Thuốc Opzen là thuốc không kê đơn, dùng để tan máu bầm và tiêu viêm khá hiệu quả. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc Opzen, người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về thuốc Opzen trong bài viết dưới đây.
1. Công dụng thuốc Opzen là gì?
1.1. Thuốc Opzen là thuốc gì?
Thuốc Opzen thuộc nhóm thuốc có nguồn gốc Thảo dược, Động vật; có số đăng ký VD-3433-07, do Công ty cổ phần Dược phẩm OPC sản xuất.
Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang cứng hình con nhộng màu nâu, vỉ 10 viên, hộp 5 vỉ. Với thành phần chính là tô mộc và tá dược (Lactose, Tinh bột, magnesi stearat...)
Thuốc Opzen được khuyến cáo sử dụng được cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
1.2. Thuốc Opzen có tác dụng gì?
Trong cao tô mộc có chứa một lượng lớn các hợp chất như Flavonoid (bromelain, brazilin, 3-O-methyl brazilin), các dẫn chất chalcon (isoliquiritigenin, 3-deoxy sappanchalcone, 4-O-methyl sappanol); các hormon isoflavonoid (3-deoxy-4-O-methyl sappanol, sappanon B) và các dẫn chất khác như protosappanin A dimethylaccetal, protosappanin A-E, isoprotosappanin B, neosappanon A, protosappanin E-2, neoprotosappanin, lyoniresinol acid palmitic, protosappanin C dimethyl acetal, tanin, acid gallic. Những chất này đã tạo nên tác dụng của cao tô mộc cũng như của thuốc Viên tiêu sưng giảm đau Opzen bao gồm: tác dụng ức chế mạnh enzyme xanthine oxidase, ức chế miễn dịch mạnh, bảo vệ tế bào thần kinh chống lại stress gây ra bởi glutamate.
Thêm nữa, Cao tô mộc còn có tác dụng làm tăng và kéo dài thời gian tác dụng của các hormon vỏ thượng thận, tác dụng đối kháng với strychnin - một chất có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh.
Đặc biệt, cao tô mộc còn giúp làm tiêu huyết ứ, cải thiện tuần hoàn máu, giảm viêm và giảm đau.
Thuốc Opzen được chỉ định trong những trường hợp:
- Điều trị các chứng phù nề sau phẫu thuật hay do chấn thương, vết loét, áp xe.
- Làm tan các vết tụ máu, bầm tím dưới da, chấn thương do va đập mạnh hay chơi thể thao.Opzen
- Các bệnh lý trong bong gân như bong gân mắt cá chân, bong gân khớp cổ chân, khớp bị sưng, các dây chằng giữa các khớp bị giãn hoặc rách, bầm tím vùng khớp bị chấn thương,...
Chống chỉ định:
- Bệnh nhân dị ứng với thành phần chính tô mộc hay bất kỳ thành phần tanin, sappanin, acid galic, magnesi stearat, brazilian của thuốc
- Phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai vì thành phần của cao tô mộc trong thuốc làm tăng co bóp tử cung, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thai nhi hoặc dẫn đến sảy thai.
- Người bị huyết hư không ứ trệ với các biểu hiện như chóng mặt, đau đầu, mất ngủ dẫn đến mệt mỏi, kiệt sức.
- Người đang bị xuất huyết như xuất huyết dạ dày, sốt xuất huyết.
2. Cách sử dụng của thuốc Opzen
Cách dùng thuốc Opzen:
- Thuốc Opzen dùng đường uống, nên uống thuốc vào lúc no (thường sau khi ăn khoảng 30 phút đến 1h). Uống nguyên cả viên, không bẻ, không nhai, không phá vỡ liên kết thuốc.
- Uống với một cốc nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội, không uống với sữa hay nước trái cây vì có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc.
- Không được uống thuốc khi bụng đói. Cũng không được dùng quá liều khuyến cáo.
Liều dùng của thuốc Opzen:
- Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Uống mỗi lần 2 viên. Ngày uống 2-3 lần (chia ba bữa sáng, trưa, tối).
- Trẻ em dưới 12 tuổi: Uống mỗi lần 1 viên. Ngày uống 2-3 lần (chia ba bữa sáng, trưa, tối).
Xử lý khi quên liều:
- Để thuốc phát huy được tác dụng tiêu viêm, tiêu sưng cố gắng không quên liều. Nếu lỡ quên liều thì phải uống ngay khi nhớ ra, quá xa thời gian uống thì bỏ qua liều đã quên và uống tiếp liều mới.
Xử trí khi quá liều:
- Không ghi nhận trường hợp quá liều khi uống Opzen. Tuy nhiên, nếu lỡ uống quá liều cần theo dõi các triệu chứng bất thường và kịp thời báo cho bác sĩ điều trị để có hướng xử trí kịp thời.
3. Lưu ý khi dùng thuốc Opzen
- Không dùng thuốc Opzen khi đã hết hạn sử dụng trên bao bì, thuốc bị đổi màu, nấm mốc, có mùi lạ, chảy nước.
- Đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Opzen đi kèm hộp thuốc trước khi sử dụng.
- Khi dùng hết một liệu trình theo chỉ định mà bệnh vẫn chưa khỏi người bệnh cần đi khám lại và thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Trẻ em, người già, người suy gan/ thận, lái xe, vận hành máy móc cần thận trọng khi dùng thuốc.
- Khi cho trẻ dùng thuốc cần có sự hướng dẫn và giám sát của người lớn.
- Dùng đúng liều quy định, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Không được tự ý tăng hay giảm liều theo ý muốn cá nhân.
- Phụ nữ cho con bú có thể dùng Viên tiêu sưng giảm đau OP.ZEN.
4. Tác dụng phụ của thuốc Opzen
Sau khi uống thuốc Opzen, tác dụng không mong muốn ít gặp, có thể gặp một số các dấu hiệu trên tiêu hóa, thần kinh, da, niêm mạc như:
- Trên tiêu hoá: Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, ói mửa, mệt mỏi, chán ăn.
- Trên thần kinh: Hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi.
- Trên da và niêm mạc: Dị ứng, ngứa, mẩn đỏ, phù.
5. Tương tác thuốc Opzen
- Hiện nay, vẫn chưa có báo cáo hay dữ liệu từ lâm sàng nào về tương tác của Opzen với các thuốc hay thực phẩm khác. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra tương tác giữa Opzen với các thuốc, thực phẩm chức năng, các vị dược liệu, thực phẩm khác.
- Để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc, hiệu quả trong điều trị cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc mình sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn dùng thêm bất kỳ một loại thực phẩm hay thuốc nào.
6. Cách bảo quản thuốc Opzen
- Thời gian bảo quản thuốc Opzen là 2 năm kể từ ngày sản xuất. Thuốc cần được bảo quản ở nơi mát khô, tránh những nơi ẩm mốc, nhiệt độ phù hợp từ 15-30 độ C, độ ẩm không vượt quá 75%.
- Không bảo quản thuốc trong tủ đá hay tủ đông.
- Tránh để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào vỉ thuốc vì có thể làm biến đổi hoạt tính ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
- Tránh xa tầm tay trẻ em, không cho trẻ chơi đùa vì có thể nuốt phải thuốc gây nguy hiểm.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Opzen, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng.