Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Phế cầu khuẩn gây ra nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm viêm xoang, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết. Bệnh do phế cầu khuẩn có triệu chứng nặng nhẹ khác nhau tùy cơ quan bị nhiễm.
1. Phế cầu là bệnh gì?
Phế cầu khuẩn là một loại vi khuẩn có tên là Streptococcus pneumoniae, thường được gọi là phế cầu. Có rất nhiều chủng vi khuẩn phế cầu khác nhau, thông thường chúng cư trú chủ yếu trong mũi, họng và đường thở của người khỏe mạnh và không gây bệnh (những người này được gọi là người lành mang trùng).
Tuy nhiên, ở những đối tượng nhạy cảm, chẳng hạn như trẻ em nhỏ, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, phế cầu khuẩn có nguy cơ cao gây bệnh. Theo ước tính, hàng năm trên toàn thế giới có gần nửa triệu trẻ em tử vong vì các bệnh gây ra do phế cầu khuẩn và đây cũng là nhóm đối tượng chính thường mắc bệnh.
2. Phế cầu khuẩn gây bệnh gì?
Nhiễm phế cầu khuẩn có nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, chẳng hạn như viêm màng não (viêm hay sưng màng bọc quanh nhu mô não), viêm phổi (nhiễm trùng ở đường hô hấp) và nhiễm trùng huyết (xuất hiện vi khuẩn bất thường trong máu) cho đến những bệnh ít nghiêm trọng hơn nhưng tần suất mắc phải cao hơn, như viêm xoang (nhiễm trùng xoang) hay viêm tai giữa (nhiễm trùng tai giữa).
Triệu chứng của các bệnh gây ra bởi phế cầu khuẩn có thể khá mơ hồ, với mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào cơ quan bị nhiễm. Các biểu hiện đối với từng bệnh khác nhau có thể bao gồm:
- Viêm tai giữa (nhiễm trùng ở tai giữa): Đau tai, có dấu hiệu sưng nề và đỏ, suy giảm thính lực, khó ngủ, sốt và bứt rứt;
- Viêm xoang (nhiễm trùng ở xoang): Đau mặt, đau đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi có màu vàng hoặc xanh;
- Viêm phổi (nhiễm khuẩn đường hô hấp): Sốt, ho, khó thở, đau tức ngực;
- Nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng bất thường trong máu): Sốt, rét run, cảm giác bứt rứt, đau đầu, đau cơ, li bì, ngủ gà và phát ban ngoài da;
- Viêm màng não (nhiễm khuẩn màng bao bọc xung quanh nhu mô não): Biểu hiện sốt cao, đau đầu, thường xuất hiện trong vòng một vài giờ hoặc từ 1 - 2 ngày. Ngoài ra, có thể xuất hiện các triệu chứng khác, bao gồm nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng, đau cứng cổ, ăn không ngon, rối loạn ý thức, bứt rứt, li bì, ngủ gà. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm màng não ở trẻ có thể để lại di chứng thần kinh.
Bệnh phế cầu khuẩn lây lan chủ yếu thông qua đường hô hấp khi tiếp xúc với bệnh nhân qua các hành động như hắt hơi, ho, hôn hoặc trẻ em chơi chung đồ chơi (tiếp xúc với dịch tiết từ đường hô hấp).
Đối tượng mắc các bệnh do phế cầu khuẩn thường là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và người cao tuổi, đặc biệt là người già trên 65 tuổi. Nguy cơ nhiễm vi khuẩn phế cầu và bệnh cảnh nghiêm trọng cũng cao hơn ở các trẻ dưới 5 tuổi có bệnh lý khác đi kèm, những người đang bị suy giảm miễn dịch, những người có thói quen hút thuốc lá, những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính, chẳng hạn như đái tháo đường, bệnh gan, phổi, thận và tim.
3. Tác hại nghiêm trọng của phế cầu khuẩn
Trong các đối tượng bệnh nhân nhiễm phế cầu khuẩn, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cụ thể, viêm màng não là bệnh lý rất đáng lo ngại ở trẻ nhỏ với 83% trường hợp xảy ra ở các trẻ dưới 2 tuổi và có tỷ lệ tử vong khá cao. Tại các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi, nguy cơ tử vong là trên 50% trong tổng số các trẻ mắc bệnh, ngoài ra khoảng 30 - 50% còn lại tuy có thể qua khỏi cơn nguy hiểm, nhưng phải chịu đựng những di chứng lâu dài, bao gồm cả nguy cơ tàn tật, như bị điếc, mù, động kinh, liệt, chậm phát triển trí tuệ, suy giảm trí nhớ và mắc chứng đau đầu kéo dài.
Gây ra do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, viêm tai giữa là căn bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Theo ước tính, có khoảng 80% trẻ dưới 3 tuổi có ít nhất một lần mắc bệnh viêm tai giữa, đặc biệt đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Ngoài ra, hơn 1/3 trong số đó sẽ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại trong thời gian dài, đôi khi phải tiến hành phẫu thuật cho bé. Bệnh dễ lây lan từ trẻ này sang trẻ khác ở những nơi đông người, như khu vực trường học, nhà trẻ, khu vui chơi,...
Bệnh nhiễm trùng huyết do phế cầu khuẩn xâm nhập vào máu, gây ra sốc nhiễm trùng. Bệnh nguy hiểm hơn đối với những trường hợp đã có sẵn bệnh lý khác, với tỷ lệ tử vong vào khoảng 20%.
Viêm phổi do phế cầu hiện đang là mối đe dọa lớn trên toàn thế giới, với gần 1 triệu bệnh nhi tử vong hàng năm khi chưa tới 5 tuổi, chiếm 1/6 trên tổng số trường hợp tử vong do bệnh này. Bệnh đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ hoặc người già, với tỷ lệ tử vong đến hơn 50%.
4. Phòng ngừa bệnh phế cầu khuẩn bằng vắc xin
Theo các chuyên gia, việc chủng ngừa vắc-xin phế cầu cho trẻ từ sớm sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh do phế cầu và tác hại gây ra. Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm chủng cho trẻ được xem là biện pháp chủ động, tiết kiệm và có lợi ích rất lớn trong việc làm giảm số ca mắc mới do bị nhiễm phế cầu khuẩn.
*vắc-xin Synflorix là loại vắc-xin phòng các bệnh gây ra do phế cầu khuẩn S.Pneumoniae không định type, bao gồm viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết và viêm tai giữa. Vắc-xin Synflorix được sản xuất bởi hãng GlaxoSmithKline (GSK) của Bỉ - một trong những công ty dẫn đầu về nghiên cứu khoa học, phát triển và sản xuất ra những sản phẩm vắc xin mang tính đột phá, nhằm đem lại một tín hiệu khả quan, giúp cho việc quản lý và phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm hiệu quả hơn. Trẻ trong độ tuổi từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi được áp dụng lịch tiêm vắc-xin phế cầu chủng ngừa tùy vào chỉ định của bác sĩ phù hợp với tình trạng sức khỏe để có phác đồ lịch tiêm phù hợp. Theo đó, lịch tiêm vắc-xin phế cầu thường được áp dụng theo từng độ tuổi khác nhau như:
Trẻ sinh non (ít nhất sinh non từ 27 tuần tuổi thai): Chủng ngừa Synflorix khi trẻ được 2 tháng tuổi Trẻ từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi
- Liệu trình 3 + 1 (được khuyến cáo sử dụng để đem lại hiệu quả tối ưu):
- Liều 1 có thể dùng bắt đầu từ lúc 6 tuần tuổi.
- Liều thứ 2 cách liều thứ 1 tối thiểu 1 tháng.
- Liều thứ 3 cách liều thứ 2 tối thiểu cũng 1 tháng.
- Liều nhắc lại được chỉ định cách liều thứ 3 tối thiểu 6 tháng.
- Liệu trình 2 + 1: (được sử dụng để thay thế phác đồ 3 +1):
- Liều đầu tiên có thể dùng khi trẻ được 6 tuần tuổi.
- Liều thứ 2 cách liều đầu tiên tối thiểu 2 tháng.
- Liều nhắc lại cách liều thứ 2 tối thiểu 6 tháng.
, và sử dụng phác đồ cơ bản 3 +1 ở trên.
Trẻ từ 7 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi
- Mũi thứ 1 tiêm vào thời điểm chỉ định.
- Mũi 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng.
- Tiêm liều nhắc lại khi trẻ hơn 1 tuổi, cách liều tiêm thứ 2 tối thiểu 2 tháng.
Trẻ lớn từ 1 - 5 tuổi chưa tiêm trước đó
Lịch trình tiêm 2 liều. Liều thứ 2 cách liều thứ nhất tối thiểu 2 tháng.
Không cần phải tiêm nhắc lại.
*Vaccin Prevenar 13
Nguồn gốc:
- Vắc xin Prevenar 13 được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn hàng đầu thế giới về dược phẩm và chế phẩm sinh học – Pfizer (Mỹ).
Chỉ định:
- Vắc xin Prevenar 13 phòng các bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn gây nguy hiểm cho trẻ em và người lớn như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa cấp tính, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu)... do phế cầu khuẩn Streptococcus Pneumoniae gây ra.
Đối tượng có thể sử dụng vắc xin:
- Trẻ em, có thể sử dụng từ khi 6 tuần tuổi.
- Người trưởng thành.
- Người cao tuổi và người mắc các bệnh mãn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); lao phổi, tim mạch, tiểu đường...
Lịch tiêm phòng:
Trẻ em từ 6 tuần tuổi – 6 tháng tuổi:
Lịch tiêm 3 liều cơ bản:
- Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng.
- Mũi 3: Cách mũi 2 tối thiểu 1 tháng.
- Mũi nhắc lại: tiêm khi trẻ 11 – 15 tháng tuổi và cách mũi 3 tối thiểu 2 tháng.
Lưu ý: Mũi tiêm đầu tiên của phác đồ tiêm chủng có thể bắt đầu từ 6 tuần tuổi.
Trẻ em từ 7 – 11 tháng tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó):
Lịch tiêm 2 liều cơ bản:
- Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng.
- Mũi nhắc lại: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.
Lưu ý: Mũi tiêm nhắc lại cách mũi 2 tối thiểu 2 tháng.
Trẻ em từ 12 – 23 tháng tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó):
- Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 2 tháng.
Trẻ em từ 24 tháng tuổi – người lớn:
- Tiêm 1 mũi duy nhất.
Để phục vụ nhu cầu chủng ngừa bệnh cho trẻ, hiện tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp : -vắc-xin phế cầu Synflorix 0,5ml được sản xuất bởi GSK - Bỉ với quy trình tiêm chủng đảm bảo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế
- Vắc xin Prevenar 13 ( 0,5 ml)được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn hàng đầu thế giới về dược phẩm và chế phẩm sinh học – Pfizer (Mỹ).
Khi đưa trẻ đến tiêm phòng phế cầu tại Vinmec, bố mẹ có thể hoàn toàn yên tâm với những ưu điểm vượt trội:
- Trẻ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa nhi - vắc-xin thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc - xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất cho trẻ.
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng.
- 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
- Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái như đang dạo chơi và có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
- Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng.
- Bố mẹ sẽ nhận tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng của bé sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.