh nhưng không mắc bệnh có thể lây lan vi khuẩn cho người khác bằng những giọt nhỏ từ mũi hoặc miệng khi họ thở, ho hoặc hắt hơi. Tùy thuộc vào cơ quan hoặc bộ phận của cơ thể bị nhiễm bệnh, phế cầu khuẩn sẽ gây ra bất kỳ bệnh nào trong số các bệnh nghiêm trọng dưới đây:

Viêm màng não do vi khuẩn, nhiễm trùng vỏ não và tủy sống có thể dẫn đến lú lẫn, hôn mê và tử vong cũng như các tác động đến thể chất như mù hoặc liệt

● Viêm phổi, nhiễm trùng phổi với các triệu chứng như ho, sốt và khó thở

● Viêm tai giữa, nhiễm trùng tai giữa có thể gây đau, sưng, mất ngủ, sốt và khó chịu

Nhiễm khuẩn huyết

● Viêm xoang

3. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh do phế cầu khuẩn

Bất cứ ai cũng có thể bị bệnh do phế cầu khuẩn, nhưng một số người có nguy cơ nhiễm trùng hoặc mắc các biến chứng cao hơn những người khác, gồm:

● Trẻ dưới 2 tuổi hoặc người lớn trên 65 tuổi

● Người có hệ miễn dịch suy yếu

● Người mắc các bệnh mãn tính, như tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận, rối loạn do sử dụng bia rượu, rối loạn chức năng lá lách

● Người phải điều trị lâu dài trong bệnh viện

● Người hút thuốc lá

● Người có máy trợ thính


Trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ nhiễm trùng hơn những đối tượng khác
Trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ nhiễm trùng hơn những đối tượng khác

4. Phòng bệnh

4.1 Tiêm vắc-xin

Hiện nay có hai loại vắc-xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn để chống lại các loại nhiễm trùng khác nhau, gồm:

● PCV10 ( Synflorix) giúp chống lại 10 loại vi khuẩn gây viêm phổi, viêm màng não mủ, viêm tai giữa do phế cầu

● PCV13 ( Prevenar 13) giúp chống lại 13 loại vi khuẩn gây viêm phổi, viêm màng não do phế cầu

Vắc xin phòng phế cầu khuẩn có thể tiêm dự phòng cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên, người trưởng thành và cả người già. Với mỗi lứa tuổi sẽ có phác đồ tiêm khác nhau: 1,2,3 hay 4 mũi tiêm.

4.2 Chế độ sinh hoạt

Ngoài việc tiêm vắc-xin thì những thói quen lành mạnh sẽ giúp giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh, làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn gây ra. Bao gồm:

● Tránh hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử.

● Rửa tay thường xuyên với nước ấm, xà bông.

● Sử dụng chất khử trùng tay có chứa cồn khi bạn không có điều kiện rửa tay với xà bông.

● Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh.

● Nghỉ ngơi đầy đủ.

● Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh như ăn nhiều trái cây, rau, chất xơ và protein nạc.

● Giữ trẻ tránh tiếp xúc những người bị cảm lạnh hoặc cúm có thể giúp giảm nguy cơ. Ngoài ra, hãy đảm bảo cho mũi của trẻ sạch sẽ và khô ráo, đồng thời dạy trẻ hắt hơi và ho vào khuỷu tay thay vì dùng tay. Điều này sẽ giúp giảm khả năng lây lan vi trùng cho người khác.

Nếu bạn bị cảm lạnh và lo ngại rằng nó có thể biến thành viêm phổi, hãy nói chuyện với bác sĩ về các bước chủ động để phòng tránh viêm phổi mà bạn có thể thực hiện ở nhà như:

● Nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể có thể hồi phục sau khi bị cảm lạnh hoặc các bệnh khác.

● Uống nhiều nước để giúp loãng đờm và giảm tắc nghẽn ở mũi.

● Sử dụng máy tạo ẩm.

● Bổ sung vitamin C và kẽm, để giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.

Mẹo để tránh viêm phổi sau phẫu thuật bao gồm:

● Thực hiện các bài tập thở thở sâu và các bài tập ho do nhân viên Y tế hướng dẫn

● Giữ cho bàn tay sạch sẽ

● Giữ cho đầu nâng cao

● Vệ sinh răng miệng, bao gồm sử dụng chất khử trùng như chlorhexidine

● Nếu được bác sĩ đồng ý, người bệnh nên ngồi dậy sớm sau phẫu thuật và đi bộ càng sớm càng tốt

5. Các loại vắc-xin viêm phổi nên dùng tại Việt Nam

Tại Bệnh viện Vinmec đã triển khai tiêm Vắc-xin phế cầu khuẩn Synflorix của hãng GSK Bỉ và Vắc xin phế cầu khuẩn Prevenar 13 của hãng Pfizer. Các tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn Synflorix hoặc Prevenar 13 rất thường gặp như chán ăn, đau, sưng đỏ tại chỗ tiêm; thường gặp như chai cứng tại chỗ tiêm và sốt.

Để giúp giảm sự lo lắng của các bậc phụ huynh khi cho trẻ đi tiêm vắc-xin cũng như tránh các tai biến nguy hiểm khi tiêm, Bệnh viện Vinmec đã thực hiện triệt để các biện pháp như sau:

● Trẻ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa nhi – vắc-xin thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc - xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt và an toàn nhất cho trẻ.

● Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng.

● 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.

● Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.

● Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái như đang dạo chơi và có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.

● Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt để đảm bảo chất lượng.

● Bố mẹ sẽ nhận tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng của bé sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng Quốc gia.

Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh đã có 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa. Hiện Bác sĩ đang làm việc tại phòng khám đơn nguyên vaccine thuộc trung tâm Nhi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: ecdc

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe