Phác đồ điều trị và xử trí cấp cứu ho ra máu

Ho ra máu có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Nếu tình trạng ho ra máu nhiều mà không được điều trị kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Vậy phác đồ điều trị ho ra máu như thế nào cho hiệu quả, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Ho ra máu là như thế nào?

Ho ra máu là một cấp cứu nội khoa và máu từ đường hô hấp dưới (vùng dưới thanh môn) được ho, khạc, trào hoặc ộc ra ngoài qua đường miệng mũi.

Ho ra máu có thể là một dấu hiệu liên quan tới nhiều bệnh lý như: phổi, phế quản (nhiễm khuẩn, ung thư), bệnh lý tim mạch, các bệnh tự miễn, chấn thương lồng ngực, độc tố hoặc dị vật đường hô hấp dưới. Ngoài ra, ho ra máu cũng có thể là biến chứng của một số thủ thuật can thiệp ở phế quản - phổi.

2. Phân loại ho ra máu

Dựa vào số lượng máu khạc ra, người ta phân loại ho ra máu như sau:

  • Ho ra máu nhẹ: Dưới 50 ml/24 giờ. Ho ra máu loại nhẹ chiếm đa số những bệnh nhân ho ra máu.
  • Ho ra máu trung bình: Lượng máu từ 50 - 200 ml/ 24 giờ.
  • Ho ra máu nặng: Trên 200 ml/ 24 giờ hoặc ho ra một lượng máu lớn đủ để gây rối loạn trao đổi khí do tắc nghẽn.
  • Ho ra máu sét đánh (ho ra máu rất nặng): Là tình trạng máu chảy ồ ạt tràn ngập 2 phổi gây ngạt thở và tử vong nhanh chóng.

3. Chẩn đoán ho ra máu

Để chẩn đoán ho ra máu thì cần kết hợp khám lâm sàng toàn diện, với chụp Xquang phổi để định hướng chẩn đoán. Nếu cần thiết phải chụp Xquang phổi ngay tại giường của bệnh nhân.

Khám tai - mũi - họng để loại trừ nguy cơ chảy máu ở vùng mũi - hầu. Soi phế quản ống mềm để phát hiện vị trí chảy máu trong lòng phế quản, có thể kết hợp với nội soi cầm máu khi cần thiết.

Chụp cắt lớp vi tính với độ phân giải cao nhằm giúp chẩn đoán vị trí giãn phế quản, u phổi và hang lao là những nguyên nhân có thể gây ho ra máu.

Chụp động mạch phế quản được chỉ định trong trường hợp ho ra máu nặng để phát hiện các động mạch phế quản bị giãn và có chỉ định bít tắc động mạch phế quản bị giãn nhằm điều trị ho ra máu.

Xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao, nấm Aspergillus và sán lá phổi, tìm tế bào ung thư là những nguyên nhân gây ho ra máu.

Xét nghiệm máu: Công thức máu, đông máu cơ bản và sinh hóa máu để đánh giá mức độ thiếu máu, bệnh lý về máu, bệnh lý gan, thận có thể gây ra ho máu.

4. Phác đồ điều trị ho ra máu

4.1. Nguyên tắc chung khi điều trị ho ra máu

  • Phải được làm các thăm dò chẩn đoán và điều trị sớm tình trạng ho ra máu tại bệnh viện.
  • Đồng thời cần phải điều trị cầm máu và điều trị nguyên nhân.
  • Khai thông đường hô hấp, đảm bảo thông khí phế nang: hút máu và các chất tiết trong đường hô hấp. Đặt nội khí quản, mở khí quản, thở máy, thở oxy nếu có suy hô hấp nặng.
  • Bồi phụ khối lượng tuần hoàn: Truyền máu để bù đủ lượng máu mất, đảm bảo khối lượng tuần hoàn và bồi phụ điện giải...
  • Thở oxy tùy theo mức độ khó thở và mức độ giảm Sp02.
  • Nằm nghỉ tuyệt đối ở nơi yên tĩnh và cần tránh vận động mạnh. Bệnh nhân ho ra máu nặng khi ổn định thì cho nằm nghiêng về bên phổi tổn thương để đề phòng nguy cơ sặc máu vào bên phổi lành.
  • Thực hiện chế độ ăn lỏng và uống nước mát lạnh.
  • Dùng kháng sinh phòng bội nhiễm.

4.2. Ho ra máu và cách điều trị

Tùy vào từng mức độ ho ra máu và sức khỏe cụ thể của người bệnh mà có thể áp dụng phác đồ điều trị ho ra máu như sau:

  • Bất động hộ lý tốt: Để cho bệnh nhân nằm bất động trong phòng yên tĩnh. Cần phải đặt bệnh nhân nằm đầu thấp và nghiêng mặt về bên phổi bị tổn thương để tránh máu chảy ra từ bên phổi tổn thương sang bên phổi lành làm bít tắc phế quản và gây suy hô hấp cấp và tử vong. Cần đo nhiệt độ, mạch, huyết áp và lấy máu làm xét nghiệm công thức máu. Cho bệnh nhân ăn lỏng, nguội, tránh để bệnh nhân bị sặc.
  • Giảm ho an thần: Dùng các thuốc an thần như Gardenal, seduxen ở dạng viên hay dạng tiêm tùy thuộc vào mức độ ho ra máu và tình trạng hô hấp của bệnh nhân. Thuốc an thần có tác dụng giúp người bệnh ổn định tinh thần và giảm phản xạ ho. Chú ý không nên dùng thuốc an thần quá nhiều, kéo dài vì có thể làm ức chế phản xạ ho và hô hấp.
  • Dùng thuốc cầm máu, truyền máu: Hiện nay, thường dùng các thuốc như transamin, cyclonamine giúp tác động đến quá trình đông máu, làm chậm tiêu sợi tơ huyết. Thuốc đông y cũng được sử dụng điều trị cầm máu như: cỏ nhọ nồi, trắc bách diệp, tam thất nam sao đen... đều có tác dụng cầm máu nhẹ.
  • Điều trị nguyên nhân ho ra máu: Ho ra máu do nhiều nguyên nhân gây nên, vì thế ngoài điều trị cầm máu thì tùy thuộc vào nguyên nhân mà điều trị. Chẳng hạn nguyên nhân ho ra máu do lao thì dùng thuốc chống lao, nguyên nhân do vi khuẩn thì dùng kháng sinh thích hợp với từng loại vi khuẩn. Còn các nguyên nhân ho ra máu do ung thư, giãn phế quản, nấm thì có thể phẫu thuật loại bỏ nguyên nhân.
  • Dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn: Trong ho ra máu thường sẽ có máu đọng trong lòng phế quản - phế nang. Đây là môi trường rất tốt cho vi khuẩn phát triển nên cần phải dùng kháng sinh điều trị để đề phòng bội nhiễm.
  • Điều trị toàn thân và điều trị triệu chứng: Bệnh nhân nếu có suy hô hấp, trụy tim mạch thì cần phải hút đờm và máu cục trong lòng phế quản để làm lưu thông đường thở. Cho thở oxy, dùng thuốc trợ tim mạch và khi cần có thể đặt nội khí quản thở máy.

4.3. Một số cách điều trị ho ra máu khác

Ngoài các phương pháp trên, thì một số phương pháp khác được sử dụng điều trị ho ra máu như:

  • Điều trị nội soi: Phải lưu thông đường thở nhằm đề phòng cục máu ứ đọng trong phổi gây ngạt thở hoặc xẹp phổi. Dùng ống soi phế quản hoặc đặt ống nội khí quản để hút máu và giải phóng máu cục nếu bị xẹp ở một bên phổi.
  • Xử trí cấp cứu ho ra máu: Chỉ thực hiện được ở khoa phẫu thuật lồng ngực khi các biện pháp xử trí nội khoa thất bại. Có thể mở lồng ngực thắt mạch máu để cấp cứu hoặc cắt bỏ thùy phổi bị tổn thương chảy máu.

4.4. Xử trí ho ra máu nặng

Bệnh nhân ho ra máu nặng thì cần để bệnh nhân nằm bất động tuyệt đối, không được di chuyển bệnh nhân.

Khi đang ra máu thì cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng về bên phổi có tổn thương chảy máu và đầu thấp hơn ngực. Cần có chế độ ăn lỏng hoàn toàn và nguội.

Thở oxy lưu lượng từ 2 - 3l/phút và nếu cần thì cho thở liên tục bằng ống thông qua lỗ mũi.

Dùng mocphin (nếu không có suy hô hấp) hoặc gardenal hoặc seduxen dạng tiêm. Có thể cho bệnh nhân ngủ nhẹ bằng Cocktail Lytic (gardenal, aminazin, pipolphen) nhưng ở liều nhỏ.

Cho các thuốc cầm máu, chống trụy tim mạch, cho kháng sinh chống bội nhiễm. Còn nếu nguy cơ có suy hô hấp trụy tim mạch thì cần được điều trị tại khoa hồi sức.

Trên đây là những thông tin về tình trạng ho ra máu và phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu ho ra máu mà mọi người có thể tham khảo. Tuy nhiên, nếu gặp phải tình trạng này thì người bệnh không được tự ý điều trị bằng bất kỳ phương pháp nào. Thay vào đó hãy đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có phác đồ điều trị ho ra máu hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe