Não úng thủy là bệnh lý có thể để lại nhiều di chứng nặng nề ở trẻ, thậm chí dẫn đến tử vong. Việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh não úng thủy sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển tâm thần và vận động bình thường. Trong số các phương pháp điều trị, phẫu thuật nội soi phá thông sàn não thất III là lựa chọn tối ưu hiện nay.
1. Tổng quan về não úng thủy
1.1 Não úng thủy là gì?
Não úng thủy còn được gọi là bệnh đầu nước. Đây là tình trạng dư thừa quá mức dịch não tủy hình thành trong hệ thống não thất của não, có thể làm tăng áp lực nội sọ. Não úng thủy có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và người trên 60 tuổi.
Nguyên nhân thường gặp của não úng thủy là: Di truyền, rối loạn phát triển (nứt đốt sống và thoát vị não), xuất huyết trong não, chấn thương đầu, u não, biến chứng của sinh non (xuất huyết, viêm màng não, nhiễm trùng,...) hoặc do tắc nghẽn dịch não tủy trong não.
1.2 Triệu chứng não úng thủy
Triệu chứng não úng thủy có sự khác biệt ở từng đối tượng khác nhau. Cụ thể:
- Triệu chứng não úng thủy ở trẻ sơ sinh: Kích thước vòng đầu lớn bất thường, da đầu mỏng, thóp căng và phồng lên, nổi tĩnh mạch da đầu, xương tách ra trong đầu của trẻ, nôn, buồn ngủ, dễ bị kích thích, co giật, chán ăn, mắt nhìn lệch xuống,...;
- Triệu chứng não úng thủy ở trẻ em: Kích thước vòng đầu lớn bất thường, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, sốt, mờ mắt hoặc song thị, rối loạn cân bằng, buồn ngủ, dễ bị kích thích, vận động hoặc phát âm chậm chạp, phối hợp kém, không có khả năng tập trung, co giật, chán ăn, mất chức năng vận động cảm giác, khó tỉnh táo hoặc khó thức dậy,...;
- Triệu chứng não úng thủy ở người trẻ và trung niên: Nhức đầu, mất phối hợp hoặc rối loạn cân bằng, khó tỉnh táo hoặc khó thức dậy, mất kiểm soát bàng quang, suy giảm thị lực và kỹ năng nhận thức;
- Triệu chứng não úng thủy ở người lớn tuổi: Xáo trộn dáng đi, mất phối hợp hoặc rối loạn cân bằng, đau đầu, mất trí nhớ, mất kiểm soát bàng quang,..
1.3 Chẩn đoán và điều trị não úng thủy
Để chẩn đoán não úng thủy, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, khám thần kinh, thực hiện các xét nghiệm như siêu âm (đối với trẻ sơ sinh), chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI).
Có nhiều phương pháp điều trị não úng thủy. Cụ thể, điều trị trực tiếp các nguyên nhân gây tắc nghẽn dịch não tủy hoặc điều trị gián tiếp bằng cách dẫn dịch tới một nơi khác (một khong trong cơ thể như khoang phúc mạc, màng phổi, màng tim,...). Điều trị gián tiếp được thực hiện bằng cách cấy ống thông chuyển dịch não tủy dư thừa khỏi não, đưa tới khoang phúc mạc. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn nhiều biến chứng như gây xuất huyết trong não, nhiễm trùng và tắc ống dẫn lưu. Đồng thời, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật nhiều lần, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, kéo dài thời gian nằm viện và làm tăng chi phí điều trị
Một phương pháp điều trị thay thế là phẫu thuật nội soi phá thông sàn não thất III (endoscopic third ventriculostomy) sử dụng một ống nội soi mềm có gắn máy quay nhỏ để quan sát bên trong hệ thống não thất, phá sàn não thất, cho phép bác sĩ phẫu thuật tạo ra một đường dẫn mới cho dòng chảy dịch não tủy. Ưu điểm của phương pháp điều trị này là thời gian thực hiện ngắn (khoảng 30 - 40 phút), tổn thương nhỏ, ít gây đau đớn, giảm nguy cơ biến chứng và nhiễm trùng.
Sau điều trị não úng thủy, chức năng thần kinh của bệnh nhân sẽ được đánh giá. Khả năng phục hồi sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương do não úng thủy gây ra. Đồng thời, bệnh nhân liên tục được theo dõi qua các xét nghiệm như chụp CT, chụp MRI, chụp X-quang,...
2. Chi tiết phương pháp phẫu thuật nội soi phá thông sàn não thất III
Phẫu thuật nội soi phá thông sàn não thất III là phương pháp điều trị bệnh não úng thủy bằng cách tạo ra một lỗ thông trên sàn não thất III, cho phép dịch não tủy chảy trực tiếp xuống các bể nền.
2.1 Chỉ định/chống chỉ định
Chỉ định
- Bệnh nhân có não úng thủy tắc nghẽn;
- Bệnh nhân bị nhiễm trùng sau khi đặt ống dẫn lưu não thất;
- Ổ bụng điều trị não úng thủy.
Chống chỉ định
Chống chỉ định tương đối với bệnh nhân có đầu nước thông.
2.2 Chuẩn bị phẫu thuật
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên ngành ngoại thần kinh;
- Phương tiện: Khoan sọ, dụng cụ nạo xương và nâng xương, sáp xương; hệ thống nội soi não thất; dụng cụ phá thông sàn não thất III;
- Bệnh nhân: Được chẩn đoán xác định bệnh não úng thủy tắc nghẽn, đã được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cần thiết, được bác sĩ chia sẻ thông tin về mục đích phẫu thuật, quy trình thực hiện thủ thuật,...;
- Hồ sơ bệnh án: Ghi đầy đủ thông tin về người bệnh, không có các chống chỉ định phẫu thuật mổ gây mê; MRI não trước phẫu thuật để bác sĩ nắm rõ các đặc điểm hình ảnh học trước khi mổ.
2.3 Thực hiện phẫu thuật
- Kiểm tra hồ sơ bệnh nhân;
- Kiểm tra người bệnh đúng người, đúng bệnh;
- Gây mê toàn thân bệnh nhân;
- Đặt người bệnh ở tư thế nằm ngửa và đầu cao 30°;
- Khoan sọ: Ở vị trí trước khớp coronal, cách đường giữa 2 - 3cm và rộng khoảng 6 - 10mm. Nên chọn khoan sọ ở vị trí bên phải hoặc bên có não thất giãn rộng hơn;
- Mở màng cứng hình chữ thập, sử dụng hệ thống nội soi;
- Xác định lỗ Monro;
- Xác định sàn não thất III, đảm bảo nó đủ mỏng, đủ trong suốt, có thể quan sát động mạch thân nền và 2 thể núm vú. Nếu không quan sát được các cấu trúc này thì nên ngừng thủ thuật;
- Chọn lỗ mở thông sàn đáp ứng được các tiêu chí của kỹ thuật;
- Đâm thủng sàn não thất III;
- Sau khi xuyên thủng sàn não thất III cần đảm bảo quan sát được các cấu trúc mạch máu.
2.4 Tai biến sau phẫu thuật và cách xử trí
- Tổn thương hạ đồi, tuyến yên và cuống tuyến yên: Dự phòng bằng cách xác định rõ các cấu trúc trước khi thực hiện thủ thuật và trong lúc phẫu thuật;
- Liệt dây thần kinh III, IV thoáng qua: Xử trí theo chỉ định;
- Chảy máu không kiểm soát (xuất huyết não thất): Xử trí bằng cách đặt dẫn lưu não thất ra ngoài;
- Ngưng tim: Xử trí bằng cách thực hiện hồi sức ngừng tuần hoàn;
- Viêm màng não: Cách xử trí là xác định tác nhân và sử dụng kháng sinh phù hợp;
- Động kinh: Biện pháp dự phòng là dùng thuốc phòng ngừa động kinh trong tất cả các trường hợp có thủ thuật xâm lấn vào não;
- Tổn thương động mạch thân nền: Xử trí theo chỉ định;
- Máu tụ trong não: Tùy thuộc tổn thương có thể điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.
Nếu gặp các triệu chứng sau phẫu thuật như: Đỏ, đau hoặc sưng da dọc theo chiều dài ống hay vết thương; khó chịu, buồn ngủ; buồn nôn, nôn ói, đau đầu, song thị; đau bụng; sốt; tái phát các triệu chứng thần kinh trước phẫu thuật,... bệnh nhân cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Bệnh não úng thủy khi được chẩn đoán sớm sẽ có cơ hội điều trị thành công cao. Khi được chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi phá thông sàn não thất III phục vụ điều trị não úng thủy, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ để trị bệnh hiệu quả, giảm nguy cơ phát sinh tai biến.
XEM THÊM