Những tác dụng có thể gặp khi hóa trị ung thư phổi

Truyền hoá chất điều trị ung thư phổi là một trong những phương pháp điều trị chính, có thể được sử dụng dưới dạng uống hoặc tiêm. Mặc dù hóa trị có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng cách này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Tô Kim Sang - Bác sĩ Nội Ung bướu tại Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Hóa trị trong ung thư phổi là gì?

Hóa trị là một trong các biện pháp chữa trị ung thư chủ chốt, bao gồm cả ung thư phổi. Hóa trị giúp tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn chặn chúng di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.  

Bác sĩ có thể áp dụng hóa trị riêng lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích hay liệu pháp miễn dịch. Quyết định lựa chọn phương pháp hóa trị cụ thể như thế nào phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe, các bệnh kèm theo, các xét nghiệm gene, kết quả mô học, và tài chính của bệnh nhân.  

Trong trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và ung thư đã di căn xa, hóa trị thường là biện pháp chính.

Có hai phương thức để truyền hoá chất điều trị ung thư phổi là qua đường uống hoặc đường tiêm truyền, tùy thuộc vào phác đồ điều trị cá nhân của mỗi người.  

Ngoại trừ truyền hoá chất điều trị ung thư phổi qua đường tiêm, bệnh nhân vẫn có thể lựa chọn thuốc uống.
Ngoại trừ truyền hoá chất điều trị ung thư phổi qua đường tiêm, bệnh nhân vẫn có thể lựa chọn thuốc uống.

Hóa trị thường được thực hiện theo chu kỳ. Giữa các chu kỳ điều trị, bệnh nhân sẽ có khoảng thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi. Người bệnh cần tuân thủ đúng lịch hẹn định kỳ của bác sĩ. Nếu hóa trị trước chu kỳ thì bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Mặt khác, nếu bệnh nhân kéo dài thời gian điều trị sẽ làm hiệu quả của hóa chất giảm đi.

2. Khi nào thì truyền hoá chất điều trị ung thư phổi?

Như đã đề cập ở trên, quyết định lựa chọn phương pháp hóa trị cụ thể như thế nào phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bao gồm các trường hợp sau:

  • Hóa trị trước phẫu thuật (hay còn gọi là hóa trị tiền phẫu hoặc hóa trị tân hỗ trợ): Bệnh nhân được truyền hoá chất điều trị ung thư phổi trước khi phẫu thuật nhằm giảm kích thước khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phẫu thuật.
  • Hóa trị sau phẫu thuật (hay còn gọi là hóa trị hậu phẫu hoặc hóa trị hỗ trợ): Bác sĩ sẽ sử dụng hóa chất để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau cuộc phẫu thuật, giảm tỷ lệ tái phát bệnh và di căn.
  • Hóa trị kết hợp với xạ trị (còn gọi là hóa xạ trị đồng thời): Thường áp dụng cho những bệnh nhân không thể mổ được và chưa có dấu hiệu di căn xa.
  • Hóa trị đơn thuần: Dành cho những bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển, đã di căn xa. Phương pháp hóa trị được sử dụng để cải thiện triệu chứng bệnh và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

3. Các tác dụng phụ của truyền hoá chất điều trị ung thư phổi  

Hóa trị tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng cũng có thể một phần ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, nhất là các tế bào có tốc độ phát triển nhanh như ruột, niêm mạc miệng, tủy xương và tóc.  

Hiện nay, có nhiều phác đồ điều trị ung thư phổi bằng hóa chất với liều lượng khác nhau. Do đó, mỗi bệnh nhân sẽ có thể gặp tác dụng phụ khác nhau với các mức độ khác nhau, phụ thuộc vào kế hoạch điều trị cụ thể và tình trạng sức khỏe cá nhân. Tuy nhiên, phần lớn các tác dụng phụ này có thể được kiểm soát với các thuốc hỗ trợ.  

Các tác dụng phụ phổ biến khi truyền hoá chất điều trị ung thư phổi bao gồm:

  • Phản ứng dị ứng: Gồm nổi phát ban trên da, khô da, bong tróc da.
  • Buồn nôn, nôn mửa, viêm dạ dày.
  • Mệt mỏi.
  • Chán ăn và sụt cân.
  • Khó nuốt, khô miệng, loét niêm mạc miệng.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Rụng tóc.
  • Khô da.
  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
  • Thiếu máu, giảm bạch cầu và tiểu cầu.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Bệnh nhân dễ chảy máu hoặc bầm tím.
  • Suy thận.
  • Rối loạn chức năng gan.
  • Các vấn đề về hệ thần kinh ngoại biên: Đau đớn, ngứa ran, bỏng rát, tê bì chân tay.
  • Tác động đến khả năng sinh sản.
  • Tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch.

Các tác dụng phụ này có thể giảm dần sau khi kết thúc hóa trị hoặc xuất hiện muộn.

4. Làm gì để giảm tác dụng phụ của hóa trị ung thư phổi?

Trong thời gian gần đây, việc kiểm soát tác dụng phụ của hóa trị trong ung thư, nhất là đối với ung thư phổi, đã có cải thiện đáng kể. Một số biện pháp có thể giúp bệnh nhân giảm thiểu các tác dụng phụ trong quá trình truyền hoá chất điều trị ung thư phổi:

4.1 Thuốc hỗ trợ chống nôn và chống dị ứng

Trong mỗi chu kỳ hóa trị, bác sĩ thường sẽ kê thêm thuốc chống nôn cho bệnh nhân, nhằm phòng tránh và điều trị các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và đau bụng. Ngoài ra, để phòng ngừa các phản ứng dị ứng và sốc phản vệ, các thuốc chống dị ứng thường được sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau trước khi bắt đầu hóa trị và sau khi hóa trị.  

4.2 Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Người bệnh đang điều trị ung thư phổi thường thấy chán ăn và buồn nôn, cản trở việc ăn uống. Vì vậy, bệnh nhân có thể chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa ăn trong ngày để dễ dàng hấp thụ thức ăn.

Bệnh nhân nên ưu tiên thức ăn mềm, dễ tiêu và giàu chất xơ, đồng thời tránh các loại thực phẩm khó tiêu, cũng như hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ và đồ ăn cay. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bổ sung dầu ô liu, sữa hoặc sữa chua vào khẩu phần ăn để tăng cường calo và protein.

Bác sĩ cũng có thể kê thêm thuốc bổ sung sắt cho những bệnh nhân bị thiếu máu do ăn uống không ngon miệng hoặc do tác dụng phụ của hóa trị.

4.3 Vệ sinh răng miệng và thân thể

Vệ sinh răng miệng thường xuyên sẽ làm hạn chế viêm, loét và nhiễm trùng niêm mạc miệng. Mặt khác, bệnh nhân nên sử dụng dầu gội nhẹ dịu cho tóc và các loại sữa tắm ít kích ứng da để bảo vệ da và phòng ngừa các loại nhiễm khuẩn da và mô mềm.  

Một số bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng chín mé, viêm quanh móng ở các đầu ngón tay, ngón chân. Do đó, bệnh nhân nên cắt móng gọn gàng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.  

4.4 Nghỉ ngơi, vận động hợp lý

Sau quá trình truyền hoá chất điều trị ung thư phổi, bệnh nhân thường thấy mệt mỏi và cần nghỉ ngơi nhiều hơn so với bình thường. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần vận động vừa phải, phù hợp với tình trạng sức khoẻ và mức độ bệnh. Các bài tập từ nhẹ đến trung bình, điển hình như bài tập thở và thư giãn, không chỉ giúp cải thiện chức năng hô hấp mà còn tăng cường hiệu quả điều trị.

4.5 Các bài tập trí não

Thực hiện các hoạt động trí não như giải ô chữ có thể làm giảm cảm giác mơ màng, hay quên đồng thời giảm bớt căng thẳng và lo lắng.

4.6 Bảo vệ da

Một số loại hóa chất trong điều trị ung thư phổi có thể gây ra vấn đề về da, như khô da. Vì vậy, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc da, đặc biệt là sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời.

4.7 Thay đổi phác đồ, chiến lược điều trị

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thay đổi loại hóa chất điều trị nếu bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm hoặc trở nên mất kiểm soát.

4.8 Sử dụng thảo dược tăng sức đề kháng, diệt khối u ác tính

Hiện nay, việc kết hợp thảo dược và phương pháp tây y đang được các chuyên gia khuyến khích nhằm tăng cường hệ miễn dịch, tác động đến khối u phổi mà không gây tổn thương cho tế bào khỏe mạnh, giúp bệnh nhân có đủ sức khỏe để tiếp tục quá trình điều trị. Tuy nhiên, không phải loại thảo dược nào cũng có lợi do có thể có kèm theo các tác dụng phụ tiềm tàng. Một số loại thảo dược có thể có tương tác với thuốc đang điều trị (làm giảm hiệu quả của thuốc hóa trị hoặc làm tăng tác dụng phụ của thuốc).  

Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung nào trong và sau hóa trị, bệnh nhân cần thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ. Một số thành phần trong sản phẩm bổ sung có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hóa trị ung thư phổi hoặc gây hại cho sức khỏe của bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe