Điều trị và chăm sóc người cao tuổi bị trầm cảm điều gì cần chú ý nhất?

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thành Long - Chuyên gia tư vấn tâm lý, Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Trầm cảm ở người cao tuổi là bệnh lý khá phổ biến thường gặp ở những người già cô đơn, thiếu sự chăm sóc của gia đình, ít giao tiếp xã hội, gặp khó khăn áp lực trong cuộc sống. Điều trị và chăm sóc người cao tuổi bị trầm cảm không chỉ dựa vào thuốc đặc trị mà cần kết hợp các liệu pháp tâm lý và thay đổi lối sống hàng ngày.

1. Cách điều trị bệnh trầm cảm ở người cao tuổi

1.1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị bệnh trầm cảm nói chung và trầm cảm ở người cao tuổi nói riêng rất quan trọng, đặc biệt là liệu pháp gia đình. Hầu hết các hoạt động sinh hoạt và tình cảm của người cao tuổi bị trầm cảm đều phụ thuộc vào gia đình.

1.2. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc điều trị trầm cảm ở người cao tuổi cần lưu ý:

  • Liều thuốc chống trầm cảm thường thấp hơn thuốc chống trầm cảm ở người trẻ tuổi
  • Người cao tuổi sức khỏe yếu dễ bị tác dụng phụ của thuốc nên cần chú ý theo dõi. Ví dụ: suy giảm chức năng sinh lý, thay đổi thành phần phân bố trong cơ thể...
  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm cần lưu ý các bệnh lý mà bệnh nhân cao tuổi hay mắc phải như: bệnh tim mạch, bệnh cao huyết áp, bệnh suy gan, bệnh suy thận...

Một số loại thuốc điều trị trầm cảm ở người cao tuổi được sử dụng gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng hầu như đều có tác dụng phụ nên để đảm bảo an toàn cần làm ECG trước khi cho người bệnh sử dụng. Thuốc Maprotiline có thể gây tác dụng phụ động kinh, còn Amoxapine có thể gây tác dụng ngoại pháp.
  • MAOIs: Khi sử dụng loại này bệnh nhân có thể bị giảm huyết áp tư thế nên cần chú ý đến hoạt động của bệnh nhân, bệnh nhân có thể bị té ngã. Ngoài ra, không sử dụng đồng thời với các loại thuốc giảm đau và thuốc giống giao cảm. Bệnh nhân suy giảm nhận thức không sử dụng MAOIs.
  • SSRIs: SSRIs khá an toàn và dung nạp tốt, tuy nhiên cần lưu ý một số tác dụng phụ của thuốc như: khó ngủ, nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy, kích đồng.
  • Tianeptine: an toàn và dung nạp tốt, ít gây tác dụng phụ anticholinergic. Bệnh nhân bị suy tim, xơ gan có thể sử dụng. Thuốc có thể chống lo âu và không gây buồn ngủ.
  • Trazadone: có tác dụng phụ buồn ngủ, giảm huyết áp tư thế
  • Bupropion: không gây buồn ngủ và không gây giảm huyết áp tư thế nhưng nếu sử dụng liều cao có thể dẫn đến động kinh.
  • ECT: thường được sử dụng điều trị bệnh trầm cảm ở người cao tuổi vì tính an toàn và có tác dụng nhanh chóng.

1.3. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống là phương pháp kết hợp điều trị trầm cảm quan trọng. Những việc cần làm gồm:

  • Cho người bệnh tăng cường hoạt động thể chất
  • Giúp người bệnh tìm một sở thích hoặc thú vui như: trồng cây, đọc sách, nuôi cá... để người bệnh thư thái, có những phút giây thoải mái
  • Tăng cường chăm sóc người bệnh, quan tâm, hỏi han từ bạn bè và người thân
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý
  • Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.

Thay đổi lối sống giúp tinh thần người bệnh thoải mái hơn
Thay đổi lối sống giúp tinh thần người bệnh thoải mái hơn

2. Chăm sóc người cao tuổi bị trầm cảm điều gì cần chú ý nhất?

Chăm sóc người cao tuổi bị trầm cảm cần hết sức lưu ý vì người cao tuổi thường mắc các bệnh lý đi kèm, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe. Quá trình chăm sóc cần thực hiện những điều sau:

  • Gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị bệnh trầm cảm ở người cao tuổi. Nếu có người thân mắc bệnh, người nhà nên ở bên thường xuyên, chăm sóc và động viên người bệnh, không để họ có cảm giác bị bỏ rơi hay cô đơn.
  • Trầm cảm là bệnh tâm lý nên cần thường xuyên trò chuyện, tâm sự với người bệnh để giải tỏa tâm lý, tránh tạo thêm áp lực cho người bệnh.
  • Việc chăm sóc người bị trầm cảm có thể gây mệt mỏi, người nhà cần kiên trì và hết sức nhẹ nhàng.
  • Cho người bệnh ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe
  • Chú ý cho người bệnh uống thuốc đúng liều và đề phòng các tác dụng phụ của thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe