Những vấn đề thường gặp ở khu vực chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sinh non (NICU)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trẻ sinh non phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe do nhiều nguyên nhân khác nhau như phổi chưa trưởng thành nên dễ dẫn đến suy hô hấp. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về một số tình trạng bệnh lý mà trẻ sơ sinh thiếu tháng có thể gặp phải.

1. Các vấn đề về máu

Thiếu máu

Trẻ sinh non thường mắc thiếu máu. Điều này có nghĩa là trẻ không có đủ hồng cầu trong máu. Thông thường, thai nhi dự trữ sắt trong những tháng cuối của thai kỳ và sử dụng lượng sắt đó để tạo hồng cầu sau khi sinh. Trẻ sinh ra quá sớm có thể không có đủ thời gian để dự trữ sắt.

Bên cạnh đó, mất máu do xét nghiệm máu thường xuyên cũng có thể góp phần gây ra bệnh thiếu máu. Trẻ thiếu máu có thể được điều trị bằng chế độ ăn uống bổ sung sắt, thuốc tăng sản xuất hồng cầu hoặc trong một số trường hợp sẽ cần phải truyền máu.

Nhiễm trùng huyết

Một số trẻ sơ sinh được nhận vào khoa NICU để xác định xem trẻ có bị nhiễm trùng máu hay không.

Một số xét nghiệm, nuôi cấy và chụp X-quang có thể giúp chẩn đoán tình trạng này. Các xét nghiệm này có thể được khuyến nghị nếu trẻ có các triệu chứng như nhiệt độ không ổn định, lượng đường trong máu cao hoặc thấp, gặp các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa hoặc huyết áp thấp.

Nhiễm trùng huyết thông thường sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh và trẻ cần được theo dõi chặt chẽ để cải thiện các triệu chứng.

2. Các vấn đề về đường hô hấp

Trẻ sinh non thường gặp các vấn đề về đường hô hấp do phổi chưa phát triển hoàn thiện. Trẻ sinh đủ tháng cũng có thể mắc các vấn đề về hô hấp do các biến chứng của quá trình chuyển dạ và sinh nở, dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng. Trẻ sơ sinh có vấn đề về hô hấp có thể được dùng thuốc, đeo mặt nạ để thở hoặc sử dụng kết hợp hai phương pháp điều trị này.

Ngưng thở

Trẻ sinh non đôi khi không thở đều đặn. Trẻ có thể thở một hơi dài, sau đó thở một hơi ngắn, sau đó tạm dừng từ 5 đến 10 giây trước khi bắt đầu thở bình thường. Đây được gọi là thở ngắt quãng (periodic breathing). Nó thường không có hại và khi bé lớn hơn sẽ biến mất.

Trẻ sinh non và trẻ bị bệnh cũng có thể ngừng thở từ 15 đến 20 giây hoặc hơn. Sự gián đoạn trong quá trình thở này được gọi là ngưng thở. Triệu chứng này có thể kèm theo nhịp tim chậm. Các trẻ phải điều trị tại trong Khoa chăm sóc tích cực sơ sinh (NICU) được theo dõi liên tục về chứng ngưng thở và nhịp tim chậm (thường được gọi là "A's and B's").

Các cảm biến được đặt trên ngực của trẻ sẽ gửi thông tin về nhịp thở và nhịp tim của bé đến một máy được đặt gần lồng ấp. Nếu trẻ có triệu chứng ngừng thở, chuông báo động sẽ bắt đầu phát ra tiếng bíp.

Sau đó, điều dưỡng sẽ kích thích trẻ thở bằng cách búng nhẹ hoặc chạm vào lòng bàn chân của trẻ. Bác sĩ sơ sinh có thể cân nhắc việc cho em bé uống thuốc và hoặc sử dụng một số thiết bị đặc biệt, chẳng hạn như Thở áp lực dương liên tục (CPAP) để đưa không khí đến phổi của trẻ thông qua một ống nhỏ đưa từ mũi hoặc đưa ống vào khí quản.

Loạn sản phổi phế quản (BPD)

Bệnh phổi mãn tính này thường gặp nhất ở trẻ sinh non đã được điều trị hội chứng suy hô hấp (RDS) ở trẻ sơ sinh.

Trẻ sơ sinh bị RDS có phổi chưa trưởng thành. Đôi khi trẻ cần sử dụng một máy thở cơ học để giúp trẻ có thể thở được. Một số trẻ sơ sinh được điều trị RDS có thể xuất hiện các triệu chứng của BPD, bao gồm dịch trong phổi, sẹo và tổn thương phổi.

Trẻ sơ sinh mắc chứng BPD được điều trị bằng thuốc để giúp thở dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, những trẻ này cũng cần dần dần cai máy thở. Phổi của trẻ thường được cải thiện trong hai năm đầu đời, nhưng một số trẻ phát triển bệnh phổi mãn tính giống như bệnh hen suyễn.

BPD đôi khi cũng xảy ra ở trẻ sơ sinh đủ tháng sau khi trẻ bị viêm phổi hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

Tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh (PPHN)

Trẻ sơ sinh bị PPHN không thể thở bình thường vì trẻ có áp lực cao trong phổi. Khi mới sinh, các mạch máu trong phổi thường giãn ra để đáp ứng với những phút đầu tiên hít thở không khí và cho phép máu lưu thông qua phổi. Đây là cách máu lấy oxy từ không khí.

Ở trẻ bị PPHN, phản ứng này không xảy ra. Điều này dẫn đến thiếu oxy trong máu và đôi khi dẫn đến các biến chứng khác bao gồm tổn thương não. Trẻ bị PPHN thường bị dị tật bẩm sinh (như dị tật tim) hoặc đã bị các tai biến khi sinh.

Trẻ sơ sinh bị PPHN thường cần phải sử dụng máy thở để giúp trẻ thở. Trẻ có thể được cung cấp một loại khí gọi là oxit nitric qua một ống đặt trong khí quản. Phương pháp điều trị này có thể giúp các mạch máu trong phổi giãn ra và cải thiện nhịp thở.

Viêm phổi ở trẻ sinh non

Nhiễm trùng phổi này thường gặp ở trẻ sinh non và yếu. Các bác sĩ có thể nghi ngờ trẻ bị viêm phổi nếu trẻ có các triệu chứng như khó thở, thay đổi nhịp thở, xét nghiệm máu cho thấy nồng độ oxy thấp hoặc nếu trẻ có số lần ngưng thở tăng lên.


Viêm phổi ở trẻ sinh non là bệnh lý thường gặp
Viêm phổi ở trẻ sinh non là bệnh lý thường gặp

Bác sĩ sẽ nghe phổi của trẻ bằng ống nghe và sau đó chụp X-quang để xem có chất dịch dư thừa trong phổi hay không.

Đôi khi bác sĩ có thể đưa ống vào phổi để lấy mẫu dịch phổi. Chất dịch này sau đó được xét nghiệm để xem loại vi khuẩn hoặc virus nào gây ra nhiễm trùng, từ đó bác sĩ có thể chọn loại thuốc hiệu quả nhất để điều trị.

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh và có thể cần oxy bổ sung cho đến khi hết nhiễm trùng.

Hội chứng nguy kịch hô hấp trẻ sơ sinh (RDS)

Trẻ sinh trước 34 tuần tuổi thường xuất hiện vấn đề hô hấp nghiêm trọng này. RDS đôi khi được gọi là bệnh màng trong (Respiratory Distress Syndrome - RDS).

Trẻ sơ sinh bị RDS thiếu một hỗn hợp hóa học được gọi là chất hoạt động bề mặt, chất này giúp giữ cho các túi khí nhỏ trong phổi không bị xẹp. Điều trị bằng chất hoạt động bề mặt giúp trẻ sơ sinh bị bệnh này có thể thở dễ dàng hơn.

Trẻ sơ sinh bị RDS cũng có thể được điều trị bằng phương pháp Thở áp lực dương liên tục (CPAP) để đưa không khí thông qua các ống nhỏ được đưa vào mũi hoặc khí quản của trẻ.

Cũng như chất hoạt động bề mặt, CPAP giúp giữ cho các túi khí nhỏ trong phổi không bị xẹp xuống. CPAP giúp trẻ thở, nhưng không thở thay cho trẻ. Những em bé bị nặng hơn có thể tạm thời phải được đặt máy thở trong khi chờ cho phổi được hồi phục.

3. Dị tật tim bẩm sinh

Những dị tật tim có ngay từ khi mới sinh. Tim bị dị tật bắt nguồn từ giai đoạn đầu của thai kỳ khi tim đang hình thành trong bụng mẹ.

Nhịp tim chậm

Trẻ sinh non đôi khi thở không đều đặn. Ngưng thở bị gián đoạn, còn được gọi là ngưng thở có thể gây ra nhịp tim chậm. Đây là dấu hiệu của nhịp tim có vấn đề. Trẻ sẽ cần phải điều trị bằng thuốc và hỗ trợ thở.

Hẹp động mạch chủ (Coarctation of the aorta)

Động mạch chủ là động mạch lớn đưa máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Trong bệnh lý này, động mạch chủ có thể quá hẹp để máu lưu thông.

Để điều trị dị tật bẩm sinh này, Bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ phần hẹp và khâu hai đầu hở lại với nhau, thay thế phần bị thắt bằng vật liệu nhân tạo hoặc vá nó bằng một phần mạch máu được lấy từ nơi khác trong cơ thể. Đôi khi, phần bị thu hẹp này có thể được mở rộng ra bằng cách làm phồng một quả bóng trên đầu ống thông được đưa vào động mạch chủ.

Bất thường van tim

Một số trẻ sinh ra với van tim bị hẹp, đóng hoặc tắc và tình trạng này khiến máu không thể lưu thông như bình thường. Một số trẻ sơ sinh có thể phải đặt ống nối (ghép nhân tạo) để cho máu đi qua chỗ tắc nghẽn cho đến khi trẻ đủ lớn để được sửa hoặc thay van.

Còn ống động mạch (PDA)

PDA là vấn đề tim phổ biến nhất ở trẻ sinh non. Trước khi sinh, phần lớn máu của thai nhi đi qua ống động mạch, từ mạch máu này sang mạch máu khác, thay vì qua phổi. Điều này là do phổi chưa được sử dụng.

Ống này sẽ đóng lại ngay sau khi sinh, để máu có thể đi theo con đường bình thường từ tim đến phổi và ngược lại. Nếu ống này không đóng lại, máu sẽ không chảy chính xác. Trong một số trường hợp, điều trị bằng thuốc có thể giúp đóng ống này. Nếu biện pháp này không hiệu quả, trẻ sẽ được chỉ định phẫu thuật để đóng ống này lại.

Dị tật vách ngăn

Khiếm khuyết vách ngăn là trẻ có một lỗ trên vách (vách ngăn) chia hai ngăn trên hoặc dưới của tim. Vì có lỗ này, máu không thể lưu thông như bình thường và khiến tim phải làm việc nhiều hơn.

Bác sĩ phẫu thuật có thể đóng lỗ bằng cách khâu hoặc vá. Các lỗ nhỏ có thể tự lành và có thể không cần sửa chữa.

Tứ chứng Fallot

Bệnh lý này là sự kết hợp của bốn dị tật tim khiến máu không thể đến phổi. Do đó, da của trẻ đôi khi có màu xanh do thiếu oxy (tím tái) và trẻ có thể phát triển kém. Các kỹ thuật phẫu thuật mới cho phép sửa chữa khuyết tật tim phức tạp này ngay từ khi còn nhỏ.


Trẻ sinh non có thể gặp một số vấn đề về tim như hẹp động mạch chủ, dị tật vách ngăn,...
Trẻ sinh non có thể gặp một số vấn đề về tim như hẹp động mạch chủ, dị tật vách ngăn,...

4. Vấn đề về đường tiêu hoá

Các chuyên gia đều cho rằng sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng có nhiều lợi ích sức khỏe quan trọng và tuyệt vời cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non hoặc bị bệnh. Trẻ cần dinh dưỡng tốt để phát triển và trở nên khỏe mạnh hơn. Nhưng trẻ có thể cần được cho bú theo cách khác trong một thời gian, trước khi trẻ sẵn sàng bú mẹ hoặc bú bình.

Những trẻ rất nhỏ hoặc ốm yếu thường được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Một cây kim nhỏ được đặt vào tĩnh mạch ở tay, chân, da đầu hoặc rốn của trẻ và từ đường truyền này, trẻ sẽ nhận được đường (glucose) và các chất dinh dưỡng cần thiết qua tĩnh mạch.

Ngay sau khi trẻ đủ cứng cáp, trẻ sẽ được uống sữa mẹ hoặc sữa công thức thông qua một ống đặt qua mũi hoặc miệng để đi vào dạ dày hoặc ruột. Cách thức này được gọi là truyền thức ăn (gavage feeding). Khi trẻ có thể bú và nuốt hiệu quả, việc truyền thức ăn sẽ được dừng lại và trẻ có thể bú mẹ hoặc bú bình.

Hở thành bụng bẩm sinh

Đây là một dị tật bẩm sinh của thành bụng. Ruột của em bé và đôi khi là các cơ quan khác, nằm ngoài bụng của trẻ. Trẻ sẽ cần phải trải qua phẫu thuật để đưa các cơ quan của bé trở lại vị trí cũ và đóng thành bụng.

Hạ đường huyết

Hạ đường huyết là lượng đường trong máu thấp (glucose). Triệu chứng này thường được chẩn đoán ngay sau khi sinh.

Thông thường, trẻ sơ sinh non tháng và trẻ có mẹ mắc bệnh tiểu đường sẽ được đánh giá tình trạng hạ đường huyết. Cho ăn sớm và truyền dung dịch đường tĩnh mạch sẽ giúp ngăn ngừa và điều trị hạ đường huyết.

Viêm ruột hoại tử sơ sinh (NEC)

Vấn đề đường ruột nguy hiểm này thường xuất hiện ở trẻ sinh non. Ruột có thể bị tổn thương khi nguồn cung cấp máu bị giảm. Vi khuẩn thường sống trong ruột sẽ xâm nhập vào khu vực bị tổn thương và gây ra nhiều tổn thương hơn.

Trẻ bị NEC cũng xuất hiện các vấn đề về bú, chướng bụng và các biến chứng khác. Nếu các xét nghiệm cho thấy trẻ bị NEC, trẻ sẽ được cho ăn qua đường tĩnh mạch để ruột có thời gian hồi phục. Đôi khi những đoạn ruột bị hư hỏng phải được phẫu thuật cắt bỏ.

5. Các vấn đề khác

Không có khả năng kiểm soát thân nhiệt

Trẻ sinh ra quá nhỏ và sinh quá sớm thường khó kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Không giống như những đứa trẻ sinh đủ tháng, khỏe mạnh, trẻ sinh non không có đủ chất béo để ngăn cản sự mất nhiệt của cơ thể.

Trẻ sơ sinh tại khoa NICU được đặt trong lồng ấp hoặc chiếu đèn ấm ngay sau khi sinh để giúp trẻ kiểm soát nhiệt độ. Một nhiệt kế nhỏ được đặt trên bụng trẻ để đo lường nhiệt độ cơ thể của trẻ và điều chỉnh nhiệt trong lồng ấp. Trẻ sẽ phát triển nhanh hơn khi được duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường (98,6 độ F.).

Chảy máu não thất (IVH)

IVH đề cập đến tình trạng chảy máu trong não và thường gặp nhất ở những trẻ sinh non yếu. Chảy máu thường xảy ra trong bốn ngày đầu sau sinh.

Chảy máu thường xảy ra gần các không gian chứa đầy chất lỏng (não thất) ở trung tâm não. Khám siêu âm thóp có thể phát hiện ra dấu hiệu trẻ có bị chảy máu não hay không và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này.

Chảy máu não thường được đánh số từ 1 đến 4, trong đó 4 là mức độ nghiêm trọng nhất. Hầu hết chảy máu não là nhẹ (lớp 1 và lớp 2) và tự khỏi mà không có hoặc ít gây ra các vấn đề sau này.

Tình trạng chảy máu nặng hơn có thể gây khó khăn cho bé trong quá trình điều trị và có thể xảy ra các biến chứng sau này. Một số trẻ sẽ cần phải được theo dõi cẩn thận quá trình phát triển trong suốt thời kỳ sơ sinh và thời thơ ấu.

Vàng da

Trẻ sơ sinh bị vàng da có màu vàng ở da và mắt. Vàng da xảy ra khi gan còn quá non nớt hoặc bị bệnh nên khó có thể loại bỏ một chất thải được gọi là bilirubin ra khỏi máu.

Bilirubin được hình thành khi các tế bào hồng cầu già bị phá vỡ. Vàng da đặc biệt phổ biến ở trẻ sinh non và trẻ có nhóm máu không tương thích với mẹ.

Bản thân bệnh vàng da thường không gây hại cho trẻ. Nhưng mức bilirubin rất cao có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn, đặc biệt là đối với trẻ sinh non.

Vì lý do này, mức độ bilirubin của trẻ được kiểm tra thường xuyên. Nếu nó quá cao, trẻ sẽ điều trị bằng cách chiếu đèn xanh đặc biệt để giúp cơ thể phá vỡ và loại bỏ bilirubin.


Trẻ sinh non thường có nguy cơ bị vàng da
Trẻ sinh non thường có nguy cơ bị vàng da

Macrosomia

Tình trạng trẻ sinh ra với cân nặng quá mức, nghĩa là 4.500 gram (9 pound, 14 ounce) trở lên. Nguyên nhân của hiện tượng này thường là do mẹ bị tiểu đường và có thể phải sinh bằng phương pháp mổ lấy thai. Những trẻ có cân nặng quá mức này cũng cần được theo dõi tình trạng hạ đường huyết.

Bệnh võng mạc trẻ sinh non (ROP)

ROP là sự phát triển bất thường của các mạch máu trong mắt. Bệnh lý xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ sinh trước 30 tuần tuổi của thai kỳ.

ROP có thể dẫn đến chảy máu và sẹo, dẫn đến làm hỏng võng mạc của mắt. Điều này có thể dẫn đến mất thị lực.

Bác sĩ nhãn khoa có thể kiểm tra mắt của trẻ để tìm các dấu hiệu của ROP. Hầu hết các trường hợp nhẹ sẽ tự lành mà không cần điều trị, ít hoặc không giảm thị lực. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ nhãn khoa có thể thực hiện liệu pháp laser hoặc thực hiện một thủ thuật gọi là liệu pháp áp lạnh (đông lạnh) để loại bỏ các mạch máu và vết sẹo bất thường. Cả hai phương pháp điều trị đều giúp bảo vệ võng mạc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe