Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Nhã Hiền - Bác sĩ Nội ung bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng việc đề cập tới bệnh ung thư với con cái là một việc làm hết sức khó khăn. Bởi vì họ sợ con trẻ sẽ thay đổi suy nghĩ và rơi vào những tình trạng tiêu cực khi biết cha mẹ hoặc bản thân chúng bị mắc ung thư.
1. Nên nói với con như thế nào khi trẻ bị mắc ung thư?
Hầu hết các bậc cha mẹ đều rất sợ hãi và lo lắng khi nghe tin con mình bị ung thư. Tại thời điểm này, cha mẹ không chỉ phải đối phó với nỗi sợ hãi và bối rối của chính mình mà còn phải đối mặt với nhiệm vụ giúp con họ hiểu về ung thư.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng họ có thể bảo vệ con mình bằng cách không nói cho con biết về căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, để con có thể chịu hợp tác với các xét nghiệm và phương pháp điều trị, bạn nên nói với con về loại ung thư mà con đang mắc phải.
Bởi vì, một số trẻ em không hiểu về ung thư và chúng nghĩ rằng đây là một hình phạt cho việc làm sai điều gì đó hoặc chúng đã làm điều gì đó không tốt khiến cho mình bị mắc bệnh. Hơn thế nữa, trẻ có thể có biểu hiện lo lắng, căng thẳng và sợ hãi khi không biết liệu mình đang mắc bệnh gì.
Cha mẹ nên nói chuyện với con thường xuyên hơn, khuyến khích con đặt ra những câu hỏi về tình trạng bệnh mà chúng đang mắc phải. Ngoài ra, nên chia sẻ cảm xúc của bạn với con, đồng thời khuyến khích con nói ra suy nghĩ, cảm xúc của chúng. Tuy nhiên, việc giải thích với con về ung thư còn tùy thuộc vào từng lứa tuổi:
Dưới 3 tuổi:
- Không thể hiểu về ung thư
- Sợ phải rời xa cha mẹ
- Sợ và không hiểu về các xét nghiệm y tế
Trong trường hợp này bạn nên luôn sát cánh bên con khi ở bệnh viện. Nói với con bằng các ngôn từ đơn giản, rõ ràng và thể hiện sự yên tâm cho trẻ. Ngoài ra, bạn nên cho con biết sẽ ở bệnh viện bao nhiêu ngày nữa và bé có thể trở về nhà sau khi kết thúc điều trị.
Từ 3 đến 7 tuổi
- Giải thích bệnh ung thư bằng thuật ngữ đơn giản, dễ hiểu.
- Tìm một nguyên nhân cụ thể cho bệnh ung thư để con hiểu
- Đảm bảo với con rằng bạn sẽ luôn ở bên con
- Thành thật với con về các xét nghiệm và phương pháp điều trị
- Giải thích cho con hiểu con đang được điều trị để sức khỏe tốt hơn hoặc giảm các đau đớn
Từ 7 đến 12 tuổi
- Giải thích chi tiết hơn về bệnh ung thư
- Trẻ tin rằng ung thư không phải do chúng đã làm gì sai mà bị mắc bệnh
- Con có thể hiểu rằng mình cần dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác để tốt hơn
- Nên tâm sự với con về những điều mà con đang nghĩ, thay vì để con lo lắng một mình.
Thanh thiếu niên
- Có thể hiểu rõ hơn về bệnh ung thư và quan tâm đến việc tìm hiểu thêm về chẩn đoán của mình
- Nghĩ tới các triệu chứng của ung thư và ảnh hưởng của nó tới cuộc sống hằng ngày như trường học, thể thao và bạn bè
- Muốn đưa ra quyết định về điều trị
- Quan tâm về ngoại hình và sự xuất hiện của mình trước mặt mọi người (ví dụ lo lắng về việc rụng tóc và thay đổi ngoại hình)
2. Nên nói với con như thế nào khi bạn bị mắc ung thư?
Dưới đây là một vài lời khuyên khi cha mẹ nói với con về ung thư:
- Nhẹ nhàng chia sẻ hầu hết các sự thật về kế hoạch chẩn đoán và điều trị ung thư. Thành thật chính là chìa khóa quan trọng để duy trì niềm tin.
- Chọn một nơi yên tĩnh để nói chuyện, giải thích cho con hiểu về bệnh tình của bạn và giải đáp các thắc mắc của con
- Chia sẻ với con về cảm xúc của bạn và lắng nghe những suy nghĩ của chúng
- Cố gắng giữ những thói quen hằng ngày và chuẩn bị tâm lý cho con đón nhận những thay đổi trong cuộc sống gia đình
- Bạn nên yêu cầu sự giúp đỡ từ con, tuy nhiên tránh giao cho chúng quá nhiều trách nhiệm vì điều này có thể khiến sự căng thẳng gia tăng
- Theo dõi những thay đổi về hành vi và tâm trạng của con ở trường và ở nhà để đưa ra giải pháp kịp thời nếu con lâm vào tình trạng chán nản, tuyệt vọng.
- Giữ thái độ vui vẻ, cởi mở và thể hiện tình cảm của mình với con
3. Yêu cầu sự giúp đỡ từ con khi bạn bị mắc ung thư
Khi cha mẹ bị mắc bệnh ung thư, nhiều trẻ rơi vào tình trạng bất lực với hoàn cảnh. Tuy nhiên, để gắn kết và xoa dịu bầu không khí ảm đạm cũng như những căng thẳng trong gia đình, đôi khi bạn nên nhờ tới sự trợ giúp của con cái. Nếu trẻ có thể giúp đỡ được cha mẹ phần nào, chúng sẽ cảm thấy bản thân mình cũng mang một phần trách nhiệm và thấy thoải mái hơn khi gánh vác việc nhà giúp cha mẹ. Dưới đây là một vài lời khuyên khi bạn muốn yêu cầu sự giúp đỡ của con:
- Giải thích rằng bạn đang cần thêm sự giúp đỡ và mọi người trong gia đình cần phải tham gia
- Đưa ra kế hoạch cụ thể cho con thực hiện
- Yêu cầu con cái giúp đỡ lẫn nhau trong khi làm việc nhà
- Luôn khuyến khích và chấp nhận những cố gắng của các con sẽ giúp cho chúng có động lực hơn.
Ngoài ra, có thể nếu con bị mắc bệnh ung thư thì cha mẹ chính là nguồn động viên lớn nhất tiếp sức cho con, giúp con vượt qua sự sợ hãi khi phải đối mặt với bệnh tật. Điều trị tâm lý cũng là một yếu tố quan trọng hỗ trợ quá trình điều trị ung thư.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Cancer.net