Phương pháp cắt tử cung qua đường âm đạo đạt hiệu quả cao trong điều trị sa sinh dục. Phẫu thuật có ưu điểm vượt trội như không tạo vết mổ trên bụng đảm bảo tính thẩm mỹ cao, thời gian hồi phục nhanh, giảm chi phí điều trị.
1. Chỉ định phẫu thuật cắt tử cung qua đường âm đạo
Phẫu thuật cắt tử cung qua đường âm đạo điều trị sa sinh dục còn được gọi là phẫu thuật Crossen. Phẫu thuật điều trị sa sinh dục bằng cách tiến hành cắt bỏ tử cung qua đường âm đạo, khâu treo lại bàng quang, khâu các mỏm dây chằng ở 2 bên lại với nhau tạo thành một mạng lưới vững chắc cùng với khâu mỏm âm đạo để không cho ruột sa xuống. Đây là một kỹ thuật khó, cần bác sĩ có chuyên môn cao, và chỉ được thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương.
Phẫu thuật cắt tử cung được chỉ định trên những phụ nữ bị sa sinh dục độ III và không có nhu cầu tiếp tục sinh con. Sa sinh dục độ III là trường hợp cổ tử cung sa xuống thấp, sa hẳn ra ngoài âm hộ. Ngoài ra, cuộc phẫu thuật chỉ được tiến hành khi người phụ nữ có đủ sức khỏe (không phẫu thuật cho người quá già yếu hoặc mắc các bệnh lý tim mạch, bệnh về máu, đái tháo đường, v.v); tình trạng tử cung và âm đạo ổn định, không có bất kỳ viêm nhiễm nào. Nếu có viêm nhiễm thì cần được điều trị khỏi trước khi phẫu thuật.
2. Các bước tiến hành phẫu thuật
- Thì 1: Bộc lộ cổ tử cung
- Thì 2: Mở cùng đồ sau và thăm dò
- Thì 3: Mở cùng đồ trước, bóc tách đẩy bàng quang lên phía trên
- Thì 4: Thắt và cắt dây chằng và cuống mạch tử cung
- Thì 5: Thắt và cắt cuống mạch tử cung và dây chằng rộng Đẩy dây chằng đã cắt lên phía trên, bộc lộ phần tổ chức trên dây chằng
- Thì 6: Cắt hai phần phụ
- Thì 7: Kiểm tra chảy máu
- Thì 8: Đóng phúc mạc cùng đồ và khâu niêm mạc âm đạo
Người bệnh sau phẫu thuật cắt tử cung cần được theo dõi sát đặc biệt là trong 24 giờ đầu và những ngày đầu sau mổ nhằm đánh giá khả năng hồi phục sức khỏe, tình trạng chảy máu và cách chăm sóc bộ phận sinh dục sau phẫu thuật.
Các vấn đề quan trọng cần theo dõi ở người bệnh bao gồm:
- Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, đặc biệt là trong khoảng thời gian 24 giờ đầu sau phẫu thuật
- Theo dõi tình trạng chảy máu qua âm đạo và trong ổ bụng
- Theo dõi và chăm sóc ống thông tiểu
- Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục: Lau âm đạo và tầng sinh môn bằng dung dịch betadin hoặc các dung dịch sát trùng khác
- Chế độ ăn uống hợp lý: Cho người bệnh ăn lỏng và vận động sớm sau mổ
Tai biến là điều khó tránh khỏi ở tất cả các can thiệp ngoại khoa. Một số các tai biến thường gặp sau phẫu thuật cắt tử cung qua đường âm đạo bao gồm:
- Chảy máu do tụt chỉ hoặc buộc các mạch máu không hết
- Tổn thương bàng quang, trực tràng trong quá trình bóc tách
- Nhiễm khuẩn do viêm loét âm đạo và viêm loét cổ tử cung chưa điều trị khỏi
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.