Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Nhiều trường hợp ung thư tuyến giáp được phát hiện sớm. Ngày nay, hầu hết các ung thư tuyến giáp hiện được phát hiện sớm hơn nhiều so với trước đây và có thể được điều trị thành công.
A. Có thể phát hiện sớm ung thư tuyến giáp?
- Hầu hết các ung thư tuyến giáp được phát hiện sớm khi bệnh nhân đến khám vì nhận thấy các khối u hoặc nốt ở cổ. Nếu có các triệu chứng như khối lớn hoặc sưng ở cổ, bạn nên đi khám bác sĩ ngay.
- Phát hiện sớm ung thư tuyến giáp khi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Đôi khi ung thư tuyến giáp được phát hiện sớm khi làm các xét nghiệm hình ảnh, như siêu âm hoặc CT scan vì những vấn đề sức khỏe khác.
Xét nghiệm máu hoặc siêu âm tuyến giáp có thể phát hiện những thay đổi trong tuyến giáp, nhưng những xét nghiệm này không được khuyến cáo để sàng lọc ung thư tuyến giáp ngoại trừ ở những người có nguy cơ cao, như có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp.
Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp dạng tủy (MTC), có hoặc không có đa u nội tiết type 2 (MEN 2), có thể có nguy cơ mắc ung thư rất cao. Những người này nên được xét nghiệm di truyền khi còn trẻ để xem liệu họ có mang các biến đổi gen liên quan đến MTC hay không. Đối với những người có thể có nguy cơ nhưng không được xét nghiệm di truyền, việc xét nghiệm máu và siêu âm tuyến giáp có thể giúp tìm MTC ở giai đoạn sớm, khi vẫn có thể chữa được.
B. Chẩn đoán ung thư tuyến giáp
1. Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp có thể gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây:
- Một khối u ở cổ, đôi khi phát triển nhanh chóng
- Sưng ở cổ
- Đau phía trước cổ, đôi khi lan lên đến tai
- Khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói mà không biến mất
- Khó nuốt
- Khó thở
- Ho dai dẳng mà không do cảm lạnh
Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức. Các triệu chứng này có thể không phải do ung thư hoặc thậm chí là các bệnh ung thư khác ở vùng cổ. Các khối u trong tuyến giáp thường gặp hơn và thường là lành tính. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, điều quan trọng là gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị, nếu cần.
2. Tiền sử y tế và khám sức khỏe
Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào cho thấy bạn có thể mắc ung thư tuyến giáp, bác sĩ sẽ muốn biết tiền sử y tế hoàn chỉnh của bạn. Bạn sẽ được hỏi những câu hỏi về các yếu tố nguy cơ, triệu chứng có thể xảy ra và bất kỳ vấn đề hoặc lo ngại nào khác về sức khỏe. Nếu trong gia đình bạn có ai mắc ung thư tuyến giáp (đặc biệt là ung thư tuyến giáp dạng tủy) hoặc u tủy thượng thận (pheochromocytomas), hãy nói với bác sĩ, vì bạn có thể có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Bác sĩ sẽ kiểm tra để có thêm thông tin về các dấu hiệu ung thư tuyến giáp và các vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt chú ý đến kích thước và mật độ của tuyến giáp và bất kỳ hạch bạch huyết nào ở cổ của bạn.
3. Xét nghiệm ung thư tuyến giáp
3.1. Xét nghiệm hình ảnh
Các xét nghiệm hình ảnh có thể được thực hiện vì một số lý do:
- Tìm các vùng nghi ngờ có thể là ung thư
- Xem ung thư có thể lan rộng đến đâu
- Xác định hiệu quả của điều trị
●Siêu âm
Siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các bộ phận trong cơ thể bạn, không tiếp xúc với tia xạ. Siêu âm giúp:
- Xác định nhân giáp là đặc hoặc chứa chất lỏng (các nhân đặc có nhiều khả năng ung thư)
- Kiểm tra số lượng và kích thước của các nhân giáp
- Xem có bất kỳ hạch bạch huyết lân cận di căn do ung thư tuyến giáp hay không.
- Hướng dẫn kim sinh thiết vào nhân để lấy mẫu
●Xạ hình iot (radioiodone scan)
- Xạ hình giúp xác định:
- Khối u ở cổ có thể là ung thư tuyến giáp hay không.
- Giúp xác định các ung thư tuyến giáp biệt hóa đã được chẩn đoán (dạng nhú, dạng nang hoặc tế bào Hürthle) xem đã lan rộng hay chưa. Các tế bào ung thư tuyến giáp dạng tủy không hấp thụ iốt, nên không sử dụng xạ hình cho ung thư này.
- Với xét nghiệm này, một lượng nhỏ iốt phóng xạ (I-131) được uống (thuốc viên) hoặc tiêm tĩnh mạch. Sau đó, iốt được hấp thụ bởi tuyến giáp (hoặc các tế bào tuyến giáp ở bất cứ đâu trong cơ thể). Một camera đặc biệt được sử dụng vài giờ sau đó để xem vị trí và đo lượng hoạt động phóng xạ.
- Nhân lạnh: khu vực bất thường của tuyến giáp có ít phóng xạ hơn các mô xung quanh. Nhân lạnh có thể là lành tính hoặc ung thư
- Nhân nóng: khu vực có nhiều bức xạ hơn, thường không phải là ung thư.
Do đó, xét nghiệm này không thể chẩn đoán ung thư tuyến giáp
Sau khi phẫu thuật ung thư tuyến giáp, xạ hình toàn thân 5giúp tìm kiếm khả năng lan rộng của ung thư khắp cơ thể. Xạ hình sau mổ càng có độ nhạy cao hơn nếu tuyến giáp được cắt bỏ hoàn toàn vì iốt phóng xạ được hấp thu bởi bất kỳ tế bào ung thư tuyến giáp nào còn lại.
Do bất kỳ loại iốt nào trong cơ thể đều có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm này, do đó nên tránh các loại thực phẩm hoặc thuốc chứa iốt một vài ngày trước khi xạ hình.
●X-quang ngực
Nếu đã được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp (đặc biệt là ung thư tuyến giáp dạng nang – follicular thyroid carcinoma), có thể chụp X-quang ngực để xem ung thư có lan đến phổi không.
●Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Chụp CT tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết các cơ quan. CT có thể giúp xác định vị trí và kích thước của ung thư tuyến giáp và liệu chúng có lan sang các khu vực lân cận hay lan sang phổi hay không.
●Chụp cộng hưởng từ (MRI)
MRI sử dụng từ trường thay vì tia xạ như CT. MRI có thể phát hiện ung thư tuyến giáp hoặc ung thư đã lan đến các cơ quan gần hoặc xa.
●Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
PET có thể cho biết ung thư đã lan rộng đến những cơ quan nào của cơ thể.
3.2. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu không xác định được ung thư tuyến giáp, nhưng giúp biết được chức năng tuyến giáp hoạt động có bình thường không, để có thể chỉ định những xét nghiệm cần thiết khác. Chúng cũng có thể được sử dụng để theo dõi một số ung thư.
●Hormon kích thích tuyến giáp (thyroid stimulating hormone - TSH)
Các xét nghiệm nồng độ hormone kích thích tuyến giáp trong máu (TSH hoặc thyrotropin) có thể được sử dụng để kiểm tra hoạt động chung của tuyến giáp. Nồng độ TSH, được tạo ra bởi tuyến yên, có thể cao nếu tuyến giáp không sản xuất đủ hormone. Cơ chế này giúp chọn các xét nghiệm hình ảnh (như siêu âm hoặc xạ hình giáp) để đánh giá một nhân giáp.
Trong ung thư giáp, nồng độ TSH thường bình thường.
●T3 và T4 (hormone tuyến giáp)
Đây là những hormone chính do tuyến giáp sản xuất. Nồng độ của các hormone này cũng giúp đánh giá chức năng tuyến giáp.
Nồng độ T3 và T4 thường là bình thường trong ung thư tuyến giáp.
●Thyroglobulin
Thyroglobulin là một loại protein do tuyến giáp sản xuất. Nồng độ thyroglobulin trong máu không thể dùng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp, nhưng cần thiết sau khi điều trị. Cách điều trị ung thư tuyến giáp thông thường hiện nay là cắt bỏ gần hết tuyến giáp, sau đó điều trị iốt phóng xạ để tiêu diệt bất kỳ tế bào tuyến giáp nào còn sót lại.
Phương pháp điều trị này sẽ làm nồng độ thyroglobulin trong máu giảm mạnh trong vòng vài tuần. Nếu thyroglobulin không giảm thấp, điều này có nghĩa là các tế bào ung thư tuyến giáp có thể vẫn còn trong cơ thể. Nếu mức thyroglobulin tăng trở lại sau khi giảm thấp, đó là dấu hiệu cho thấy ung thư có thể tái phát.
Calcitonin là một hormone giúp điều hòa canxi. Nó được tạo ra bởi các tế bào C – nguồn gốc của ung thư tuyến giáp dạng tủy (MTC). Nếu nghi ngờ MTC hoặc nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh, xét nghiệm nồng độ calcitonin máu có thể gợi ý cho việc chẩn đoán MTC. Xét nghiệm này cũng chỉ định để xem khả năng tái phát MTC sau điều trị.
●Kháng nguyên phôi (carcinoembryonic antigen - CEA)
Bệnh nhân mắc carcinoma tuyến giáp dạng tủy (MTC) thường có nồng độ CEA trong máu cao. CEA có thể giúp theo dõi ung thư loại này.
●Các xét nghiệm máu khác
Nếu được lên kế hoạch phẫu thuật, bạn sẽ được làm các xét nghiệm kiểm tra số lượng tế bào máu, chức năng đông máu và kiểm tra chức năng gan, thận.
Carcinoma tuyến giáp dạng tủy (MTC) có thể do một hội chứng di truyền mà nó cũng có thể gây ra u tủy thượng thận (gọi là pheochromocytoma). Pheochromocytoma có thể gây ra vấn đề trong quá trình phẫu thuật khi bệnh nhân được gây mê. Đây là lý do tại sao bệnh nhân mắc MTC có kế hoạch phẫu thuật thường được kiểm tra để xem liệu họ có bị pheochromocytoma hay không. Do đó cần xét nghiệm epinephrine (adrenaline) máu và / hoặc xét nghiệm nước tiểu các sản phẩm phân hủy của chúng (metanephrin).
3.3. Kiểm tra dây thanh âm (soi thanh quản)
Các khối u tuyến giáp đôi khi có thể ảnh hưởng đến dây thanh âm. Nếu bạn chuẩn bị phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp, có thể cần nội soi thanh quản trước để xem dây thanh âm có hoạt động bình thường hay không.
3.4. Xét nghiệm giải phẫu bệnh
Chẩn đoán xác định ung thư tuyến giáp bắt buộc phải căn cứ vào xét nghiệm giải phẫu bệnh.
●Chọc hút bằng kim nhỏ (fine needle aspiration – FNA)
Là cách đơn giản nhất để đánh giá một khối tuyến giáp là nhân lành tính hoặc ung thư.
Trong hầu hết các trường hợp không cần gây tê. Bác sĩ sẽ dùng một cây kim nhỏ, rỗng đâm trực tiếp vào nhân giáp để hút (lấy ra) một số tế bào và một vài giọt chất lỏng vào ống tiêm. Bác sĩ thường lặp lại 2 hoặc 3 lần, để lấy các mẫu từ các vùng khác nhau trong nhân giáp.
Sau đó, các mẫu bệnh phẩm được gửi đến phòng xét nghiệm Giải phẫu bệnh, để phân tích xem các tế bào là ung thư hay lành tính.
Chọc hút kim nhỏ thường được thực hiện trên tất cả các nhân giáp đủ lớn để sờ thấy được. Nhưng các bác sĩ thường sử dụng siêu âm hướng dẫn để lấy mẫu, nhất là những nhân nhỏ, nằm sâu, giúp đảm bảo rằng mẫu được lấy đúng vị trí. FNA cũng được chỉ định để lấy tế bào các hạch bạch huyết ở cổ để xem chúng có di căn hay không.
Đôi khi, FNA sẽ cần phải được lặp lại vì các mẫu không có đủ tế bào để chẩn đoán. Nếu kết quả xét nghiệm là “nghi ngờ” hoặc “có ý nghĩa không xác định”, có nghĩa là kết quả không chắc chắn rằng nhân giáp là lành tính hay ác tính.
●Sinh thiết (biopsy)
Nếu chẩn đoán không rõ ràng sau FNA, bạn có thể cần sinh thiết để có được một mẫu tốt hơn, đặc biệt nếu bác sĩ có lý do để nghĩ rằng nhân giáp có thể là ung thư.
Các sinh thiết này có thể là:
- Sinh thiết lạnh (frozen section): cắt bỏ nhân giáp hoặc thùy giáp trong phòng phẫu thuật, ngay sau đó gửi mô giáp tươi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh, kỹ thuật viên xử lý và cắt mỏng mô giáp ở nhiệt độ - 20 độ C, nhuộm tiêu bản và bác sĩ Giải phẫu bệnh đọc kết quả chẩn đoán dưới kính hiển vi, nhân giáp lành hay ác tính, báo qua điện thoại tới phòng mổ để bác sĩ phẫu thuật xử trí các bước tiếp theo. Thời gian để thực hiện xét nghiệm này mất từ 30-45 phút.
- Sinh thiết lõi (core biopsy): sử dụng kim lớn hơn, cắt bỏ các lõi mô giáp để chẩn đoán mô bệnh học, thường có kết quả sau 3-5 ngày.
- Sinh thiết mở: gồm
- Cắt nhân giáp
- Cắt thùy giáp (lobectomy)
- Cắt giáp toàn bộ (completion thyroidectomy)
3.5. Xét nghiệm phân tử
Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm phân tử để tìm những biến đổi gen đặc biệt trong các tế bào ung thư. Điều này có thể được thực hiện vì những lý do khác nhau:
- Nếu kết quả FNA không rõ ràng, bác sĩ có thể yêu cầu thêm xét nghiệm để xem liệu có biến đổi gen BRAF hoặc RET / PTC hay không. Xác định một trong những biến đổi này thì có nhiều khả năng ung thư tuyến giáp hơn.
- Đối với một số loại ung thư tuyến giáp, các xét nghiệm phân tử có thể xác định được những biến đổi ở một số gen nhất định (như gen BRAF, RET / PTC hoặc NTRK), và có thể giúp ích trong việc điều trị thuốc nhắm trúng đích.
Khi nhận thấy những bất thường ở cơ thể, chúng ta cần đi khám ngay, khám tổng quát cũng như khám chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm nhất có thể. Các bác sĩ khuyến cáo, chúng ta nên đi khám sức khỏe định kỳ 1 năm 1 lần để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, cũng như có hướng tầm soát điều trị bệnh sớm.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư tuyến giáp
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ