Bài viết được viết bởi Bác sĩ Nguyễn Lê Thảo Trâm - Bác sĩ Chẩn Đoán Hình Ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp ở phụ nữ và tỷ lệ mắc bệnh và gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú cho phụ nữ, trong đó có thể chia ra thành hai loại là những yếu tố nguy cơ không thay đổi được và những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.
1. Những yếu tố nguy cơ không thay đổi
- Tuổi: Nguy cơ ung thư vú tăng dần theo tuổi, hầu hết ung thư vú thường xuất hiện ở độ tuổi trên 50.
- Đột biến gen: Đột biến di truyền ở một số gene như BRCA1, BRCA2 làm tăng nguy cơ ung thư vú và buồng trứng ở phụ nữ, ngoài ra còn một số gen khác cũng ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú như CHEK2, PTEN...
- Tiền sử sinh sản: Có kinh nguyệt trước 12 tuổi và mãn kinh sau 55 tuổi khiến phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi nội tiết dài hơn, làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
- Mô vú đặc: Nghĩa là lượng mô liên kết trong vú nhiều hơn mô mỡ, ngoài vấn đề gây khó khăn trong phát hiện khối u trên nhũ ảnh, phụ nữ có mô vú đặc có nguy cơ ung thư vú cao hơn.
- Tiền sử ung thư vú hoặc các bệnh lý không ung thư trên vú: Phụ nữ đã mắc ung thư vú có nguy cơ tái phát. Phụ nữ có một số bệnh lý nhu mô vú khác như: Tăng sản tuyến vú không điển hình hoặc ung thư ống tuyến hoặc tiểu thùy tại chỗ cũng tăng nguy cơ ung thư vú.
- Tiền sử xạ trị vùng ngực hoặc vú trong giai đoạn trước 30 tuổi (ví dụ trong điều trị Lymphoma Hodgkin)
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú: Phụ nữ có họ hàng thế hệ 1 (mẹ, chị, con gái, hoặc thậm chí là nam) mắc ung thư vú hoặc có nhiều thành viên trong gia đình phía bố hoặc mẹ mắc ung thư vú cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú cho mình.
- Tiền sử sử dụng thuốc diethylstilbestrol (DES), đây là một loại thuốc ngăn ngừa sẩy thai được dùng ở Mỹ những năm 1940 – 1971.
2. Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
- Luyện tập thể chất: Phụ nữ không hoạt động thể thao dường như có nguy cơ cao hơn.
- Thừa cân hoặc béo phì sau mãn kinh.
- Dùng hormones: Một số liệu pháp hormon thay thế (gồm estrogen và progesterone) trong giai đoạn mãn kinh trên 5 năm có nguy cơ cao hơn. Một số loại thuốc tránh thai cũng tăng nguy cơ hơn.
- Tiền sử sinh sản: Mang thai lần đầu sau 30 tuổi, không cho con bú hoặc không có thai kỳ đủ tháng cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.
- Uống rượu bia, hút thuốc hoặc tiếp xúc một số hóa chất độc hại cũng gây tăng nguy cơ ung thư vú.
- Ngoài ra, người ta còn đang nghiên cứu về việc thay đổi nội tiết ở những phụ nữ làm việc ban đêm cũng có thể có nguy cơ ung thư vú cao hơn.
3. Phân loại phụ nữ theo mức độ nguy cơ ung thư vú
Một số nghiên cứu tại Mỹ đã dùng tỷ lệ RR (relative risk) chia các mức độ từ 1.1 đến 4.0 để phân loại các mức độ cao, trung bình và tăng nguy cơ.
3.1 Mức độ cao (high-risk) RR>4.0
- Phụ nữ trên 65 tuổi
- Tăng sản tuyến vú không điển hình (được chứng minh qua sinh thiết)
- Đột biến một số gene (BRCA1, BRCA2, TP53, ATM...)
- Ung thư ống tuyến vú hoặc ung thư tiểu thùy tại chỗ
- Tiền sử gia đình ung thư buồng trứng sớm (trước 50 tuổi)
- Nhiều người họ hàng thế hệ 1 mắc ung thư vú
- Xạ trị vùng ngực/vú trước 30 tuổi.
- Tiền sử có ung thư vú sớm (trước 40 tuổi).
3.2 Mức độ trung bình (moderate-risk), RR từ 2.1 đến 4.0
- Có nồng độ nội tiết estrogen nội sinh hoặc testosterone cao trong giai đoạn hậu mãn kinh
- Mang thai đủ tháng lần đầu sau tuổi 35
- Mô vú rất đặc (>50% trên nhũ ảnh)
- Một người họ hàng thế hệ 1 mắc ung thư vú
- Bệnh lý mô vú tăng sinh (như tăng sản ống tuyến vú không điển hình)
- Một số đột biến di truyền (như gene CHEK2, PTEN).
3.3 Tăng nguy cơ (increased-risk), RR từ 1.1 – 2.0
- Uống rượu, bia.
- Mang thai đủ tháng lần đầu trong độ tuổi 30 – 35.
- Mẹ dùng thuốc DES trong thai kỳ.
- Mô vú đặc (25 – 50%)
- Có một số bệnh lý vú lành tính: Bướu sợi tuyến vú (fibroadenoma), u nhú, sẹo xơ sau xạ trị
- Mãn kinh muộn (sau 55 tuổi)
- Tiền sử ung thư vú sau 40 tuổi hoặc có tiền sử các ung thư đại tràng, buồng trứng, tử cung.
- Dùng liệu pháp hormon thay thế chứa estrogen và progestin...
3.4 Những yếu tố giúp giảm nguy cơ ung thư vú (RR < 1)
- Chủng tộc người châu Á
- Phụ nữ cho con bú
- Mang thai lần đầu < 20 tuổi
- Dùng Tamoxifen
- Đã phẫu thuật vú giảm nguy cơ trước
- Luyện tập thể dục thể thao...
Ung thư vú là căn bệnh gây tử vong cao nhất ở nữ giới nên việc phát hiện các triệu chứng của bệnh và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Để sớm phát hiện ra căn bệnh ung thư vú, bạn nên tầm soát ung thư vú thường xuyên, nhất là nhóm đối tượng trên 40 tuổi, có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp Gói tầm soát ung thư vú giúp người bệnh sớm phát hiện ra căn bệnh ung thư nguy hiểm này ngay cả khi không có triệu chứng.
Khi đăng ký gói tầm soát ung thư vú, Khách hàng sẽ được:
- Khám, tư vấn với bác sĩ chuyên khoa ung bướu.
- Tầm soát ung thư vú bằng siêu âm tuyến vú 2 bên và chụp Xquang tuyến vú.
Mọi thông tin chi tiết Khách hàng vui lòng liên hệ đến các bệnh viện, phòng khám thuộc hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM
- 6 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú
- 25 hình ảnh trực quan về ung thư vú
- Hiểu về ung thư vú giai đoạn 0