Chọc hút tủy xương là phương pháp lấy dịch lỏng trong tủy xương để kiểm tra, chẩn đoán các bệnh về tủy xương và tế bào máu, đồng thời theo dõi quá trình điều trị để kịp thời thay đổi cho phù hợp với từng bệnh nhân.
1. Các khái niệm liên quan
- Tủy xương: Là mô xốp và lỏng, nằm ở trung tâm một số xương lớn trong cơ thể. Tủy là nơi sản xuất ra tế bào hồng cầu, bạch cầu từ các tế bào gốc
- Sinh thiết: Là phương pháp lấy một mẫu mô nhỏ từ một phần của cơ thể, mang quan sát dưới kính hiển vi để tìm tế bào bất thường
- Chọc hút: Lấy dịch lỏng từ tủy xương rồi quan sát dưới kính hiển vi hoặc các phương pháp kiểm tra khác
2. Chọc tủy xương để làm gì?
Tủy xương gồm một phần dịch lỏng và một phần mô đặc hơn. Khi sinh thiết tủy xương, bác sĩ sẽ dùng kim tiêm lấy mẫu từ phần mô đặc. Khi chọc hút tủy xương, bác sĩ sẽ dùng kim tiêm để lấy mẫu từ phần dịch lỏng.
Việc thực hiện sinh thiết và chọc hút tủy xương dưới gây mê là những thử nghiệm giúp bác sĩ kiểm tra xem tủy xương có khỏe mạnh không, có sản sinh đủ số lượng tế bào máu bình thường hay không. Hai thủ thuật này thường được thực hiện cùng lúc để bác sĩ chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý về máu và tủy.
Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện sinh thiết và chọc hút tủy xương để:
- Tìm nguyên nhân gây bệnh về tế bào máu, trong đó có một loại tế bào máu sản sinh quá ít hoặc quá nhiều như tình trạng thiếu tế bào hồng cầu (thiếu máu), thiếu tế bào bạch cầu (giảm bạch cầu) hoặc thiếu tiểu cầu (giảm tiểu cầu), tăng bạch cầu, tăng tiểu cầu, giảm toàn thể huyết cầu và đa hồng cầu trong máu
- Tìm nguyên nhân của các bệnh rối loạn về máu, chứng nhiễm sắc tố sắt, sốt không rõ nguyên nhân
- Xác định giai đoạn hoặc tiến triển của các bệnh liên quan tới tủy xương hoặc các tế bào máu
- Theo dõi đáp ứng điều trị bệnh bạch cầu
- Xác định thời gian tiến triển của u lympho hoặc ung thư: u bạch huyết, bệnh bạch cầu và đa u tủy; ung thư di căn từ các vùng khác như ung thư vú di căn tủy xương
3. Quy trình thực hiện chọc hút tủy xương
3.1 Chuẩn bị
- Không ăn, uống bất kỳ thứ gì sau 12 giờ đêm trước ngày thực hiện thủ thuật
- Không dùng insulin hoặc thuốc điều trị tiểu đường vì bệnh nhân không được ăn sau khi uống thuốc. Người bệnh có thể uống các loại thuốc khác với một ngụm nước nhỏ
- Hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc, ngưng thuốc trước khi làm thủ thuật
- Xét nghiệm máu trong vòng 48 giờ trước khi thực hiện thủ thuật chọc hút tủy xương, bao gồm công thức máu toàn phần, thời gian prothrombin và thời gian thromboplastin từng phần
- Báo cáo với bác sĩ về tình trạng dị ứng hoặc nhạy cảm với băng dán hoặc thuốc gây mê trước khi thực hiện thủ thuật
- Báo cáo với bác sĩ về vấn đề tim hoặc phổi, ví dụ bệnh hen suyễn, huyết áp cao, bệnh tim, co giật, trào ngược acid dai dẳng, thoát vị khe, đau không kiểm soát được,...
- Báo cáo với bác sĩ về việc dùng thuốc, rượu bia và sử dụng các chất gây nghiện khác
- Phải có người thân đi cùng khi thực hiện thủ thuật
3.2 Thực hiện
Dịch tủy xương thường được lấy từ đỉnh chóp của mặt sau xương chậu. Đôi khi, dịch tủy được lấy ở phía trước hông hoặc xương ngực (xương ức) và xương dưới gối (đối với trẻ em dưới 18 tháng tuổi).
- Bệnh nhân được đo huyết áp, cân nặng, thân nhiệt, chiều cao. Người bệnh cũng được yêu cầu nằm nghiêng hoặc nằm sấp tùy thuộc vị trí rút tủy
- Tiêm thuốc an thần cho bệnh nhân qua đường tĩnh mạch;
- Vệ sinh sạch sẽ vị trí hút tủy, gây tê tại chỗ với thuốc tê;
- Dùng kim hút dịch tủy xương ra
- Nếu phải làm sinh thiết thì một mẫu tủy xương nhỏ sẽ được lấy ra từ vị trí vừa hút tủy
- Bác sĩ ấn nhẹ lên vị trí đâm kim để giúp cầm máu, sau đó băng vị trí này lại
Thời gian chọc hút, sinh thiết tủy xương thường chỉ kéo dài khoảng 10 phút. Tuy nhiên, quá trình này cũng có thể cần thêm thời gian để chuẩn bị, chăm sóc sau thủ thuật, đặc biệt là với những bệnh nhân sử dụng thuốc an thần.
3.3 Chăm sóc vị trí thực hiện thủ thuật
- Băng vị trí thực hiện chọc hút tủy xương và giữ khô ráo trong vòng 24 giờ
- Bệnh nhân không nên tắm vòi sen, bồn tắm, bơi lội hoặc sử dụng bồn tắm nước nóng
- Sau 24 giờ, bệnh nhân có thể làm ướt vị trí sinh thiết và chọc hút tủy xương
- Nếu có dấu hiệu chảy thấm qua băng hoặc chảy máu không ngừng ở vị trí thực hiện thủ thuật, sốt kéo dài, đau hoặc khó chịu nhiều hơn, sưng, đỏ hoặc chảy dịch ở vị trí thực hiện thủ thuật,... thì bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ
- Để giảm triệu chứng khó chịu và chảy máu, bệnh nhân nên tránh các hoạt động hoặc tập luyện gắng sức trong một hoặc hai ngày
3.4 Đọc kết quả
Mẫu bệnh phẩm tủy xương sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Bác sĩ thường trả kết quả cho bệnh nhân trong vài ngày nhưng cũng có thể lâu hơn.
Tại phòng xét nghiệm, bác sĩ chuyên khoa huyết học hoặc bác sĩ chuyên phân tích mẫu sinh thiết sẽ đánh giá mẫu bệnh phẩm để xác định tủy xương của người bệnh có sản sinh đủ số lượng tế bào máu khỏe mạnh hay không cũng như phát hiện các tế bào bất thường. Các thông tin này sẽ giúp bác sĩ xác định hoặc loại trừ chẩn đoán, xác định mức độ tiến triển của bệnh và đánh giá mức độ hiệu quả của phương pháp điều trị.
Thủ thuật chọc hút tủy xương đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, điều trị các bệnh lý về máu, tủy xương. Khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân nên tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để quá trình chọc hút, sinh thiết tủy xương diễn ra nhanh chóng, an toàn.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với ưu thế vượt trội về trình độ chuyên môn, tay nghề của y bác sĩ thực hiện cùng hệ thống máy móc hiện đại đạt chuẩn, thực hiện nghiêm ngặt các quy tắc vệ sinh, diệt khuẩn trước, trong và sau phẫu thuật, giúp thủ thuật chọc hút tủy sống diễn ra an toàn, hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.