Phát hiện sớm ung thư dạ dày sẽ giúp bệnh nhân tăng cơ hội chữa trị thành công. Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, khiến nhiều người bệnh chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, lúc này việc điều trị trở nên khó khăn và tỷ lệ thành công thấp. Chính vì thế, mọi người nên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của TS. BS Lê Tấn Đạt là Bác sĩ Nội Ung bướu - Trưởng Đơn nguyên Nội Ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Ung thư dạ dày là bệnh gì?
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến ở Việt Nam, xuất hiện khi các tế bào trong dạ dày phát triển mất kiểm soát và hình thành các khối u. Các khối u này không chỉ phát triển tại chỗ mà còn có khả năng lan rộng ra các mô lân cận, di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, dẫn đến đau đớn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.
Tình trạng ung thư dạ dày không chỉ ngày càng trở nên phổ biến mà còn có xu hướng trẻ hóa. Tại Việt Nam, bệnh này là một trong năm loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất đối với cả nam và nữ. Việc sàng lọc ung thư dạ dày đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư dạ dày, các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư ở giai đoạn đầu, qua đó làm tăng cơ hội điều trị thành công và kéo dài sự sống cho người bệnh.
2. Nguyên nhân gây ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một bệnh lý phức tạp và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh. Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh này bao gồm:
- Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP): Đây là nguyên nhân chính gây viêm niêm mạc dạ dày, dẫn đến các biến chứng như teo niêm mạc, dị sản ruột và loạn sản. Người bị nhiễm H.pylori có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 6 lần so với người không nhiễm.
- Chế độ ăn uống: Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng muối cao, thực phẩm ngâm chua, và các loại thực phẩm đã qua chế biến như thực phẩm hun khói, có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
- Lối sống: Hút thuốc lá và uống rượu bia thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Những chất độc hại trong khói thuốc và rượu có thể gây hại trực tiếp đến niêm mạc dạ dày.
- Các bệnh lý dạ dày: Những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng hoặc có polyp dạ dày cũng có nguy cơ cao hơn trong việc phát triển ung thư.
- Yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày làm tăng nguy cơ ung thư cho những thành viên khác trong gia đình.
- Các yếu tố khác: Béo phì và tiếp xúc với bức xạ cũng được xem là các yếu tố góp phần vào nguy cơ ung thư dạ dày.
3. Tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ trong việc phát hiện sớm ung thư dạ dày
Việc khám sức khỏe định kỳ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư dạ dày. Theo số liệu từ GLOBOCAN của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn thế giới ghi nhận 768.700 ca tử vong do ung thư dạ dày vào năm 2020. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư phổ biến thứ ba, chỉ sau ung thư gan và ung thư phổi, với khoảng 17.900 ca mắc mới và 14.600 ca tử vong trong cùng năm.
Báo cáo từ Bộ Y tế cho thấy đến 75% bệnh nhân ung thư dạ dày khi được chẩn đoán đã ở giai đoạn cuối. Bên cạnh đó, các ca được phát hiện sớm thường do khám bệnh định kỳ hoặc tình cờ phát hiện trong quá trình thăm khám bệnh khác.
Ung thư dạ dày là một bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể chữa khỏi nếu như được phát hiện sớm. Chính vì vậy, việc thực hiện tầm soát định kỳ là cực kỳ cần thiết, giúp phát hiện sớm bệnh, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và cơ hội sống cho người bệnh.
4. Ai nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm ung thư dạ dày
Trong bối cảnh ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa tại Việt Nam, với số ca mắc mới dưới 40 tuổi đang ngày càng tăng lên, thậm chí có những trường hợp dưới 30 tuổi đã phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, chính vì thế, việc tầm soát ung thư dạ dày trở nên cực kỳ quan trọng.
Dưới đây là các đối tượng nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh:
- Người từ độ tuổi 40-45 trở lên.
- Những người có tiền sử bệnh lý về dạ dày như viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm teo dạ dày, dị sản ruột.
- Người bị trào ngược dạ dày thực quản kéo dài.
- Những người nhiễm khuẩn Helicobacter pylori.
- Những người đã từng trải qua phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày.
- Những người có polyp dạ dày.
- Người có chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn nhiều muối, thực phẩm ngâm chua, hun khói và ít tiêu thụ rau xanh, trái cây.
- Người nghiện rượu, bia và hút thuốc lá.
Ngoài ra, mọi người cần lưu ý đến các triệu chứng cảnh báo sớm của ung thư dạ dày như khó nuốt, đau hoặc căng tức vùng thượng vị, cảm giác buồn nôn, đầy hơi và ợ nóng thường xuyên, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, đi ngoài phân đen, chán ăn, mệt mỏi và giảm cân không rõ nguyên nhân. Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.
Việc khám sức khỏe định kỳ không chỉ là bước đầu tiên trong hành trình chăm sóc sức khỏe cá nhân mà còn là chìa khóa quan trọng trong việc phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là phát hiện sớm ung thư dạ dày.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất, mỗi người chúng ta nên ý thức được sự cần thiết của việc đi khám định kỳ, đặc biệt là những người trong nhóm nguy cơ cao. Hãy xem việc này như một nghĩa vụ đối với bản thân và gia đình, không chỉ để phát hiện bệnh mà còn để duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.