Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Nôn ói không màu, ra máu, ra mật có thể xảy ra tự nhiên hoặc có chủ ý. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nôn ói và đây có thể là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, từ bệnh ít nguy hiểm cho tới nguy hiểm.
1. Nôn ói là gì?
Nôn ói là một tình trạng rối loạn tiêu hóa, tống xuất gắng sức toàn bộ hay một phần các chất có trong dạ dày đi ngược lên thực quản và thoát qua đường miệng hoặc đôi khi qua đường mũi để thoát ra ngoài. Nôn ói có thể xảy ra tự nhiên hoặc có chủ ý. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nôn ói và đây có thể là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, từ bệnh ít nguy hiểm cho tới nguy hiểm.
Có 2 dạng ói:
- Ói không màu: Ói ra dịch trắng trong không màu.
- Ói ra máu hay ói ra mật vàng: Chính là tình trạng nôn ói ra máu đỏ hoặc nâu, vàng qua miệng hay mũi và thường có nguồn gốc từ dạ dày, thực quản hay tá tràng.
Nôn ói có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, phụ nữ có thai hoặc những người bị bệnh về đường tiêu hóa, dạ dày có nguy cơ cao bị nôn ói hơn.
2. Nguyên nhân và triệu chứng ói không màu, ra máu, ra mật
Dựa vào một số triệu chứng cũng như tính chất của nôn ói, có thể chẩn đoán nguyên nhân gây ra ói. Cụ thể:
- Người bệnh ói thức ăn không tiêu: Đây có thể là dấu hiệu của giãn thực quản
- Ói ra máu: Trường hợp người bệnh ói ra máu thì có thể liên quan đến bệnh lý viêm dạ dày, viêm thực quản, loét dạ dày, vỡ tĩnh mạch thực quản... hay còn gọi chung là xuất huyết tiêu hóa.
- Khi ói lần đầu không có máu nhưng ói nhiều lần mới ra máu: Đây là dấu hiệu cảnh báo hội chứng Mallory Weiss.
- Ói ra mật vàng: Trong trường hợp người bệnh nôn ra mật vàng, có thể là dấu hiệu cảnh báo tắc ruột bẩm sinh hay mắc phải, xoắn ruột, xoay ruột bất toàn, u nang mạc treo hoặc bệnh Hirschsprung. Nếu người bệnh nôn ói kèm theo sốc cần nghĩ đến lồng ruột, tắc ruột phân su hoặc là xoắn ruột.
- Ói cũng có thể là do u tủy thượng thận, bệnh động kinh hoặc nếu có thêm triệu chứng đau rát thực quản thì do viêm thực quản.
- Trong trường hợp ói kèm khó nuốt thì đây là dấu hiệu bệnh lý thực quản.
- Ói kèm táo bón, chướng bụng có thể do tắc ruột.
- Một số người bị dị ứng thức ăn như sữa bò, đậu nành thì có thể nôn ói.
- Ói có liên quan đến bữa ăn như bệnh lý dạ dày tá tràng hoặc một phần do tâm lý sợ ăn uống.
- Những người bị ói kèm thêm tiêu chảy là dấu hiệu của viêm ruột, bán tắc ruột, ngộ độc thức ăn.
- Những người bị cao huyết áp, viêm họng, viêm đài bể thận, viêm phổi, viêm tụy cũng gây nên triệu chứng nôn ói.
Ngoài ra, ói có tính cách chu kỳ, nếu ói ra phân có thể người bệnh bị tắc ruột thấp; bị hẹp môn vị hay bệnh chuyển hóa thì sẽ ói mạnh thành vòi; trường hợp ói không có gắng sức là do trào ngược dạ dày thực quản và ói lúc sáng sớm có thể do tăng áp lực sọ não, có thai hoặc do viêm xoang.
3. Chẩn đoán ói không màu, ra máu, ra mật
3.1. Chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng
Hỏi bệnh:
- Hỏi người bệnh về đặc điểm của ói như: Ói từ khi nào? Trong ngày người bệnh ói mấy lần? Có ói tất cả mọi thứ ra không? Có nôn ói vọt không? Ói sau bữa ăn hay sau khi ho không? Ói ra cái gì, thức ăn cũ hay mới hay có nôn ói ra mật vàng, máu hay không? Khi ói có ra đàm nhớt hay ói ra dịch vàng, dịch xanh, máu tươi hay dịch ói là màu đen?
- Hỏi về hoàn cảnh tiền sử bệnh: Hỏi người bệnh hoặc người thân về tiền căn sơ sinh như thế nào? Chế độ nuôi dưỡng ra sao? Có bệnh cảnh nhiễm trùng nào kèm theo không? Khi nôn ói có bị tiêu chảy, đau bụng hay táo bón không? Trước đó có bị có chấn thương vùng đầu hay có uống thuốc gì không?
Khám lâm sàng:
- Để chẩn đoán nguyên nhân cần nhìn bụng xem bụng có chướng hay có dấu rắn bò cũng như vết mổ cũ không?
- Sau đó sờ bụng xem có khối u hay lồng hay khám có dấu đề kháng thành bụng không?
- Gan, lách như thế nào và khi thăm khám trực tràng có máu theo găng không?
- Gõ bụng để tìm dấu hiệu gõ đục vùng thấp cũng như khám tai mũi họng, phổi để tìm dấu hiệu bất thường.
- Khám tri giác, dấu thần kinh khu trú, tìm dấu tăng áp lực nội sọ và các dấu hiệu mất nước, nếu có dấu hiệu này gợi ý tình trạng ói cấp và nặng cần cấp cứu và điều trị kịp thời.
3.2. Chẩn đoán dựa trên cận lâm sàng
Các xét nghiệm cận lâm sàng cần tiến hành để chẩn đoán nguyên nhân gây ói ra máu, ra mật, không màu. Một số xét nghiệm thường được chỉ định như sau:
- Xét nghiệm huyết đồ.
- Xét nghiệm sinh hóa máu như: Ion đồ, ure, amylase, lipase, creatinin, khí máu, SGOT, SGPT, bilirubin.
- Soi phân tìm hồng cầu, bạch cầu và ký sinh trùng.
- Chụp X quang bụng thẳng không sửa soạn, siêu âm bụng khi nghi ngờ tắc ruột, lồng ruột.
- Chụp cản quang thực quản - dạ dày - tá tràng, phương pháp này nhằm tìm các dị dạng bẩm sinh.
- Sử dụng phương pháp chụp đại tràng bơm hơi hoặc có cản quang để chẩn đoán và điều trị lồng ruột, chẩn đoán Hirschsprung.
- Nội soi dạ dày tá tràng, đo nồng độ thuốc trong máu.
- Làm kháng thể kháng Gliadine nếu nghi ngờ bệnh gluten
- Trường hợp dị ứng thức ăn: kháng thể IgG kháng sữa bò.
4. Phương pháp điều trị
- Xử trí cấp cứu: Khi người bệnh bị ói, nên cho nằm đầu thấp và nghiêng một bên. Làm sạch mũi họng nếu người bệnh có ói ra mũi. Trong trường hợp là trẻ nhỏ, cần hút mũi, dốc ngược trẻ, vỗ lưng kích thích thở, đồng thời chuyển trẻ đến phòng cấp cứu gần nhất nếu sau khi ói trẻ không khóc, giảm trương lực cơ và tím tái.
- Điều trị nguyên nhân: Chẩn đoán và tìm nguyên nhân gây ói để điều trị. Bởi việc điều trị sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, mục tiêu chính của việc điều trị nôn ói chính là thay thế lượng chất lỏng hoặc chất điện giải đã mất khi người bệnh nôn ói.
- Điều trị nâng đỡ: Xét xét các biến chứng của ói như mất nước, mất điện giải, rối loạn kiềm toan, suy dinh dưỡng để điều trị. Nếu nguyên nhân do tâm lý thì cần điều trị tâm lý. Trường hợp ói ra mật vàng hay nghi ngờ tắc ruột thì cần tiến hành đặt sonde dạ dày để hút, nhịn ăn và nuôi ăn tĩnh mạch.
Tuy nhiên, các thuốc chống ói chỉ dùng khi ói chức năng nặng hoặc trong trường hợp người bệnh ói dai dẳng, say tàu xe, các rối loạn vận động đường tiêu hóa. Việc sử dụng thuốc cần có chỉ định từ bác sĩ.
Nôn ói không màu, ra máu, ra mật cần đi khám ngay để tìm kiếm nguyên nhân và điều trị sớm tránh biến chứng. Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec vui lòng đăng ký khám trực tuyến trên Website để được phục vụ tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.