Đau dạ dày cấp tính là một khái niệm không còn xa lạ với nhiều người, tuy nhiên không phải ai cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng nó. Vậy phải làm gì khi bị đau dạ dày cấp?
1. Nguyên nhân gây đau dạ dày cấp là gì?
Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 1,5 tỷ người là có các cơn đau dạ cấp. Trong đó, những bệnh nhân ở độ tuổi trung niên là đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất.
Đau dạ dày cấp là tình trạng xuất hiện các ổ viêm loét ở niêm mạc dạ dày. Theo thời gian vết viêm loét sẽ lan rộng và ăn sâu hơn khiến bệnh nhân có cảm giác khó chịu, đau buốt ở vùng bụng. Khi bị đau dạ dày, 3 vị trí cơn đau xuất hiện phổ biến nhất là vùng thượng vị, vùng bụng giữa và vùng bụng dưới bên trái. Đau dạ dày cấp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
1.1. Nhiễm vi sinh vật gây đau dạ dày
Đau dạ dày cấp có thể xảy ra do sự hoạt động mạnh mẽ của các loài vi sinh vật hoặc nấm có hại bên trong dạ dày. Nếu gặp điều kiện thích hợp, các loại vi khuẩn hoặc vi nấm này có thể phát triển mạnh mẽ và gây nên tình trạng viêm loét dạ dày. Đặc biệt, vi khuẩn HP chính là tác nhân gây viêm dạ dày thường gặp nhất.
1.2. Chế độ ăn uống không hợp lý
Thói quen ăn uống thiếu khoa học là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng viêm loét và các cơn đau dạ dày cấp. Nhiều người thường xuyên ăn uống không đúng giờ, thiếu bữa, sử dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn cay nóng. Ngoài ra, việc sử dụng các thực phẩm không đảm bảo chất lượng, thực phẩm ôi thiu hoặc các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá,... cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.
1.3. Nguyên nhân tâm lý
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người thường xuyên phải làm việc căng thẳng, áp lực sẽ dễ mắc phải các bệnh lý về dạ dày hơn những người bình thường. Đó là do khi con người căng thẳng hay bị stress, dạ dày thường hoạt động mạnh hơn, cơ thể cũng tăng cường sản xuất một loại hormone gọi là glucocorticoid, làm tăng tiết acid dạ dày và dẫn tới tình trạng viêm loét dạ dày.
1.4. Sử dụng thuốc
Lạm dụng một số loại thuốc cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng đau dạ dày cấp. Các loại thuốc có nguy cơ gây viêm loét dạ dày như thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid (ví dụ như Ibuprofen, Aspirin, Ketoprofen); Corticoid,... Bệnh nhân cần lưu ý sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hỏi ý kiến nhân viên y tế trước khi dùng để phòng ngừa các tác dụng phụ bất lợi của thuốc.
2. Làm gì khi bị đau dạ dày cấp?
Đau dạ dày cấp là một tình trạng rất phổ biến nhưng nhiều người vẫn còn chủ quan, phớt lờ các triệu chứng và không thăm khám tại cơ sở y tế. Nếu không điều trị sớm, bệnh nhân có thể phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh lý dạ dày mãn tính, thậm chí là các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày. Dưới đây là một số cách xứ trí khi có cơn đau dạ dày cấp:
- Khi có các cơn đau thượng vị, bệnh nhân cần đi khám càng sớm càng tốt để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Điều trị trước hết là điều trị triệu chứng, nhất là giảm đau, kháng viêm, chống tiết acid dịch vị và chống nôn. Nếu bệnh nhân đau dạ dày nghi do ngộ độc thực phẩm thì cần điều trị càng sớm càng tốt.
- Một số trường hợp nặng, cơn đau dữ dội, nôn ói kèm theo dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa, bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay lập tức để được xử trí cấp cứu cơn đau dạ dày cấp.
- Trường hợp viêm dạ dày do vi khuẩn, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng các loại kháng sinh phù hợp. Hiện nay, có nhiều phác đồ điều trị vi khuẩn HP tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân. Các phác đồ Hp thường phải dùng nhiều thuốc, thời gian điều trị kéo dài do đó có thể gây bất tiện cho bệnh nhân và khiến bệnh nhân tuân thủ điều trị kém. Tuy nhiên bệnh nhân lưu ý cần điều trị theo đúng phác đồ, không được tự ý ngưng thuốc hay thay đổi phác đồ vì có thể khiến vi khuẩn đề kháng kháng sinh và trong tương lai sẽ rất khó điều trị.
- Nếu nghi ngờ đau dạ dày do sử dụng thuốc, bệnh nhân nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn phù hợp.
- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, dùng thêm vitamin, đặc biệt là vitamin B12.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: không ăn thức ăn quá chua, cay, hạn chế uống rượu, bia. Nên ăn đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ
- Cần nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng quá mức
- Không nên thức khuya (quá 23h) và cũng không nên thức dậy quá sớm (trước 5h00).
- Nếu trong gia đình có người thân bị bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn HP, các dụng cụ dùng trong ăn uống hàng ngày nên rửa sạch sẽ, sát trùng bằng nước nước đun sôi do vi khuẩn HP có thể lây theo đường ăn uống.
Tóm lại, đau dạ dày có do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Để hạn chế các cơn đau dạ dày cấp, bệnh nhân nên xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống vệ sinh, khoa học và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của nhân viên y tế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.