Phân loại hội chứng viêm phúc mạc và xử lý những biến chứng thường gặp

Viêm phúc mạc là một hội chứng nghiêm trọng và khẩn cấp, do nhiều nguyên nhân gây nên, đòi hỏi phải điều trị kịp thời. Các triệu chứng viêm phúc mạc thường xảy ra đột ngột và dữ dội, nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

1. Viêm phúc mạc là gì?

Phúc mạc là một màng thanh mạc lớn nhất trong cơ thể, bao bọc tất cả các cơ quan bên trong ổ bụng và hố chậu. Phúc mạc làm lớp màng lót ở mặt trong thành bụng, ở mặt dưới cơ hoành và lót ở mặt trên hoành chậu hông. Lớp phúc mạc xếp dọc theo thành bụng và hình thành các nếp gấp đi vào bên trong, lót giữa các cơ quan, tạo nên một màng bảo vệ, giảm lực ma sát.

Viêm phúc mạc là một hội chứng do nhiều nguyên nhân gây ra. Đây là phản ứng viêm toàn bộ hoặc viêm một phần của phúc mạc, do vi khuẩn hoặc hóa chất. Viêm phúc mạc là một bệnh lý nặng và là nguyên nhân tử vong chủ yếu trong ngoại khoa (60-70%).

2. Vì sao viêm phúc mạc thường tiến triển nặng?

  • Viêm phúc mạc là giai đoạn cuối của các bệnh nhiễm khuẩn bên trong ổ bụng
  • Vi khuẩn gây bệnh thường có nhiều loại và là những vi khuẩn đường tiêu hóa có độc tính cao
  • Phúc mạc có bản chất là một màng bán thấm, diện tích xấp xỉ so với diện tích da (1.5 - 2 mét vuông). Phúc mạc có khả năng hấp thu chất độc rất nhanh nên dễ dẫn đến shock và nhiễm độc.
  • Bệnh rất dễ lan tràn ra khắp ổ bụng do nhu động ruột.

Do nhu động ruột nên bệnh dễ llan tràn khắp ổ bụng
Do nhu động ruột nên bệnh dễ llan tràn khắp ổ bụng

3. Phân loại hội chứng viêm phúc mạc

Có nhiều cách phân loại:

Phân loại theo giải phẫu bệnh lý:

  • Viêm phúc mạc toàn thể
  • Viêm phúc mạc khu trú.

Phân loại theo căn nguyên bệnh sinh:

  • Viêm phúc mạc nguyên phát: do lao, do phế cầu trùng, lậu cầu trùng
  • Viêm phúc mạc thứ phát: do vỡ hoặc thủng các tạng bên trong ổ bụng do bệnh lý, vỡ hoặc thủng tạng ổ bụng do chấn thương...

Phân loại theo nguyên nhân:

Phân loại theo diễn biến lâm sàng:

Viêm phúc mạc toàn thể là gì?

  • Viêm phúc mạc toàn thể tiên phát: do vi khuẩn từ ổ viêm ngoài ổ phúc mạc tràn vào phúc mạc, loại này thường ít gặp (1%), do 2 loại vi khuẩn gây ra như lao, lậu cầu, phế cầu... có thể điều trị nội khoa.
  • Viêm phúc mạc toàn thể thứ phát: tổn thương những tạng trong phúc mạc hoặc cạnh phúc mạc, khi vỡ sẽ đổ vào trong phúc mạc gây viêm: viêm ruột thừa, thủng ổ loét dạ dày tá tràng, viêm phúc mạc mật hoặc viêm phúc mạc do chấn thương bụng, vết thương ở bụng. Viêm thứ phát thường do nhiều loại vi khuẩn gây ra, diễn biến cấp tính và thường gặp, cần phải mổ cấp cứu.

Viêm phúc mạc toàn thể là nguyên nhân gây viêm ruột thừa
Viêm phúc mạc toàn thể là nguyên nhân gây viêm ruột thừa

4. Viêm phúc mạc khu trú là gì?

Đây là tình trạng bệnh mà tác nhân gây viêm được bao bọc lại, không lan tràn ra khắp phúc mạc. Viêm khu trú dễ tạo thành những ổ mủ bên trong ổ bụng hay còn gọi là áp xe trong ổ bụng, thường xử trí bằng dẫn lưu ổ áp xe.

Viêm khu trú thường là giai đoạn đầu của viêm toàn thể hoặc là hậu quả của các ổ áp-xe ổ bụng như: áp-xe dưới cơ hoành, áp-xe Douglas, áp-xe ruột thừa.

5. Biến chứng viêm phúc mạc

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới các tình trạng nguy hiểm hơn như: Sốc nhiễm trùng và nhiễm trùng huyết..., tình trạng này có thể nhanh chóng trở nên nguy hiểm tính mạng.


Nhiễm trùng huyết là 1 trong các biến chứng viêm phúc mạc
Nhiễm trùng huyết là 1 trong các biến chứng viêm phúc mạc

6. Lựa chọn điều trị để ngăn ngừa biến chứng

Đây là một tình trạng cấp cứu, cần được tiến hành điều trị tại bệnh viện. Viêm phúc mạc tiên phát khi được chẩn đoán nguyên nhân chính xác thì chỉ cần điều trị nội khoa bằng thuốc. Viêm phúc mạc cấp tính thứ phát cần phải điều trị ngoại khoa cấp cứu, không nên kéo dài thời gian trước phẫu thuật.

  • Thuốc kháng sinh: Thuốc có thể được đưa trực tiếp vào máu bằng tiêm tĩnh mạch. Thông thường bệnh nhân sẽ được sử dụng kháng sinh phổ rộng trước khi chờ kết quả xét nghiệm xác định nguyên nhân gây viêm. Nếu kháng sinh phổ rộng không cho tác dụng mong muốn, bác sĩ có thể sử dụng kháng sinh phổ hẹp đúng theo kết quả xét nghiệm kháng sinh.
  • Phẫu thuật: Bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật giải quyết nguyên nhân hoặc tiến hành chọc tháo mủ trong trường hợp cần thiết, sau khi cân nhắc lợi ích và nguy cơ. Nguyên tắc mổ là: đường mổ rộng, mở thành bụng một lớp, loại trừ nguyên nhân, làm sạch ổ bụng, dẫn lưu ổ bụng khi cần thiết, đóng bụng 1 lớp để hở da (thường áp dụng trong viêm nặng và viêm do tạp khuẩn).
  • Liệu pháp hỗ trợ rộng hơn bao gồm: hỗ trợ sinh hoạt, hỗ trợ chế độ ăn uống, truyền dịch - điện giải để bù nước - điện giải, điều chỉnh thăng bằng kiềm toan (Natribicarbonat), đảm bảo hô hấp, hạ nhiệt ...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe