Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Bác sĩ Mắt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Tắc túi lệ hay tắc lệ đạo là sự nghẽn hoàn toàn đường dẫn lưu nước mắt sinh lý từ túi lệ sang khoang mũi gây ra chảy nước mắt thường xuyên và có thể kèm theo những biến chứng, chẳng hạn như viêm túi lệ cấp tính hoặc mãn tính, viêm kết mạc, giác mạc tái phát, giảm thị lực,... ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
1. Tắc túi lệ hay tác lệ đạo là gì và cách nhận biết ?
Khi tắc nghẽn hệ thống dẫn lưu nước mắt một phần hoặc tắc nghẽn hoàn toàn, chúng ta gọi đó là tắc lệ đạo/tắc túi lệ. Khi gặp phải hiện tượng này, nước mắt không chảy xuống mũi như bình thường mà gây ra triệu chứng chảy nước mắt sống. Từ đó, kích thích hoặc có thể làm cho mắt bị nhiễm trùng mạn tính. Tuyến lệ nằm ở phía trên của mỗi bên mắt, nước mắt của chúng ta sẽ được tiết ra từ vị trí này. Hằng ngày, nước mắt vẫn được tiết ra liên tục giúp bôi trơn và bảo vệ bề mặt của nhãn cầu, sau đó thoát vào 2 điểm lệ nhỏ ở đầu trong, giữa mi trên và mi dưới. Sau đó, nước mắt sẽ chảy qua 2 lệ quản ở bên trong mi mắt để chảy vào túi lệ nằm ở mặt bên của sống mũi, tiếp theo chảy vào mũi thông qua ống lệ mũi. Nước mắt có thể được tái hấp thu hoặc bốc hơi.
Hiện tượng tắc lệ đạo xảy ra ở 20% số trẻ em sinh ra, nhưng tình trạng này chỉ kéo dài đến lúc 1 tuổi. Trong khi đó, ở người lớn chỉ xảy ra do có các nhiễm trùng mắt, tình trạng sưng nề do chấn thương hoặc có thể do các khối u chèn lấp gây tắc lệ đạo. Hiện tượng xảy ra tắc lệ đạo với 20% trẻ sơ sinh là do khi còn là bào thai trẻ có một lớp màng mỏng che ống lệ mũi. Nếu khi chào đời lớp màng này không tự động mở ra thì sẽ dẫn đến tình trạng tắc lệ đạo bẩm sinh. Ở người trưởng thành bị viêm mũi, viêm xoang, tình trạng này sẽ kích thích các mô tạo sẹo do đó cũng gây tắc nghẽn đường lệ đạo. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể gặp phải ở những người bị tắc lệ đạo đó là:
- Bất thường trong sự phát triển xương sọ, mặt gây dị dạng sọ, mặt cũng như đường dẫn nước mắt. Hiện tượng này gặp ở những người mắc phải hội chứng Down hoặc các rối loạn khác.
- Tuổi cao: Điểm lệ của người cao tuổi có xu hướng hẹp dần do tuổi tác, điều này dẫn đến tình trạng bít tắc, làm cho nước mắt không thể chảy xuống lệ quản được.
- Chấn thương mũi: Ví dụ như trường hợp gãy xương mũi, kích thích các mô tạo sẹo và gây nghẹt lệ đạo.
- Polyp mũi: Được hình thành từ niêm mạc mũi, polyp mũi có thể gây tắc lệ đạo.
- Viêm kết mạc: Tình trạng viêm kết mạc do siêu vi có thể ảnh hưởng đến lệ đạo và kéo theo tình trạng tắc lệ đạo. Tuy nhiên, hiện tượng này không thường xuyên xảy ra.
- Các khối u: Các khối u có thể chèn ép vào đường lệ đạo gây ra hiện tượng tắc lệ đạo.
Một số dấu hiệu của hiện tượng tắc lệ đạo:
Khi lệ đạo bị tắc có thể gây ra hiện tượng chảy nước mắt sống. Có nghĩa là nước mắt tiết ra quá mức và liên tục hơn bình thường. Hiện tượng này có thể nặng hơn khi bị cảm lạnh, viêm xoang hoặc ra nơi có không khí lạnh
Lệ đạo tắc nghẽn có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng do ứ đọng vi khuẩn, do đó một số triệu chứng của viêm có thể gặp phải như: Sưng nề, mềm đỏ ở góc mắt, trong khu vực giữa mắt và mũi. Nhiễm trùng mắt tái đi tái lại, xuất tiết nhầy ở mắt, lông mi đóng vảy, nhìn mờ, nước mắt có lẫn vệt máu hoặc có thể có sốt.
Việc chẩn đoán tắc lệ đạo được thực hiện bằng cách bơm dịch vào hệ thống lệ đạo từ điểm lệ và theo dõi dịch có chảy xuống hay không. Nếu lượng dịch này không chảy xuống nghĩa là bạn đã bị tắc lệ đạo. Ngoài ra, để chẩn đoán sâu hơn, bạn cũng có thể được chỉ định thực hiện chụp X Quang hoặc CT có cản quang hệ thống lệ đạo.
2. Phẫu thuật nối thông túi lệ nội soi
Nối thông túi lệ nội soi là phẫu thuật tạo đường thông trực tiếp từ túi lệ sang khoang mũi nhằm tạo đường nối tắt để dẫn nước mắt từ mắt sang mũi. Nối thông túi lệ mũi được chỉ định khi mà điều trị bằng các phương pháp khác thất bại. Trong phẫu thuật này, lỗ mở thông từ túi lệ sang mũi được tạo ra từ phía mũi mà không phải rạch da ở phía ngoài. Cần chống chỉ định cho những bệnh nhân tắc ống lệ mũi có viêm túi lệ cấp hoặc áp xe vùng lệ túi đang tiến triển. Hoặc tình trạng toàn thân không cho phép phẫu thuật.
2.1. Các bước tiến hành phẫu thuật nối thông túi lệ nội soi
Bước 1: Vô cảm
- Gây tê góc trong mi trên và mi dưới, mào lệ trước bằng thuốc tê có thuốc co mạch (có thể sử dụng lidocain 2% có pha adrenalin hoặc các thuốc có tác dụng tương tự)
- Gây mê nếu như người bệnh là trẻ nhỏ hoặc người bệnh kém hợp tác
- Gây tê niêm mạc mũi bằng cách đặt gạc được thấm thuốc tê niêm mạc như lidocain 2%. Đặt thuốc làm co cuốn mũi.
Bước 2: Kỹ thuật
- Đặt ống dẫn ánh sáng vào mũi
- Nong rộng lỗ lệ, lệ quản
- Rồi đưa ống dẫn ánh sáng qua lỗ lệ, lệ quản vào túi lệ
- Cắt niêm mạc mũi
- Cắt phần niêm mạc tương ứng với phần xương lệ.
- Bộc lộ xương lệ
- Cắt xương:
- Định vị phần ưỡng lệ và phần dày hơn ở xương hàm bằng cách di chuyển đầu ống dẫn ánh sáng và dùng dụng cụ tách màng xương để xác định cấu trúc xương.
- Trước tiên, cắt bỏ phần xương lệ. Lấy hết những mẩu xương vụn để tránh làm tắc lỗ thông sau này.
- Mở rộng lỗ xương. Có thể phải cắt 1 phần xương hàm (ngành bên)
- Cắt niêm mạc túi lệ:
- Di chuyển đầu ống dẫn ánh sáng để xác định vùng túi lệ. Dùng đầu ống này đẩy căng túi lệ và cắt niêm mạc.
- Cắt phần trên của niêm mạc ống lệ mũi và niêm mạc túi lệ từ dưới lên trên, ở phía trước nguồn sáng dẫn hướng. Nếu túi lệ giãn rộng, cắt bỏ phần niêm mạc mũi theo chiều ngang. Tránh để niêm mạc mũi tạo nên vạt thừa vì vạt này sẽ làm tắc lỗ thông.
Trong thời gian phẫu thuật, cần dùng đầu hút để hút máu hoặc nhầy chảy ra từ niêm mạc và túi lệ. Niêm mạc mũi và xương có thể để được cắt bằng dụng cụ thông thường hoặc bằng laser YAG hoặc NdYAG. Đặt ống silicon: Đặt ống từ phía lệ quản, qua lỗ mở thông vào mũi. Buộc hai đầu ống ở trong khoang mũi.
2.2. Theo dõi sau phẫu thuật nối thông túi lệ nội soi
- Hậu phẫu thường quy
- Tra kháng sinh phổ rộng, kết hợp corticoid liều thấp trong 7-10 ngày
- Uống thuốc giảm phù, có thể phối hợp kháng sinh toàn thân
- Khám định kỳ hàng tháng
- Rút ống trung bình sau 3 tháng
Trong thời gian chưa rút ống, có thể bơm lệ đạo kiểm tra.
Tai biến có thể xảy ra và xử lý
- Toàn thân: Dùng kháng sinh phổ rộng trong vòng 5-7 ngày
- Tại mắt: Dùng hỗn hợp corticoid và kháng sinh trong 4 tuần
- Tránh xì mũi trong 5-7 ngày.
- Biến chứng: Chảy máu, nếu có chảy máu thì cần nội soi, kiểm tra vị trí chảy màu và đốt cầm máu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.