Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, tư vấn và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa.
Sa sinh dục là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ sau sinh, nhất là phụ nữ làm các công việc nặng, sinh nhiều con hoặc những lần đẻ trước không được đỡ đẻ an toàn, đúng kỹ thuật. Bệnh sa sinh dục ở phụ nữ sau sinh diễn ra theo nhiều mức độ, tùy thuộc vào vị trí sa của cổ tử cung so với âm hộ. Đây là bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và lao động của phụ nữ.
1. Sa sinh dục là gì?
Sa sinh dục là tình trạng tử cung sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ, nó thường kèm theo sa thành trước âm đạo và bàng quang hoặc thành sau âm đạo và trực tràng. Bệnh lý này chiếm từ 5-8% các bệnh thường gặp ở phụ nữ sau sinh có độ tuổi từ 40 – 50 trở lên.
Sa sinh dục chủ yếu gặp ở phụ nữ sau sinh, đôi khi Sa sinh dục ở người chưa đẻ lần nào. Thường là sa tử cung đơn thuần, cổ tử cung dài, thò ra ngoài âm đạo, thành âm đạo không bị sa.
Tùy theo mức độ sa sinh dục mà có các chỉ định điều trị khác nhau.
2. Nguyên nhân gây sa sinh dục ở phụ nữ sau sinh
Các nguyên nhân gây sa sinh dục ở phụ nữ sau sinh bao gồm:
- Phụ nữ sinh đẻ nhiều lần, đẻ dày, không được đỡ đẻ 1 cách an toàn và đúng kỹ thuật, rách tầng sinh môn không khâu.
- Phụ nữ lao động nặng hoặc lao động quá sớm sau đẻ làm tăng áp lực ổ bụng, đè vào đáy chậu còn mềm yếu gây nên tình trạng sa sinh dục ở phụ nữ sau sinh.
- Các nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên: mang vác, gánh gồng nặng, táo bón trường diễn, ho kéo dài, những người bán hàng rong thường xuyên ngồi bệt trên lề đường...
- Rối loạn dinh dưỡng ở người già, hệ thống treo và nâng đỡ tử cung suy yếu.
- Ngoài ra có thể do cơ địa bẩm sinh ở người chưa đẻ lần nào.
3. Các mức độ sa sinh dục ở phụ nữ sau sinh
Dựa vào vị trí sa của cổ tử cung so với âm hộ chia làm 3 mức độ sa sinh dục:
Sa sinh dục độ I:
- Cổ tử cung sa ở thành trước âm đạo, kèm theo sa bàng quang.
- Cổ tử cung sa ở thành sau âm đạo, nếu sa nhiều kéo theo sa cả trực tràng.
- Cổ tử cung sa thấp trong âm đạo nhưng chưa tới âm hộ.
Sa sinh dục độ II:
- Cổ tử cung sa ở thành trước âm đạo và bàng quang.
- Cổ tử cung sa ở thành sau âm đạo, có thể kèm sa trực tràng.
- Cổ tử cung sa thập thò âm hộ.
Sa sinh dục độ III:
- Cổ tử cung sa ở thành trước âm đạo và bàng quang.
- Cổ tử cung sa ở thành sau âm đạo, có thể kèm theo sa trực tràng.
- Tử cung, cổ tử cung sa thấp, cổ tử cung sa hẳn ra ngoài âm hộ.
Khi mắc bệnh lý sa sinh dục, bệnh nhân còn bị các thương tổn kèm theo như:
- Cổ tử cung thường viêm loét, phì đại do bị cọ sát lâu ngày với quần bệnh nhân.
- Tử cung thường teo nhỏ do người già đã mãn kinh, song một số trường hợp có thể có u xơ tử cung hoặc u nang buồng trứng kết hợp.
- Tầng sinh môn của bệnh nhân thường có vết rách cũ không được khâu tại điểm 6 giờ, cơ tầng sinh môn mềm nhão, suy yếu.
- Một số trường hợp có sỏi bàng quang, viêm bàng quang, xuất huyết bàng quang - hậu quả của ứ trệ nước tiểu lâu ngày do niệu đạo bị gập.
4. Phòng ngừa sa sinh dục ở phụ nữ sau sinh
- Phụ nữ không nên sinh quá sớm, độ tuổi sinh đẻ tốt nhất là độ tuổi từ 22 - 29 vì đây là thời kỳ sung mãn của phụ nữ, các bộ phận trong cơ thể chưa bị thoái hóa và dễ phục hồi.
- Khi sinh nở, nên để cán bộ y tế có chuyên môn phục vụ, không để tình trạng chuyển dạ kéo dài.
- Nếu tầng sinh môn bị rách khi đẻ, dù nhỏ cũng phải khâu lại.
- Sau sinh không nên lao động quá sớm và quá nặng, cần phải nghỉ ngơi đủ thời gian để cho các cơ và dây chằng vùng đáy chậu co trở lại, 3 tháng sau sinh là thời điểm tốt nhất để phụ nữ sau sinh bắt đầu lao động bình thường trở lại.
- Tránh lao động quá nặng nhọc liên tục hoặc phải thay đổi tư thế để nghỉ ngơi, thư giãn khi làm việc ở tư thế đứng và đi lại quá nhiều.
- Ăn uống đầy đủ, sinh hoạt điều độ, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng sức dẻo dai cho cơ bắp nói chung và các cơ vùng đáy chậu (luyện những bài tập nhẹ hoặc phải có sự tư vấn của bác sĩ).
- Đẻ quá nhiều, đẻ quá dày, điều kiện đẻ mổ không an toàn là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng sa sinh dục ở phụ nữ sau sinh. Do vậy để phòng tránh bệnh lý này, không nên để quá nhiều, đẻ quá dày, cần đẻ ở nơi có điều kiện đỡ đẻ an toàn, đỡ đẻ đúng kỹ thuật.
- Các thủ thuật sản khoa phải làm đúng chỉ định, đúng kỹ thuật và đủ điều kiện tránh gây sang chấn cho âm đạo và tầng sinh môn.
- Cần phát hiện và điều trị sớm các bệnh mãn tính gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên (táo bón trường diễn, ho kéo dài...) là nguyên nhân dẫn đến sa sinh dục.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.