Tăng cân là sự gia tăng khối lượng của cơ thể có liên quan đến khối lượng cơ bắp, chất béo tích tụ, chất lỏng dư thừa. Vì thế nếu không kiểm soát được cân nặng cũng như không tìm ra được nguyên nhân tăng cân có thể tạo tiền đề cho cơ thể mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vậy lý do chính gây ra tình trạng tăng cân là gì?
1. Tăng cân có đặc điểm như thế nào?
Tăng cân xảy khi khi có nhiều năng lượng (như lượng calo từ tiêu thụ thực phẩm và đồ uống) tăng cao hơn so với năng lượng tiêu tốn của các hoạt động sống hàng ngày, bao gồm các quá trình sinh lý bình thường và tập thể dục.
Nếu trọng lượng cơ thể đạt tiêu chuẩn mà vẫn tăng cân thì có thể là do lượng mỡ trong cơ thể tăng lên. Điều này khiến cơ thể trở thành thừa cân hoặc béo phì và thường được hiểu là có nhiều mỡ trong cơ thể (mô mỡ). Có thể sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI) là thước đo trọng lượng cơ thể có tỷ lệ với chiều cao để kiểm tra các mức cân nặng theo tiêu chuẩn.
Mô mỡ dư thừa là một tình trạng phổ biến, đặc biệt là khi cơ thể được cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào nhưng lại có lối sống ít vận động và luyện tập thể dục. Khi bị thừa cân và béo phì có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như: tiểu đường, bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu,... Hơn nữa, nó còn là yếu tố làm thay đổi trong phản ứng của cơ thể với insulin (kháng insulin), trạng thái tiền viêm và tăng xu hướng huyết khối (trạng thái prothrombotic).
2. Những nguyên nhân gây tăng cân
2.1. Thiếu ngủ
Có hai vấn đề trong hoạt động của giấc ngủ và tăng cân. Đầu tiên, nếu bạn thức khuya, tỷ lệ xuất hiện những bữa ăn nhẹ vào đêm khuya sẽ tăng lên. Điều đó có nghĩa là lượng calo sẽ tăng hơn so với mức bình thường.
Một lý do khác có liên quan đến những hoạt động diễn ra trong cơ thể nếu bạn thiếu ngủ. Đó chính là sự thay đổi hormone là tăng cảm giác đói và thèm ăn. Thêm vào đó, sự thiếu ngủ còn khiến cho bạn không cảm thấy no sau khi ăn.
2.2. Stress - căng thẳng
Khi nhu cầu của cuộc sống trở nên quá mãnh liệt, cơ thể chúng ta sẽ chuyển sang chế độ sinh tồn. Lúc này, Cortisol - hormone căng thẳng được tiết ra và gây ra sự thèm ăn. Điều đó sẽ làm cho chúng ta nhanh chóng tiếp cận với các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao trong khoảng thời gian chúng ta cảm thấy căng thẳng. Sự kết hợp này sẽ là nguyên nhân hoàn hảo gây nên tăng cân.
2.3. Thuốc chống trầm cảm
Một tác dụng phụ thường thấy từ một số loại thuốc chống trầm cảm đó là tăng cân. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về việc thay đổi kế hoạch điều trị nếu bạn nghĩ rằng thuốc chống trầm cảm của bạn đang gây tăng cân. Nhưng bạn nên nhớ rằng không bao giờ được dừng lại đột ngột hay thay đổi thuốc nếu không có sự chỉ định của bác sĩ.
Các nghiên cứu cũng đã nhận định rằng ở một số người bị tăng cân sau khi bắt đầu được điều trị bằng thuốc. Điều này có thể là do họ cảm thấy sức khoẻ tốt hơn và sẽ khiến họ ăn tốt hơn cũng như thèm ăn nhiều hơn. Ngoài ra, bệnh trầm cảm cũng có thể là nguyên nhân gây ra những thay đổi về cân nặng.
2.4. Steroid
Các loại thuốc chống viêm steroid như prednison nổi tiếng là có nguy cơ gây tăng cân cao. Nguyên nhân là do thuốc này có tác dụng giữ nước và tăng sự thèm ăn. Một số người cũng có thể thấy sự thay đổi tạm thời trong cơ thể (như ở mặt, bụng và sau gáy) của họ là giữ chất béo trong khi sử dụng steroid.
Nếu bạn sử dụng steroid trong khoảng một tuần và đừng dừng sử dụng chúng một cách đột ngột. Bởi vì, điều đó có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng. Trước khi muốn thay đổi thuốc hoặc kế hoạch điều trị, bạn cần được tư vấn từ bác sĩ hay các chuyên gia để tránh những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
2.5. Thuốc có thể gây tăng cân
Một số loại thuốc theo toa có liên quan đến nguyên nhân tăng cân. Những thuốc này bao gồm thuốc chống loạn thần (được sử dụng để điều trị các rối loạn như tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực), các loại thuốc điều trị chứng đau nửa đầu, thuốc điều trị co giật, thuốc điều trị huyết áp cao và bệnh tiểu đường.
Trước khi sử dụng các loại thuốc theo toa, bạn nên trao đổi với bác sĩ để có thể tìm được loại thuốc điều trị phù hợp với các triệu chứng bệnh hiện có đồng thời hạn chế các tác dụng phụ do thuốc gây ra.
2.6. Thuốc tránh thai
Trái với suy nghĩ của nhiều người, thuốc tránh thai kết hợp (estrogen và progestin) không được chứng minh là nguy cơ gây tăng cân lâu dài. Người ta cho rằng một số phụ nữ dùng thuốc kết hợp có thể gặp phải một số dấu hiệu tăng cân liên quan đến giữ nước, nhưng điều này thường là ngắn hạn. Nếu bạn vẫn lo lắng về việc tăng cân có thể, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.
2.7. Suy giáp
Nếu tuyến giáp của bạn không tạo đủ hormone tuyến giáp, thì lúc này bạn có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, yếu, lạnh và tăng cân. Không đủ hormone tuyến giáp làm cho quá trình trao đổi chất chậm lại, khiến cho việc tăng cân có thể dễ dàng xảy ra hơn. Ngay cả khi tuyến giáp hoạt động ở dưới phạm vi bình thường cũng có thể là nguyên nhân tăng cân. Cho nên, điều trị suy giáp bằng thuốc có thể đảo ngược một số vấn đề về cân nặng.
2.8. Thời kỳ mãn kinh
Hầu hết phụ nữ tăng cân trong khoảng thời gian mãn kinh, nhưng hormone có lẽ không phải là nguyên nhân duy nhất. Thêm vào đó, sự lão hoá cũng làm chậm quá trao đổi chất do đó quá trình đốt cháy calo sẽ ít hơn. Và những thay đổi trong lối sống (ít luyện tập thể dục) cũng đóng vai trò quan trọng.
Những vị trí tăng cân có thể liên quan thời kỳ mãn kinh thường do chất béo tích tụ quanh eo, hông và đùi.
2.9. Hội chứng Cushing
Tăng cân là một trong những triệu chứng phổ biến của hội chứng Cushing, đây là một tình trạng khi bị tiếp xúc với quá nhiều hormone căng thẳng Cortisol gây ra tăng cân và các triệu chứng bất thường khác.
Bạn có thể mắc hội chứng Cushing nếu sử dụng steroid cho bệnh hen suyễn, viêm khớp hoặc lupus ban đỏ. Nó cũng có thể xảy ra khi tuyến thượng thận của bạn tạo ra quá nhiều cortisol hoặc nó có thể liên quan đến khối u. Vị trí tăng cân có thể tập trung ở quanh mặt, cổ, lưng trên hoặc eo.
2.10. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Hội chứng buồng trứng đa nang là một vấn đề nội tiết tố phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Hầu hết phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang phát triển nhiều u nang nhỏ trên buồng trứng. Tình trạng này dẫn đến mất cân bằng hormone đồng thời ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của lông trên cơ thể cũng như mụn trứng cá. Phụ nữ mắc bệnh này còn bị kháng insulin (hormone kiểm soát lượng đường trong máu). Do đó, có thể gây tăng cân. Cân nặng có xu hướng tăng ở các vị trí quanh bụng khiến cho các phụ nữ này có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
2.11. Thuốc lá
Bỏ hút thuốc lá là một trong những hành động tốt nhất bởi nó có thể giúp cho sức khỏe của cơ thể trở nên tốt hơn. Khi bỏ hút thuốc lá, bạn có thể tăng cân. Trung bình những người ngừng hút thuốc lá tăng ít nhất 4.5kg. Tuy nhiên, sau vài tuần bạn có thể điều chỉnh cân bằng cân nặng và điều này sẽ giúp bạn dễ dàng giảm cân hơn.
3. Một số quy tắc kiểm soát cân nặng nếu bạn bị tăng cân
3.1. Quy tắc 1
Đừng ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào mà không hỏi ý kiến của bác sĩ. Vì vậy, bạn cần phải có những nhận thức đúng về tầm quan trọng của loại thuốc mà bạn đang dùng.
Thuốc có thể rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Ngoài ra, nó lại có một số vấn đề khác có thể khiến bạn tăng cân. Cho nên, hãy gặp bác sĩ để bạn có thể tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục thích hợp.
3.2. Quy tắc 2
Đừng so sánh bản thân với những người khác khi dùng cùng một loại thuốc. Không phải tất cả mọi người đều gặp phải tác dụng phụ giống nhau trên cùng một loại thuốc. Ngay cả khi, một số thuốc có thể khiến người dùng giảm cân và điều này có thể không xảy ra với bạn
3.3. Quy tắc 3
Hãy nhớ rằng tăng cân chỉ là do giữ nước thì đó không phải là cân nặng cơ thể hay chất béo vĩnh viễn. Khi bạn đã uống thuốc xong hoặc tình trạng của bạn đã được kiểm soát, bọng mắt do ứ nước có thể giảm bớt. Trong khi đó, hãy tuân thủ chế độ ăn ít natri hơn.
3.4. Quy tắc 4
Nếu bạn có dấu hiệu tăng cân, hãy nhờ bác sĩ kiểm tra loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chuyển loại thuốc khác cho bạn sử dụng và không có tác dụng phụ tương tự như loại thuốc trước đó.
3.5. Quy tắc 5
Tìm hiểu xem sự tăng cân có phải là từ sự giảm chuyển hóa không hay do tình trạng y tế hoặc sử dụng thuốc. Và nếu do sự giảm chuyển hoá, thì hãy dành thời gian để tham gia các các hoạt động tăng cường trao đổi chất.
Duy trì cân nặng vừa phải kết hợp với việc rèn luyện và duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp chúng ta phòng chống được nhiều bệnh lý. Do đó việc tìm hiểu những lý do khiến cơ thể tăng cân quá đà, khó kiểm soát rất quan trọng.
Nguồn tham khảo: webmd.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Xem thêm:
- Tăng cân thời kỳ mang thai
- Ăn trái cây cũng có thể khiến bạn tăng cân
- Điểm danh những thực phẩm là nguyên nhân gây béo phì