Mùi của nước tiểu có thể bị ảnh hưởng bởi thức ăn và tình trạng bệnh lý. Một số loại ung thư có thể khiến nước tiểu có mùi hôi, tuy nhiên bằng mũi thường của con người không thể nhận biết được. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy mùi hôi từ nước tiểu và lo lắng rằng liệu điều này có phải là dấu hiệu của bệnh ung thư không? Bạn có thể yên tâm rằng ung thư không phải là nguyên nhân gây ra sự thay đổi này.
1. Nước tiểu có mùi hôi có phải là dấu hiệu của bệnh ung thư?
Mùi hôi của nước tiểu không phải là dấu hiệu bệnh ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ung thư phát ra một mùi cụ thể, chúng có thể được phát hiện bởi những chú chó đặc vụ, mũi của người bình thường không thể nhận biết được mùi hôi nước tiểu do bệnh ung thư gây ra.
Nếu như bạn nhận thấy nước tiểu có mùi hôi, mùi giống mùi lưu huỳnh, điều đó không có nghĩa là bạn bị bệnh ung thư, mà chúng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tiểu đường, nhiễm trùng đường tiết niệu...
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Điều gì có thể gây ra mùi hôi của nước tiểu?
Thận có vai trò lọc máu, loại bỏ các chất độc và các chất thải trong máu vào nước tiểu. Vì vậy, nước tiểu thường bao gồm các chất cặn bã, các độc tố và các hợp chất như ure, creatinin, muối, axit uric. Nếu bạn uống nhiều nước, nồng độ các chất thải trong nước tiểu sẽ thấp hơn, từ đó mùi của nước tiểu sẽ giảm hơn so với khi bạn uống ít nước.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác có thể làm thay đổi mùi của nước tiểu như thuốc, tình trạng sức khỏe, thức ăn và đồ uống...
2.1. Mất nước
Lượng nước cung cấp cho cơ thể không đủ là nguyên nhân làm cho nước tiểu có mùi hôi tanh hơn so với bình thường. Khi bạn bị mất nước, nước tiểu thải ra cũng ít hơn, làm tăng nồng độ các chất thải, khiến cho nước tiểu có mùi như mùi của lưu huỳnh hoặc amoniac.
2.2. Bệnh tiểu đường
Người mắc bệnh tiểu đường có lượng glucose máu tăng cao vượt mức thông thường, một lượng glucose sẽ bị đào thải vào nước tiểu làm nước tiểu có mùi ngọt hoặc mùi trái cây.
Trong một số trường hợp, mùi nước tiểu ngọt cũng gợi ý nguyên nhân ban đầu về bệnh tiểu đường, vì vậy người bệnh nên đi khám để được xét nghiệm chính xác.
2.3. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng do vi khuẩn ở đường tiết niệu có thể khiến cho nước tiểu có mùi khó chịu. Nhiễm trùng do vi khuẩn xảy ra ở bàng quang, thận, niệu đạo hoặc niệu quản. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây đau khi đi tiểu.
Bệnh nhân nhiễm trùng đường tiết niệu thường có nước tiểu sẫm màu, đục hoặc có máu...
2.4. Viêm âm đạo do vi khuẩn
Viêm âm đạo làm cho nước tiểu có mùi hôi ở nữ, nguyên nhân do vi khuẩn gây ra và thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng âm đạo. Bệnh lý này làm cho dịch tiết âm đạo có mùi tanh, vì vậy nước tiểu của người bệnh có mùi hôi là do dịch âm đạo tiết ra khi đi tiểu.
2.5. Trichomonas
Bệnh Trichomonas lây truyền qua đường tình dục. Giống như viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm trùng roi trichomonas có thể làm thay đổi mùi của dịch tiết, khiến nước tiểu có mùi hôi ở nam giới và nữ giới.
2.6. Thức ăn
Một số thức ăn có thể làm thay đổi mùi nước tiểu của bạn, chẳng hạn như ăn măng tây làm nước tiểu có mùi như lưu huỳnh. Măng tây chứa acid asparagic, đây là một hợp chất của lưu huỳnh được bài tiết vào nước tiểu.
Các loại rau thuộc nhóm rau Allium cũng chứa lưu huỳnh và có thể làm thay đổi mùi nước tiểu ở một số người. Các loại rau này bao gồm:
- Hành
- Tỏi
- Hẹ
2.7. Thuốc và chất bổ sung
Các thuốc chứa gốc sulfat có thể làm cho nước tiểu có mùi giống như lưu huỳnh. Đây là các thuốc điều trị các bệnh như bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp. Chúng bao gồm các thuốc sau:
- Glyburide
- Sulfasalazine
- Kháng sinh nhóm Sulfonamide
Các chất bổ sung như vitamin B6 có thể làm cho nước tiểu có mùi hôi, đặc biệt trong trường hợp bạn uống nhiều hơn lượng khuyến cáo.
3. Nghiên cứu mới về mùi của bệnh ung thư
Người bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm sẽ có tỷ lệ sống cao và giảm được các cơn đau trong quá trình điều trị. Vì lý do đó, các nhà khoa học luôn nghiên cứu phương pháp có thể phát hiện và loại bỏ tế bào ung thư ở các giai đoạn đầu.
Mặc dù mũi con người không thể nhận biết được mùi của bệnh ung thư, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng ung thư phát ra một mùi hương đặc biệt. Nguyên nhân gây ra điều này vẫn chưa được chứng minh cụ thể. Các nhà khoa học cho rằng, mùi của ung thư có thể do nồng độ các phân tử có mùi hôi gọi là polyamine tăng cao hoặc do các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi.
Các nghiên cứu cũng phát hiện rằng, chó có thể được huấn luyện để nhận biết mùi một số loại ung thư thông qua nước tiểu, phân, hơi thở và mô trong khối u. Các loại ung thư có thể được phát hiện bằng mũi chó bao gồm:
Công nghệ mũi điện tử sử dụng cảm biến hóa học cũng đang được nghiên cứu như một công cụ chẩn đoán tiềm năng, không xâm lấn để phát hiện sớm ung thư và các bệnh khác.
4. Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?
Bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán trong trường hợp nước tiểu có mùi hôi kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Sốt
- Xuất hiện máu trong nước tiểu
- Nước tiểu đục
- Đau hoặc rát khi đi tiểu
- Đau bụng hoặc lưng dưới
- Đau hoặc áp lực vùng chậu
- Ngứa âm đạo
Như vậy, nước tiểu có mùi hôi không phải là triệu chứng hoặc dấu hiệu của bệnh ung thư. Tuy nhiên, nó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác như viêm đường tiết niệu, tiểu đường... Chính vì vậy, bạn nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com