Phân biệt suy giáp bẩm sinh và suy giáp mắc phải thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ! Cho em hỏi làm sao để phân biệt được trẻ bị suy giáp bẩm sinh và suy giáp mắc phải? Trẻ có thể bị suy giáp từ lúc nào? Em xét nghiệm máu mới phát hiện là do đâu? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.

Câu hỏi ẩn danh

Trả lời

Chào bạn!

Suy giáp gồm 2 loại: Bẩm sinh ở trẻ em và suy giáp mắc phải ở người lớn.

1. Suy giáp bẩm sinh

Suy giáp bẩm sinh là bệnh lý gây ra bởi thiếu hụt hormone tuyến giáp. Bẩm sinh tức là sinh ra đã mắc rồi, tuy nhiên tùy mức độ nặng hay nhẹ của bệnh mà biểu hiện sớm hay muộn.

Hiện nay có thể phát hiện bệnh sớm, ngay sau sinh bằng các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh. Các trường hợp được chẩn đoán muộn hơn thường là có các dấu hiệu chỉ điểm của bệnh sau đó mới được xét nghiệm chẩn đoán: Các biểu hiện của suy giáp bẩm sinh:

  • Giai đoạn sơ sinh: Tiền sử thai già tháng, chậm phân su (chưa ỉa phân su sau 24 giờ sau sinh), ngủ nhiều, ít vận động, ít quấy khóc, vàng da kéo dài, chậm lên cân, chân tay lạnh.
  • Giai đoạn sau sơ sinh và trẻ nhỏ: Chậm tăng cân và chiều cao, kém linh hoạt, chậm tiếp thu, chân tay lạnh.

2. Suy giáp ở người lớn

Suy giáp mắc phải ở người lớn là bệnh nội tiết gây suy giảm hormone tuyến giáp.

  • Nguyên nhân thường gặp là do: Teo tuyến giáp, viêm tuyến giáp tự miễn, sau điều trị cường giáp.
  • Triệu chứng của suy giáp nhẹ thường không rõ ràng: ăn không ngon, táo bón, da xanh hoặc khô, giảm trí nhớ, giọng khàn, đau khớp hoặc đau cơ, giảm nhu cầu tình dục.
  • Biểu hiện suy giáp nặng: Lưỡi phình to, phù toàn thân, da sậm và xù xì.

Bạn xét nghiệm mới phát hiện suy giáp thì có thể bạn chưa có biểu hiện lâm sang, giai đoạn sớm.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng Hệ thống Y tế Vinmec, rất mong có thể gặp trực tiếp bạn để có thể được tư vấn kỹ càng hơn. Trân trọng!

Được tư vấn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe