Ốm trong thời kỳ đầu mang thai có ảnh hưởng gì đến thai nhi?

Hỏi

Chào bác sĩ! Năm nay em 28 tuổi, sinh mổ bé gái đầu ngày 09/01/2019. Hiện em có thai được 5 tuần. Em bị hắt hơi, sổ mũi và ho trong tháng đầu. Em không có sử dụng thuốc gì. Vậy bác sĩ cho em hỏi em có nên giữ để sinh em bé khi mới mổ để được 1 năm không ạ? Nếu để việc em bị ốm trong thời kỳ đầu mang thai liệu có ảnh hưởng gì đến thai nhi không ạ? (Hiện em tại nặng 38kg, cao 1m52). Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.

Nguyễn Thị Mây (1992)

Trả lời

Chào bạn! So với sinh thường, sinh mổ để lại vết thương trên thành bụng và tử cung, cần nhiều thời gian để bình phục hơn so với sinh thường. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế thì bạn nên đợi sau 2 năm đẻ mổ lần đầu tiên thì mới nên có thai trở lại.

Có rất nhiều lý do để bạn cần giữ khoảng cách tối thiểu giữa 2 lần sinh là như vậy. Đây là khoảng thời gian hợp lý để vết mổ ở tử cung trong lần mổ đầu hoàn toàn bình phục và sức khỏe của người mẹ cũng được đảm bảo trong lần mang thai kế tiếp.

Nếu không đảm bảo được khoảng thời gian này, sản phụ và thai nhi sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng. Các nguy có có thể xảy ra: Rạn vỡ vết mổ cũ, rau bám ở vị trí bất thường, đặc biệt là rau cài răng lược phải cắt tử cung, truyền máu rất nhiều, thai nhi có nguy cơ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng...

Hắt hơi, sổ mũi là phản ứng của cơ thể trước những thay đổi của thời tiết như mưa, nắng thất thường, khí hậu nóng ẩm đột ngột. Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu mang thai, hệ miễn dịch của mẹ bầu suy yếu dần nên tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn tấn công gây nên triệu chứng hắt hơi, sổ mũi.

Bên cạnh đó, trong 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu luôn trong trạng thái mệt mỏi do hiện tượng ốm nghén hành hạ nên càng dễ tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng, ho, hắt hơi, sổ mũi xuất hiện. Mẹ bầu bị hắt hơi, sổ mũi không kèm theo sốt, ho hay nôn ói thì có thể mẹ chỉ bị dị ứng thời tiết, cảm lạnh thông thường hoặc viêm mũi dị ứng.

Những vấn đề này không làm ảnh hưởng đến thai nhi mà chỉ làm mẹ bầu mệt mỏi, khó chịu. Lúc này, mẹ cần có những biện pháp chủ động phòng tránh và luôn giữ ấm cơ thể thì tình trạng sẽ cải thiện hơn.

Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị hắt hơi, sổ mũi kèm theo việc bị sốt cao, nôn ói, đau họng, cơ thể mệt mỏi thì mẹ bầu có nhiều nguy cơ bị mắc bệnh cúm mùa. Bệnh này nếu phát triển nặng thì tình trạng sốt cao, nhiễm khuẩn và nhiễm độc do virus gây ra thì có khả năng gây sảy thai sớm hay thai bị lưu.

Lúc này, mẹ bầu nên theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng cách khám thai và siêu âm 2 tuần/lần trong 2 tháng đầu và tiếp tục khám thai định kỳ sau đó. Bên cạnh đó cần thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, virus cảm cúm có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch, hội chứng down,... Việc sử dụng thuốc trị sổ mũi trong thời kỳ mang thai rất hạn chế và cần có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ. Bởi việc uống thuốc khi mang thai 3 tháng đầu rất nguy hiểm.

Các loại thuốc đều có tác dụng phụ và có thể gây dị tật thai nhi. Thay vào đó, khi bị sổ mũi, mẹ bầu có thể sử dụng một số biện pháp đơn giản sau để giảm bớt triệu chứng:

  • Dùng nước muối sinh lý (hoặc nước muối biển) rửa sạch mũi, xì cho ra hết chất nhầy ở mũi.
  • Khi xì mũi, tốt nhất mẹ nên dùng khăn giấy mềm để lau, tránh làm cọ sát vào mũi gây rát.
  • Không được xì mũi quá mạnh để tránh làm tổn hại đến màng nhĩ (động tác này làm tăng đột ngột áp lực trong tai, dễ gây rách màng nhĩ).
  • Ăn nhiều tỏi hoặc có thể dùng nước ép tỏi nhỏ mũi để làm mũi dễ chịu hơn.
  • Ăn nhiều các loại thực phẩm giàu vitamin C như ổi, bưởi, cam quýt để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Nếu tình trạng hắt hơi, sổ mũi kéo dài kèm theo những biểu hiện sốt, nhiễm khuẩn, cơ thể mỏi mệt thì mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

Do 2 lần mang thai gần nhau nên bạn nên đi khám thai tại các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín để được các bác sĩ thăm khám, định kỳ theo dõi các dấu hiệu bất thường trong quá trình mang thai để có những can thiệp phù hợp nhé.

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Hệ thống Y Tế Vinmec. Trân trọng!

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe