Chỉ trẻ em mới bị tay chân miệng, bệnh tay chân miệng chỉ xảy ra vào thời điểm chuyển mùa hay trẻ từng bị bệnh sẽ không mắc lại... là một số quan niệm sai lầm điển hình khiến cho bệnh tay chân miệng lây lan nhanh.
1. Bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh do nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Hầu hết các trường hợp bệnh tay chân miệng đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu điển hình của tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da. Các nốt dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, cụ thể:
- Giai đoạn ủ bệnh: từ 3-7 ngày, trẻ thường không có triệu chứng gì hoặc chỉ ươn người và biếng ăn.
- Giai đoạn khởi phát: diễn ra từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Giai đoạn toàn phát: có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình: vết loét đỏ hay phỏng nước, đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau trong miệng khiến trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
Đồng thời phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.
2. Những sai lầm phổ biến khiến bệnh tay chân miệng lây lan nhanh
Dưới đây là một số quan niệm sai lầm sau đây khiến cho bệnh tay chân miệng lây lan mạnh hơn:
2.1. Chỉ trẻ em mới bị mắc bệnh tay chân miệng
Bệnh xảy ra cho mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là nhóm dưới 3 tuổi do ý thức tự vệ sinh chưa có. Tuy nhiên, theo thống kê, vẫn có một tỷ lệ nhất định mà đối tượng mắc bệnh là người lớn.
2.2. Bệnh chỉ xảy ra vào thời điểm chuyển mùa
Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm. Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng lây lan và thường bùng phát mạnh vào miền Nam ở 2 thời điểm trong năm: Từ tháng 4 đến tháng 6 và từ tháng 10 đến tháng 12, đặc biệt là ở những nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém.
2.3. Bệnh có liên quan đến virus viêm da
Khi mắc bệnh, trẻ thường có những triệu chứng như nổi những nốt hồng ban bóng nước ở những vị trí khác nhau trên da nên có thể khiến nhiều người nhầm lẫn bệnh tay chân miệng với vài bệnh khác như dị ứng da, nhiễm trùng da...
Thực tế thì bệnh không liên quan đến virus gây viêm da. Bệnh thường do Enterovirus - một nhóm virus đường ruột gây ra.
Do đó, khi không chắc chắn về tình trạng của trẻ, bệnh tiến triển thì ba mẹ không nên tự bắt bệnh, hoặc nguy hiểm hơn là tự điều trị cho trẻ, điều này là vô cùng nguy hiểm. Trẻ nên được đưa đến trung tâm y tế gần nhất để được khám cũng như phát hiện chính xác nguyên nhân để điều trị.
2.4. Tỷ lệ biến chứng của bệnh rất cao
Bệnh tay chân miệng có thể gây ra biến chứng, nhưng độ nguy hiểm thấp. Phần lớn trẻ sẽ phục hồi hoàn toàn trong vòng 7-10 ngày. Do đó không nên hốt hoảng khi phát hiện trẻ mắc tay chân miệng.
Nhiều người khi phát hiện trẻ bệnh thường bọc bé trong chăn kín, bắt ở nhà, không cho tiếp xúc với gió, ánh nắng mặt trời, vô tình làm cho bệnh ngày càng nặng hơn. Một số người sốt ruột chọc vỡ bóng nước là hoàn toàn không nên. Cũng không nên lơ là khi trẻ bệnh.
2.5. Trẻ từng bị bệnh sẽ không mắc lại
Người từng bị bệnh tay chân miệng vẫn có khả năng mắc lại vì có nhiều chủng siêu vi gây ra bệnh này. Thường gặp nhất là chủng virus Coxsackie A16, ngoài ra còn có Coxsackie nhóm A (A5, A7, A9, A10) hoặc Coxsackie nhóm B (B2, B5 và EV-17),..
2.6. Không cần đưa trẻ bệnh tay chân miệng đi viện
Phần lớn các trường hợp bệnh tay chân miệng không cần nhập viện mà chỉ cần theo dõi tại nhà. Bệnh với triệu chứng nhẹ sẽ hết trong vòng 7-10 ngày không cần điều trị.
Trong trường hợp trẻ xuất hiện triệu chứng của bệnh tay chân miệng nhưng chưa chắc chắn, cha mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để được chẩn đoán cũng như hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi chính xác.
Cần theo dõi kỹ lưỡng tình trạng của trẻ nhằm phát hiện các triệu chứng nặng như co giật, đi loạng choạng, nôn ói liên tục, sốt cao khó hạ thì cần đưa trẻ đến trung tâm y tế ngay để điều trị, tránh biến chứng có thể xảy ra.
2.7. Nhiễm virus bệnh tay chân miệng là sẽ phát bệnh
Bất kỳ ai cũng đều có thể nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng, nhưng không phải ai nhiễm đều biểu hiện ra bệnh. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là các đối tượng dễ phát bệnh do hệ miễn dịch còn yếu.
2.8. Bóng nước do bệnh tay chân miệng gây đau nhức
Bóng nước của bệnh thủy đậu thường gây ngứa và đau khi ấn lên vùng da có bóng nước, nhưng bóng nước của bệnh tay chân miệng thì không gây ngứa và ấn không đau. Khi bóng nước khô, trên da sẽ để lại vết thâm, không loét, không bao giờ có sẹo.
Trẻ quấy khóc hay khó chịu khi mắc tay chân miệng thường là do các triệu chứng khác như sốt, nôn nhiều, nhức đầu, đau họng, tiêu chảy.
2.9. Chủ quan trong việc giữ vệ sinh
Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây qua tiếp xúc với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các mụn bóng nước, phân nhiễm virus. Trẻ nhỏ hay cho tay, đồ chơi vào miệng nên nếu virus vương trên đồ chơi, thì có thể theo đường miệng vào cơ thể.
Do đó, nếu ba mẹ không chú ý nhiều đến việc giữ vệ sinh cho trẻ thì nguy cơ khiến bệnh tay chân miệng lây lan là rất cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.