Phẫu thuật giải ép tủy trong lao cột sống lưng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Lao cột sống thắt lưng là tình trạng nhiễm trùng cột sống thắt lưng do vi khuẩn lao gây ra. Lao cột sống lưng gây phá hủy đốt sống và đĩa đệm làm biến dạng cột sống thắt lưng, áp xe và chèn ép tuỷ. Biến chứng lao cột sống lưng có thể dẫn đến áp xe hoặc liệt chi dưới, đôi khi cần đến phẫu thuật để giải ép tủy.

1. Lao cột sống lưng là gì?

Trong các bệnh lý lao ngoài phổi như lao màng não, lao màng bụng, lao thận thì lao hệ thống xương khớp chiếm khoảng 20% các trường hợp. Bệnh lao cột sống còn gọi là bệnh hủy xương sống do lao, đây là bệnh lý lao ngoài phổi, thường gặp nhất trong nhóm lao cơ xương khớp. Tại Việt Nam, bệnh lao cột sống chiếm khoảng 65% các trường hợp lao hệ thống xương khớp.

Lao cột sống thắt lưng là tình trạng viêm đốt sống và đĩa đệm vùng thắt lưng do vi khuẩn lao. Đa số lao cột sống lưng là tổn thương thứ phát, thường nhất là sau lao phổi. Vi khuẩn lao sau khi đi qua phổi hoặc hệ thống đường tiêu hóa sẽ đi theo đường máu hoặc đường bạch huyết đến lưu trú tại một bộ phận của hệ thống cơ xương khớp. Tổn thương lao cột sống lưng là do vi khuẩn lao đến khu trú gây huỷ xương ở cột sống thắt lưng từ L1 đến L5, có thể đơn độc hoặc kèm với lao cột sống ngực.

Lao cột sống thắt lưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng xảy ra nhiều nhất là trong độ tuổi 21 đến 30 tuổi và 41 đến 50 tuổi.

2. Triệu chứng của lao cột sống lưng

Lao cột sống thắt lưng là bệnh mạn tính, các triệu chứng xuất hiện rất muộn và sự phá hủy thân đốt sống lưng xảy ra âm thầm.

  • Lao cột sống lưng cũng có triệu chứng nhiễm lao chung giống với lao phổi như sốt nhẹ về chiều, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân,...
  • Triệu chứng cơ năng chủ yếu của lao cột sống lưng là đau. Lúc đầu đau âm ỉ vùng thắt lưng, đau tăng về chiều tối và khi vận động như đứng lên hoặc đi lại. Đau do lao cột sống thắt lưng có cường độ càng ngày càng tăng, có thể dữ dội hơn cả đau thần kinh tọa nếu cột sống thắt lưng bị phá huỷ nặng. Đau giả thần kinh tọa là triệu chứng của lao cột sống thắt lưng chèn ép rễ thần kinh, gây co giật cơ một hay hai chân và đau lan theo sự phân bố thần kinh.
  • Cột sống thắt lưng cứng đờ, không giãn ra khi cúi xuống, cũng như hạn chế các cử động gập, duỗi và xoay do cơ hai bên cột sống lưng co cứng. Nếu gõ vào vùng gai sau của đoạn tổn thương lao cột sống lưng có thể khiến bệnh nhân đau chói.

Lao cột sống lưng có triệu chứng nhiễm lao như sốt nhẹ về chiều
Lao cột sống lưng có triệu chứng nhiễm lao như sốt nhẹ về chiều

3. Các biến chứng của lao cột sống lưng

Nhiều biến chứng lao cột sống lưng có thể xảy ra do hậu quả của tổn thương phá hủy thân sống, đĩa đệm và chèn ép thần kinh.

  • Teo chân là biến chứng thường thấy trong lao cột sống thắt lưng. Teo nhỏ lại một hay hai chân, nhất là bắp chân hay vùng trước ngoài cẳng chân, do chèn ép rễ thần kinh. Triệu chứng teo và liệt vận động hai chân.
  • Loạn dưỡng da, lông, móng ở hai chân khi có chèn ép rễ thần kinh.
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa do tổn thương đoạn thắt lưng dưới. Mức độ của triệu chứng thay đổi từ rối loạn cảm giác, giảm sức cơ đến mức độ nặng là rối loạn cơ vòng và liệt cứng.
  • Áp xe cột sống thắt lưng là khối phồng lên bên phải hay bên trái ổ bụng dưới. Nếu khối áp xe lớn sẽ chui qua dây chằng bẹn xuống đùi, có khi xuống tới kheo chân. Áp xe lao có thể lớn lan ra mặt ngoài đùi hay ra sau mông, vùng tam giác trên mào chậu sau, xuống vùng ụ ngồi, ... Áp xe dưới da quá lớn có thể bể, chảy mủ hoặc tạo đường dò mủ rất khó lành.
  • Liệt vận động hai chi dưới do chèn ép tuỷ sống thường xuất hiện chậm hơn, đây là biến chứng lao cột sống lưng nặng nhất có thể dẫn đến tử vong.

4. Chẩn đoán hình ảnh lao cột sống lưng

Chỉ định chụp X – quang cột sống thắt lưng phát hiện lao cột sống lưng khi bệnh đã diễn tiến lâu trong vài tháng, tổn thương đã quá nặng. Các dấu hiệu bao gồm:

  • Có đĩa đệm hẹp so với các đoạn khác.
  • Thân xương đốt sống thắt lưng bị nham nhở không đều, mờ mặt trên và phần trước tạo nên tổn thương hình chêm.
  • Mô mềm quanh đốt sống thắt lưng mờ đậm hơn, không đồng nhất, có chỗ vôi hoá là hình ảnh của áp xe.

Phương pháp chụp cắt lớp vi tính giúp nhìn rõ hơn sự phá hủy thân đốt sống và lên kế hoạch phẫu thuật hàn xương.

Hình ảnh cộng hưởng từ cột sống thắt lưng giúp chẩn đoán lao cột sống lưng sớm nhất trong vòng tháng đầu tiên sau khi khởi phát bệnh.


Chỉ định chụp X – quang cột sống thắt lưng phát hiện lao cột sống lưng
Chỉ định chụp X – quang cột sống thắt lưng phát hiện lao cột sống lưng

5. Điều trị lao cột sống lưng

Trước đây, ở Việt Nam lao cột sống là một thách thức điều trị. Hiện nay, với sự phát triển của y học, chúng ta đã đã tìm ra phương pháp chữa khỏi lao cột sống trong hầu hết trường hợp nếu được phát hiện sớm khi mà chưa xuất hiện biến chứng nghiêm trọng. Các phương pháp điều trị như sau:

5.1. Điều trị nội khoa

  • Dùng thuốc kháng lao theo đúng phác đồ (uống hoặc tiêm). Bệnh nhân cần uống liên tục trong một khoảng thời gian, không được tự ý ngưng thuốc.
  • Có thể dùng phối hợp các loại thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau.
  • Phục hồi chức năng: nằm nghỉ ngơi trên giường cứng khoảng 4 đến 5 tuần, tránh mang vác vật nặng, tránh thay đổi tư thế nhanh và đột ngột.

5.2. Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật giải ép tủy trong lao cột sống lưng cần thực hiện kịp thời. Chỉ định của phẫu thuật là tổn thương lao cột sống thắt lưng có chèn ép tuỷ ( bởi ổ áp xe lớn, xương chết,...) gây liệt hoàn toàn hoặc không hoàn toàn hai chi dưới.

Phẫu thuật giải ép tủy trong lao cột sống lưng áp dụng cho các đối tượng bệnh nhân không có sự phá huỷ xương nghiêm trọng, không có gù vẹo và không mất vững cột sống.

Phẫu thuật giải ép tủy trong lao cột sống thắt lưng cần phối hợp với các biện pháp điều trị nội khoa, nhất là uống thuốc kháng lao đầy đủ.

Lao cột sống thắt lưng là tình trạng nhiễm trùng cột sống thắt lưng do vi khuẩn lao gây ra. Lao cột sống lưng gây phá hủy đốt sống và đĩa đệm làm biến dạng cột sống thắt lưng, áp xe và chèn ép tuỷ. Vì thế, bệnh cần được sớm phát hiện, thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe