Cách nuôi trẻ sinh non tại khu vực chăm sóc đặc biệt NICU

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ Thanh đã có thời gian công tác 25 năm trong điều trị các bệnh lý Nhi sơ sinh.

Nuôi trẻ sinh non là một trong những thách thức lớn nhất mà các gia đình phải đối mặt trước khi họ có thể đưa trẻ từ bệnh viện về nhà. Do trẻ sinh non chưa phát triển đầy đủ khi mới sinh và có thể không có đủ sức khỏe hoặc khả năng phối hợp để bú sữa mẹ hoặc bú bình. Vậy, cách nuôi trẻ sinh non tại khoa Săn sóc tích cực sơ sinh (NICU) diễn ra như thế nào?

1. Tại sao việc nuôi dưỡng trẻ sinh non lại khó khăn?

Mặc dù việc bú sữa mẹ được trẻ đủ tháng thực hiện một cách dễ dàng, nhưng bú sữa mẹ là một thách thức đối với trẻ sinh non. Dù bú bình hay bú sữa mẹ, trẻ sơ sinh cần phát triển ba kỹ năng chính để có thể bú sữa hiệu quả:

  • Trẻ phải bú thuần thục: Trẻ sinh non khi sinh ra đã không có kỹ năng bú thuần thục. Để bú sữa mẹ hoặc bú bình, trẻ cần bú phối hợp nhịp nhàng và có đủ sức khoẻ để có thể bú.
  • Trẻ phải nuốt thành thục: Việc nuốt một lượng sữa lớn cần rất nhiều sức lực và trẻ cần phát triển các cơ ở lưỡi và hàm để có thể nuốt tốt.
  • Phối hợp bú, nuốt và thở: Đây là khó khăn lớn nhất trong kỹ năng bú, trẻ có thể mất một thời gian để học cách phối hợp thở với nuốt sữa.

Nuôi dưỡng trẻ sinh non chưa phát triển ba kỹ năng này có thể gây khó khăn cho cha mẹ, nhân viên y tế và chính bản thân trẻ. Trẻ sinh non nếu không được bú và nuốt thuần thục sẽ nhanh chóng kiệt sức trong khi bú, do đó, mỗi lần bú là một lần tập luyện.

Trẻ sơ sinh không phối hợp bú, nuốt và thở tốt là điều đáng sợ khi trẻ bú. Ban đầu, trẻ có thể thích thú trong việc bú và nuốt sữa. Nhưng đột nhiên, trẻ có thể nhận ra rằng đã đến lúc phải thở và trẻ không biết phải làm thế nào để thở. Khi đó, trẻ có thể bị sặc và ọc sữa hoặc ngừng thở hoàn toàn cho đến khi ngừng bú.


Bú sữa mẹ là một thách thức đối với trẻ sinh non
Bú sữa mẹ là một thách thức đối với trẻ sinh non

2. Cách nuôi em bé sinh non bằng sữa mẹ

Sữa mẹ cung cấp nhiều lợi ích cho sức khỏe, sữa mẹ quan trọng và tuyệt vời cho tất cả trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non hoặc trẻ bị bệnh. Nhưng nhiều trẻ tại khoa NICU lúc đầu chưa sẵn sàng bú sữa mẹ.

Các mẹ có thể học cách hút sữa mẹ và sau đó, các nhân viên Y tế sẽ cho trẻ ăn bằng cách bơm sữa mẹ vào dạ dày của trẻ thông qua ống thông mũi dạ dày. Nếu trẻ không thể bú, cho trẻ ăn qua ống thông là cách tốt nhất để nuôi dưỡng trẻ bằng sữa mẹ.

Sữa mẹ thực sự là nguồn dinh dưỡng đặc biệt và có lợi mà bạn có thể cho con mình. Và khi trẻ đã sẵn sàng để bú, bạn có thể bắt đầu cho trẻ bú trực tiếp.

Dưới đây là một số hướng dẫn để giúp các bà mẹ vượt qua những thách thức trong việc nuôi con bằng sữa mẹ tại khoa NICU:

  • Đề xuất những mong muốn cho con bú của bạn với đội ngũ nhân viên Y tế trực tiếp chăm sóc trẻ. Xin tư vấn và kinh nghiệm của chuyên gia tư vấn cho con bú tại khoa NICU và các bà mẹ NICU khác đang hút sữa mẹ thành công hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Bắt đầu hút sữa càng sớm càng tốt. Sử dụng máy hút phù hợp nhất với bạn và nên thử máy hút chạy bằng điện đang hoạt động tốt của bệnh viện.
  • Tạo thói quen thư giãn để bạn có điều kiện cho vú tiết sữa khi đến giờ hút sữa hoặc cho con bú.
  • Khi bạn hút sữa, hãy nhớ làm trống bầu ngực để hút sữa cuối, đây là sữa có chứa lượng calo chất béo cao nhất mà bé cần. Hút một hoặc hai phút sau khi dòng sữa ngừng hoặc chảy ra từng giọt chậm.
  • Kiên trì vượt qua những thời điểm thất thường của nguồn sữa. Ban đầu số lượng sữa hút được có thể rất ít, do đó, để tăng lượng sữa cho con, bạn nên cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn, uống nhiều nước hơn và hút thường xuyên hơn. Nguồn sữa của bạn có thể được sản xuất một cách tự nhiên với số lượng nhiều hơn khi bạn giảm bớt căng thẳng.
  • Nếu trẻ có thể bú, trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận việc bú hơn khi tỉnh táo và không quấy khóc. Khi cho trẻ bú, nên cho trẻ bú trong phòng yên tĩnh và tối để trẻ không bị phân tâm. Bắt đầu cho trẻ bú bằng cách phương pháp Kangaroo (Kangaroo Care) hoặc ôm trẻ vào ngực trần của mẹ. Việc thực hiện phương pháp Kangaroo sẽ giúp cả trẻ và mẹ thư giãn và khi tiếp xúc da kề da có thể tạo ra cảm xúc cho nó bú và bắt đầu tiết sữa. Khi trẻ bắt đầu chạm vào da của bạn, hãy hướng trẻ đến núm vú để bắt đầu bú sữa mẹ.
  • Nếu trẻ gặp khó khăn khi ngậm vào núm vú, bạn hãy thử dùng máy hút để hút núm vú ra, trước khi đưa cho trẻ bú. Hoặc nếu sữa mẹ trào ra khi bắt đầu bú và khiến bé bị choáng ngợp, bạn hãy hút bớt một lượng sữa trước khi cho trẻ bú, để giảm áp suất hoặc thể tích sữa trong bầu vú. Bằng các cách này, trẻ có thể bú sữa mẹ đúng cách mà không nuốt phải không khí hoặc bị nghẹn.

Bắt đầu cho trẻ bú bằng cách phương pháp Kangaroo (Kangaroo Care) hoặc ôm trẻ vào ngực trần của mẹ
Bắt đầu cho trẻ bú bằng cách phương pháp Kangaroo (Kangaroo Care) hoặc ôm trẻ vào ngực trần của mẹ

3. Hướng dẫn cho trẻ bú sữa công thức

Trẻ sơ sinh cũng phát triển mạnh khi được bú sữa công thức. Có một số lựa chọn sữa công thức và các nhân viên Y tế tại khoa NICU sẽ đề xuất một lựa chọn cho con của bạn.

Nếu bạn muốn cho con bú nhưng sau đó quyết định không hoặc buộc phải không cho trẻ bú sữa mẹ vì nhiều lý do khác nhau, bạn có thể cảm thấy thất vọng. Hãy nhớ rằng bạn cũng có thể tạo ra sự gắn kết với trẻ thông qua cho trẻ bú bình.

Bạn có thể trải nghiệm cảm giác gần gũi khi cho con bú, bằng cách ôm con vào làn da ấm áp và để con quan sát khuôn mặt của bạn. Bạn cũng có thể tiếp tục thực hiện phương pháp Kangaroo (Kangaroo Care) trong nhiều tháng.

Bạn có thể cần đợi một lúc trước khi cho trẻ bú bình. Nếu trẻ sinh quá non hoặc ốm yếu, trước tiên trẻ có thể cần ăn sữa công thức từ một ống mỏng được đưa trực tiếp vào dạ dày qua mũi hoặc miệng. Điều dưỡng có thể chỉ cho bạn cách cho bé ăn theo cách này để bạn có thể thường xuyên tiếp xúc với trẻ.


Trẻ sơ sinh cũng phát triển mạnh khi được bú sữa công thức
Trẻ sơ sinh cũng phát triển mạnh khi được bú sữa công thức

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com; verywellfamily.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe