Để ngăn ngừa việc nhiễm bệnh dại và biến chứng gây tử vong, cách tốt là tiêm vắc-xin theo phác đồ tiêm phòng dại để điều trị dự phòng tùy theo tình trạng con vật, tình trạng vết thương, lịch sử tiêm chủng trước đó của người bệnh.
1. Phác đồ tiêm phòng dại - Tiêm bắp
Vắc-xin Verorab là vắc-xin tiêm phòng bệnh dại được chỉ định để phòng ngừa bệnh dại ở trẻ em và người lớn. Có thể dùng vắc-xin Verorab trước hoặc sau khi phơi nhiễm, để tiêm ngừa cơ bản hoặc tiêm nhắc lại.
Tiêm phòng dại mấy mũi?
Để tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh dại, người ta sử dụng phác đồ Essen theo quy tắc sau:
- Đối tượng chưa tiêm dự phòng: tiêm 05 mũi Verorab (0.5ml/liều) vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28. Đối với trường hợp phơi nhiễm độ III cần phối hợp tiêm Immunoglobulin dại kết hợp.
- Đối tượng đã tiêm dự phòng trong 5 năm gần đây: tiêm 02 liều vào ngày 0 và 3.
- Đối tượng đã tiêm dự phòng không đều hay quá 5 năm: tiêm 05 mũi vào các ngày 0,3,7,14,28 và có thể tiêm thêm Immunoglobulin.
2. Phác đồ tiêm phòng dại - Tiêm trong da
Để áp dụng phác đồ tiêm trong da phòng bệnh dại, cần sử dụng liều 0.1ml vắc-xin hoàn nguyên.
Đối tượng chưa tiêm dự phòng: tuân thủ phác đồ “2-2-2-0-1-1”:
- Tiêm 02 mũi tiêm trong da vào 2 vị trí khác nhau vào các ngày 0,3,7.
- Tiêm 01 mũi tiêm trong da tại một vị trí vào các ngày 28 (hoặc 30) và ngày 90.
Đối tượng đã tiêm dự phòng: tiêm khẩn cấp 0.1ml vào các ngày 0 và 3.
- Kỹ thuật tiêm trong da phải được thực hiện theo đúng quy chuẩn, tránh tiêm dưới da.
- Sử dụng bơm kim tiêm riêng để tránh lây nhiễm.
Lưu ý: Không được tiêm trong da ở những trường hợp sau:
- Người đang điều trị dài ngày bằng các thuốc ức chế miễn dịch (bao gồm cả corticoid) và thuốc Chloroquin cần được cân nhắc và tư vấn kỹ lưỡng về việc tiêm Verorab.
- Người bị khiếm khuyết miễn dịch.
- Trẻ em hoặc người có vết cắn nặng phần đầu, cổ, hay đến khám quá trễ sau khi bị thương.
3. Lưu ý khi tiêm vắc-xin
Tác dụng phụ (nếu có) khi tiêm vắc-xin Verorab
- Phản ứng tại chỗ tiêm: sưng, tấy đỏ, ngứa, đau tại vị trí tiêm, suy nhược, triệu chứng giả cúm.
- Phản ứng toàn thân: mệt mỏi, nhức đầu, đau đầu, có thể sốt, run rẩy, ngất. Người bệnh có thể có các phản ứng đau nhức xương khớp, đau cơ hay rối loạn dạ dày, ruột (đau bụng, buồn nôn).
- Trong một số trường hợp hiếm gặp có thể bị sốc phản vệ.
Các trường hợp cần cẩn trọng
- Những người bị dị ứng với neomycin. Tránh tiêm cùng vị trí hay chung bơm tiêm vắc-xin và immunoglobulin.
- Lưu ý không tiêm vắc-xin vào trong lòng mạch máu.
- Đối với phụ nữ có thai và cho con bú: nếu tiêm dự phòng trước phơi nhiễm thì nên trì hoãn lịch tiêm. Nếu tiêm dự phòng sau phơi nhiễm thì đối tượng này không thuộc chống chỉ định vì bệnh dại có thể tiến triển nguy hiểm.
- Nên hoãn lịch tiêm đối với những trường hợp người bệnh bị sốt hay bị bệnh cấp tính.
4. Tiêm phòng dại ở đâu?
Điều cơ bản là việc tiêm vắc-xin Verorab bằng đường tiêm trong da chỉ được phép thực hiện bởi nhân viên y tế đã được tập huấn về kỹ thuật tiêm trong da để đảm bảo rằng vắc-xin được tiêm vào trong da chứ không phải là tiêm dưới da. Do vậy người bệnh nên tìm đến các trung tâm, cơ sở chuyên khoa uy tín để thực hiện tiêm phòng dại theo đúng phác đồ tiêu chuẩn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.