Chọc dò tủy sống là một thủ thuật thường được sử dụng để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến não và tủy sống. Sau khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân có thể gặp phải một số rủi ro như đau đầu, chảy máu, nhiễm trùng,...
1. Chọc dò tủy sống là gì ?
Chọc dò tủy sống là thủ thuật để lấy một mẫu dịch não tủy bằng một loại kim đặc biệt để làm xét nghiệm. Dịch não tủy là chất lỏng bao quanh não và tủy sống. Thủ thuật này chủ yếu dùng để chẩn đoán và điều trị viêm màng não hay một số bệnh khác liên quan đến não và tủy sống.
2. Chọc dò tủy sống được tiến hành như thế nào ?
- Thông thường bệnh nhân sẽ được để nằm nghiêng trên một băng ghế dài với đầu gối kéo sát lên ngực. Đôi khi có thể chọc dò tủy sống khi bệnh nhân đang ngồi, ngả người về phía trước và tựa vào gối
- Sát trùng vùng da định chọc dò bằng cồn iod hoặc betadin sau đó bằng cồn trắng, phải đảm bảo lau sạch hết cồn iod, sau đó xịt hay tiêm thuốc tê cục bộ
- Trải khăn có lỗ vô khuẩn xung quanh vùng chọc dò, xác định vị trí chọc dò. Đối với người lớn thường chọc dò ở khe liên đốt L3-L4, L4-L5, L5-S1 (do tủy sống tận cùng ở L2, còn đối với trẻ em tủy sống có thể kéo dài đến L3-L4 nên vị trí chọc thường thấp hơn
- Đưa kim vào đường giữa và vuông góc với mặt phẳng lưng, nên đưa vuông góc với trục cơ thể để giảm thiểu rách màng cứng và đau đầu sau chọc dịch não tủy
- Khi đưa kim vào sâu khoảng 3 – 4cm hoặc thấy hẫng tay rút nòng thông ra xem dịch não tủy có chảy qua kim không, nếu không có dịch não tủy đưa kim vào thêm 2 – 3mm sau đó rút nòng thông ra kiểm tra lại. Khi kim đi chệch hướng rút kim ra tới tổ chức dưới da, đưa kim lên phía đầu tạo góc 1500 hoặc ít hơn và đi đúng đường giữa sau đó đưa kim vào lại
- Khi đặt kim vào khoang dịch não tủy có thể đo áp lực dịch não tủy và lấy dịch vào các ống xét nghiệm. Sau đó lắp lại nòng thông trước khi rút bỏ
- Sau khi lấy được bệnh phẩm cần ghi hồ sơ (gồm ngày giờ thực hiện thủ thuật, áp lực dịch não tủy, tính chất, màu sắc, chỉ định các xét nghiệm và tình trạng người bệnh)
- Sau khi chọc dò tủy sống cần để người bệnh nằm yên tại chỗ với đầu thấp ít nhất là 30 phút, các chỉ số sinh tồn và vị trí chọc dò tủy sống của bệnh nhân
3. Các rủi ro có thể gặp phải khi chọc dò tủy sống
- Đau đầu: Là biến chứng thường gặp nhất do áp lực nội sọ giảm hoặc thoát dịch não tủy qua lỗ chọc ở màng cứng. Có thể khắc phục bằng cách cho người bệnh nằm nghỉ tại giường, không gối đầu cao khoảng 3- 4 giờ hoặc có thể dùng thuốc giảm đau.
- Nhiễm khuẩn: Thường do không đảm bảo vô khuẩn trong khi làm thủ thuật, có thể gây viêm màng não mủ, áp xe dưới màng cứng hay viêm nhiễm khoang đĩa đệm.
- Tụ máu dưới màng cứng: Đây là biến chứng hiếm gặp, thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi.
- Chảy máu: Có thể gặp các biến chứng chảy máu dưới màng cứng, ngoài màng cứng hoặc chảy máu dưới nhện, đặc biệt là trong những trường hợp có rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.