Những trường hợp nên phẫu thuật nội soi tim thay vì phẫu thuật mổ hở

Một trường hợp nên phẫu thuật nội soi tim hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Phẫu thuật nội soi mang đến nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với phẫu thuật mổ hở truyền thống. Ngoài trường hợp bệnh nhân mắc phải nhiều bệnh phối hợp và thuộc nhóm chống chỉ định mổ nội soi thì phẫu thuật nội soi tim gần như có thể được áp dụng với những bệnh nhân ở các độ tuổi khác nhau.

1. Phẫu thuật nội soi tim là gì?

1.1 Phẫu thuật tim ít xâm lấn và phẫu thuật nội soi tim

Ở phương pháp phẫu thuật tim hở truyền thống, bác sĩ sẽ cưa phần xương ức của bệnh nhân. Khác với phẫu thuật hở, phẫu thuật tim ít xâm lấn là tên gọi chung cho mọi đường mổ không cưa to, bác sĩ sẽ không cần phải cưa toàn bộ phần xương ức của bệnh nhân.

Hiện nay, các bác sĩ và chuyên gia y tế chia phương pháp phẫu thuật tim ít xâm lấn thành 4 cấp độ.

  • Cấp độ 1 và 2 là “phẫu thuật tim ít xâm lấn”: vết mổ vẫn khá dài và bác sĩ vẫn sử dụng đến các dụng cụ để banh xương sườn. “Ít xâm lấn" ở 2 cấp độ đồng nghĩa với “ít xâm lấn" do với phương pháp mổ hở truyền thống, cưa toàn bộ phần xương ức.
  • Cấp độ 3 và 4 được gọi là “phẫu thuật nội soi tim": quá trình phẫu thuật sẽ được thực hiện thông qua lỗ trocar (gọi là trô-ca) và hệ thống nội soi. Phẫu thuật nội soi là cấp độ cao hơn của phẫu thuật ít xâm lấn. Ở cấp độ 4, quá trình phẫu thuật sẽ có sự hỗ trợ ở robot.

Sự xuất hiện của phẫu thuật nội soi tim đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong điều trị bệnh tim mạch, mang lại chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh sau khi phẫu thuật.


Phẫu thuật nội soi tim đánh dấu một bước tiến quan trọng trong điều trị bệnh tim mạch
Phẫu thuật nội soi tim đánh dấu một bước tiến quan trọng trong điều trị bệnh tim mạch

1.2 Ứng dụng trong điều trị bệnh tim mạch

Ban đầu, hệ thống nội soi xuất hiện với công nghệ hình ảnh hai chiều (hay còn được gọi là 2D), độ phân giải hình ảnh kém. Việc chuyển từ cách nhìn 3 chiều thông thường của mắt sang hình ảnh 2 chiều đòi hỏi phẫu thuật viên phải vận dụng sức mạnh tưởng tượng để hiểu rõ độ nông sâu, đánh giá chính xác kích thước và vị trí của các cơ quan trong cơ thể.

Cách đây hơn một thập kỷ, công nghệ hình ảnh 3 chiều đã xuất hiện. Ban đầu, công nghệ này được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực điện ảnh và video game, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ nhờ vào nhờ tính chân thực của hình ảnh, giống như mắt chúng ta đang nhìn trực tiếp. Công nghệ 3D sau đó nhanh chóng được áp dụng trong lĩnh vực y học, giúp phẫu thuật nội soi tim trở nên dễ dàng hơn, người học dễ dàng hình dung về giải phẫu và nhanh chóng làm chủ kỹ thuật.

Hiện nay, công nghệ hình ảnh đã phát triển thêm một bước, mang lại hình ảnh 3 chiều với độ phân giải siêu thực 4K - mang lại cảm giác chân thực và sắc nét vượt trội so với thị lực tự nhiên. Hứa hẹn mang đến những góc nhìn sâu sắc và chi tiết nhất, tạo điều kiện cho phẫu thuật viên nhìn thấy mọi chi tiết trực tiếp như mắt bình thường không thể.

2. Các trường hợp nên phẫu thuật nội soi tim

Trên thực tế, một trường hợp nên phẫu thuật nội soi tim hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra, đánh giá sức khỏe để xác định bản thân có thuộc nhóm chống chỉ định phẫu thuật nội soi tim hay không? Nếu sức khoẻ tổng thể và loại bệnh đang mắc phải phù hợp với phẫu thuật nội soi này, bệnh nhân nên lựa chọn kỹ thuật này do những ưu điểm vượt trội so với phẫu thuật mổ hở.


Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khoẻ, tình trạng bệnh để đánh giá bệnh nhân có thuộc trường hợp nên phẫu thuật nội soi tim hay không?
Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khoẻ, tình trạng bệnh để đánh giá bệnh nhân có thuộc trường hợp nên phẫu thuật nội soi tim hay không?

2.1 Lý do nên lựa chọn phương pháp mổ nội soi

Phẫu thuật tim nội soi đóng góp tích cực vào việc cải thiện chất lượng sống của người bệnh sau mổ, dựa trên nhiều tiêu chí quan trọng:

  • Cải thiện sức khoẻ tổng thể: phục hồi sức khỏe tổng thể của bệnh nhân sau phẫu thuật nhanh chóng hơn so với phẫu thuật truyền thống.
  • Giảm thiểu di chứng liên quan đến vết mổ lớn: giảm nguy cơ mắc các vấn đề như nhiễm trùng xương ức, chậm liền xương ức, và ngực chim bồ câu do vết mổ lớn.
  • Giảm đau sau mổ:Phẫu thuật nội soi thường ít đau hơn so với mổ hở, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn sau khi phẫu thuật.
  • Ít mất máu hơn: giảm rủi ro do mất máu, giúp quá trình hồi phục trở nên an toàn hơn.
  • Thời gian nằm viện ngắn: bệnh nhân cần ít thời gian để hồi phục và xuất viện, giảm thời gian nghỉ ngơi so với phẫu thuật truyền thống.
  • Sớm trở lại với sinh hoạt bình thường: khả năng trở lại với sinh hoạt hàng ngày, như đi làm và đi học, chỉ sau 3-4 tuần so với 5-6 tháng trong phẫu thuật mở ngực.
  • Sẹo mổ nhỏ, thẩm mỹ: vết sẹo nhỏ gọn, giúp tăng cường tự tin và sự hội nhập với xã hội của người bệnh sau khi phẫu thuật.

2.2 Những trường hợp nên phẫu thuật nội soi tim thay thế phẫu thuật tim hở

2.2.1 Theo bệnh lý

Hiện nay, hầu hết các bệnh lý tim mạch đều có thể được điều trị bằng phẫu thuật nội soi, từ các loại bệnh tim bẩm sinh như thông liên nhĩ, thông liên thất, thông sàn nhĩ thất, màng ngăn nhĩ, đến các bệnh tim mắc phải như phẫu thuật van hai lá, van động mạch chủ, van ba lá, tạo hình buồng tim, phẫu thuật điều trị rung nhĩ, và thậm chí cả phẫu thuật cắt u trong tim.


Hầu hết các bệnh lý tim mạch đều có thể điều trị bằng phẫu thuật nội soi
Hầu hết các bệnh lý tim mạch đều có thể điều trị bằng phẫu thuật nội soi

Thường thì, những bệnh nhân không mắc nhiều bệnh phối hợp như phẫu thuật van tim kèm động mạch chủ, hoặc phẫu thuật một lúc nhiều van tim, đều là những trường hợp nên phẫu thuật nội soi tim. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và giảm thiểu mức độ di chứng từ vết mổ lớn, đồng thời tối ưu hóa quá trình hồi phục sau phẫu thuật.

Một số trường hợp nên phẫu thuật nội soi tim theo bệnh lý:

  • Đóng lỗ thông liên nhĩ: Một bệnh tim bẩm sinh khiến máu chảy giữa hai buồng tim, gây suy thất phải. Phẫu thuật nội soi được áp dụng để đóng lỗ thông liên nhĩ, tái lập lưu thông máu bình thường và ngăn chặn nguy cơ suy thất phải.
  • Bệnh van 2 lá: Phẫu thuật nội soi được sử dụng khi van hai lá bị hẹp hoặc hở van, làm giảm lưu lượng máu từ tâm nhĩ trái đến tâm thất trái hoặc máu xuống thất trái bị trào ngược lại tâm nhĩ. Quá trình phẫu thuật giúp cải thiện chức năng van và ngăn chặn nguy cơ suy tim.
  • Bệnh van 3 lá: Khi van ba lá bị hẹp hoặc không đóng kín, máu bị cản trở lưu thông từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải hoặc máu từ tâm thất phải trào ngược lại tâm nhĩ phải. Phẫu thuật nội soi có thể được thực hiện để khắc phục vấn đề này. Điều này giúp duy trì lưu lượng máu thông thường và giảm nguy cơ suy tim.
  • Rối loạn nhịp tim - Rung nhĩ: một dạng của rối loạn nhịp tim. Khi xảy ra rối loạn nhịp tim này, các cơ trong tim dường như trở nên rung lên thay vì hoạt động co lại như bình thường. Phẫu thuật sẽ giúp tái lập nhịp tim đều và ổn định, giảm nguy cơ các vấn đề liên quan đến rối loạn nhịp tim.
  • Phẫu thuật cắt u trong tim: Đối với trường hợp có u trong tim, phẫu thuật nội soi có thể được sử dụng để loại bỏ u một cách hiệu quả.

2.2.1 Theo các yếu tố khác

Phẫu thuật nội soi mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân tim mạch, hầu hết các bệnh nhân đều phù hợp với phương pháp này, từ trẻ nhỏ 2 tuổi cho đến bệnh nhân lớn hơn 70 tuổi.

Những trường hợp không thể thực hiện nội soi tim có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật tim ít xâm lấn khác để không phải cưa toàn bộ xương ức.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe