Bài viết được tư vấn chuyên khoa bởi Thạc sĩ Trần Ngọc Ly - Chuyên viên Tâm lý - Trung tâm Y học tái tạo và Trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Khoảng 20% trẻ em chậm nói hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Bố mẹ/ hoặc người chăm sóc trẻ có thể theo dõi, quan sát các biểu hiện của trẻ hàng ngày để đưa trẻ đi khám chậm nói sớm nhất.
1. Khen ngợi trẻ quá mức
Khi được phỏng vấn về các đặc điểm của trẻ, có khá nhiều bố mẹ/người chăm sóc chia sẻ: “Cháu cái gì cũng biết, chỉ chậm nói và không nói ra thôi”. Tuy nhiên, bố mẹ/người chăm sóc trẻ lại chưa hiểu rõ về mức độ “biết” của trẻ. Một số ví dụ mà bố mẹ/người chăm sóc đưa ra về việc “trẻ cái gì cũng biết” đó là:
- Trẻ thấy người lớn giấu đồ đi thì biết ăn vạ
- Trẻ thấy đồ ăn là biết mang lại cho người lớn bóc hoặc kéo tay người lớn ra hỗ trợ
- Khi người lớn bảo “đi chơi thôi”, trẻ biết lấy giày, mũ để chuẩn bị đi cùng...
Tuy nhiên, mức độ hiểu biết đó chưa tương ứng với lứa tuổi của trẻ. Bố mẹ có thể tham khảo một số mức độ ngôn ngữ hiểu của trẻ theo từng độ tuổi như sau:
- 0 - 3 tháng tuổi: trẻ cần biết quay mặt về phía người nói, có những phản ứng qua lại mang tính chất giao tiếp với người đối diện, chú ý khi người khác nói chuyện với mình
- 7 - 9 tháng tuổi: trẻ cần biết dừng hoạt động khi được gọi tên; Trẻ biết nhìn, với, hoặc cười để đáp lại cử chỉ và âm thanh trong trò chơi xã hội; Trẻ có thể đáp ứng với tiếng nói bằng cách quay về hướng người nói; Trẻ có thể nhìn bức tranh được người lớn chỉ trong sách; Trẻ nhìn theo tay chỉ hướng về đồ vật ở xa; Trẻ có thể đáp lại các lệnh ngăn cấm như “Không”, “Dừng lại” bằng cách dừng hành động tạm thời; Trẻ có thể nhìn, với, cười (có thể kết hợp cử chỉ) để đáp lại ngôn ngữ/ cử chỉ của người lớn trong bài hát; Trẻ biết đưa đồ vật khi người lớn dang tay ra và yêu cầu bằng lời
- 10 - 12 tháng: Trẻ có thể làm theo một mệnh lệnh đơn giản như "đặt nó xuống"; Thể hiện hiểu các yêu cầu nghe được bằng cử chỉ của đầu, cơ thể; Tăng chú ý vào lời nói trong một khoảng thời gian dài; Bắt đầu nhận ra vật, hình ảnh qua gọi tên; Thực hiện hoạt động cơ thể theo hướng dẫn có kết hợp với hiệu lệnh lời nói/ cử chỉ (VD “Ngồi xuống”, “Đến đây”, “Dọn dẹp nào”; Thực hiện hoạt động cơ thể theo hướng dẫn lời nói không kèm theo cử chỉ (VD “Ngồi xuống”, “Đến đây”, “Dọn dẹp nào”,...
- Giai đoạn từ 1 - 2 tuổi: Lúc này ngôn ngữ hiểu của trẻ bước sang một giai đoạn mới. Trẻ có thể hiểu được một số câu hỏi đơn giản: Ở đâu? Cái gì?; Có thể nhận ra tên các bộ phận cơ thể: Mắt, tay, mũi, miệng,...; Trẻ hiểu được hơn 50 từ; Nhận diện một số quần áo, đồ chơi, thức ăn; Lấy được các đồ vật nằm trong tầm nhìn; Làm theo chỉ dẫn 2 bước đơn giản; Làm theo hướng dẫn “dừng lại” hoặc “chờ” mà không cần gợi ý hoặc cử chỉ; Tìm được 8-10 đồ vật trong phòng khi được yêu cầu; Chỉ vào bộ phận cơ thể được gọi tên trong ảnh; Nhận biết bằng cách chỉ hoặc nhìn một cách chú ý vào bức tranh được gọi tên (Bao gồm: xe hơi, con chó, con mèo, em bé)
- Giai đoạn từ 2 - 3 tuổi: Trẻ có thể nhận biết qua việc gọi tên các màu cơ bản; Nhớ các số đếm; Có thể xác định những đồ vật thông thường và hình ảnh của chúng: quần áo, liên quan đến bữa ăn, vệ sinh, chơi, thức ăn; Có thể làm theo những mệnh lệnh mới liên quan đến đồ vật/ hoạt động quen thuộc; Đáp lại một cách thích hợp với câu hỏi “có hoặc không” dựa theo sở thích; Nhận biết được 5 hành động hoặc nhiều hơn trong tranh ảnh hoặc trong sách; Làm theo hai lời hướng dẫn hoặc nhiều hơn trong những tình huống hàng ngày (khi đi ngủ: đọc sách và nằm trên giường ngủ; khi đánh răng: lấy bàn chải đánh răng và kem đánh răng); Phân biệt được sự khác nhau của kích thước: Lớn- nhỏ/ dài - ngắn...; Chú ý và tham gia một cách thích thú trong 5-10 phút khi người lớn đọc cuốn sách quen thuộc sử dụng mẫu câu đơn giản
2. Ít tạo cơ hội cho con làm việc nhà
Hiện nay, hầu hết các gia đình đều chỉ có một - hai con, nên rất yêu thương và muốn con học hành được trọn vẹn. Bố mẹ thường sẽ có xu hướng làm thay con mọi việc, chứ không yêu cầu trẻ làm việc gì. Nói “làm việc nhà” nghe có vẻ to lớn, nhưng thật ra chỉ là những việc phụ giúp gia đình phù hợp với từng lứa tuổi như sau:
- Độ tuổi 2 - 3 tuổi, trẻ có thể làm một số việc như: Cất đồ chơi sau khi chơi xong; Bỏ rác vào thùng; Xếp sách lên giá; Vứt bỉm đã sử dụng...
- Độ tuổi 4 - 5 tuổi, gia đình có thể yêu cầu trẻ: Dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong; Gấp chăn màn; Tham gia vào các hoạt động nấu ăn đơn giản cùng mẹ; Lau bàn ăn; Cho quần áo bẩn vào máy giặt...
Cần lưu ý rằng, khi trẻ được giao nhiệm vụ, trẻ sẽ học được quy tắc và có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình.
3. Bố mẹ cho rằng: trẻ chậm nói trước sau gì cũng sẽ nói
Một số người lớn cho rằng, “trẻ hàng xóm cũng chậm nói nhưng giờ 3 tuổi rồi và nói vanh vách”, hoặc “bố trước đây 3 tuổi mới nói mà giờ vẫn thông minh”... Nên một vài gia đình thấy con mình chậm nói thì chủ quan, cho rằng con mình cũng giống như vậy, còn bé chưa nói được, trước sau gì cũng sẽ nói. Tuy nhiên, họ chưa phân biệt được các mức độ của nặng/nhẹ của chậm nói, cũng chưa biết được rằng chậm nói còn có thể là dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ hoặc chậm phát triển. Ngoài ra, các bố mẹ cũng chưa biết rằng ngôn ngữ còn liên quan tới khả năng nhận thức, tính độc lập và khả năng giao tiếp, tương tác của trẻ. Việc cho trẻ đi khám, và đi học can thiệp hoặc hỗ trợ thêm cho trẻ tại nhà là điều cần thiết.
Vì vậy, ngoài vấn đề chậm nói, bố mẹ cần quan sát một số đặc điểm sau của trẻ, để có phương hướng hỗ trợ sớm cho con
- Trẻ có gặp khó khăn trong giao tiếp, ví dụ như: ít nhìn mắt người khác, ít có phản ứng khi được gọi tên, ít biết khoe hoặc mách người khác, không thích chơi cùng các bạn mà chỉ thích chơi một mình, trẻ chỉ cần tìm đến người lớn khi có nhu cầu giúp đỡ trẻ (như ôm ấp, như lấy hộ đồ) chứ không cần người lớn chơi cùng...
- Mức độ hiểu và nhận thức của trẻ có gặp khó khăn không, bố mẹ có thể liên hệ với các mốc ngôn ngữ hiểu ở trên để đánh giá sơ bộ về tình hình của trẻ
4. So sánh đặc điểm giữa các trẻ và kết luận là con không khó khăn như các bạn khác
- Trẻ vẫn thích chơi đồ chơi thì sao lại là tự kỷ được
- Trẻ khi sai việc vẫn hiểu, chỉ là ít khi thực hiện thôi
- Khi thấy bố mẹ về, trẻ vẫn bám và quấn bố mẹ chứ không phải tự kỷ, là không biết thể hiện tình cảm gì
- Trẻ ít nhớ khi người lớn hướng dẫn, nhưng vẫn thực hiện khi sai việc, mẹ quát thì biết dừng hành vi,....
Ví dụ, trường hợp trẻ ba tuổi, đã đi can thiệp một năm (với hình thức 1 - 1 theo giờ, thời gian còn lại sẽ học mầm non hòa nhập). Trẻ có thể gọi tên chữ số, chữ cái, màu sắc, biết thực hiện theo một số yêu cầu đơn giản của mẹ. Tuy nhiên, trẻ rất ít giao tiếp mắt với người khác, chỉ thích chơi một mình, người lớn gọi ít quay lại, cũng ít tương tác trong quá trình chơi. Mẹ của trẻ thì so sánh, có một bạn gần nhà nặng hơn trẻ này nhưng lại nói được rồi, mà con mình mãi hơn một năm vẫn chưa nói được nhiều, vậy thì việc giáo dục không phù hợp hoặc giáo viên không có tâm. Nhưng thực ra, khi đánh giá, chúng tôi nhận thấy mức độ tự kỷ của trẻ khá cao, trẻ chỉ ít có hành vi xâm khích đến người khác, và không hoạt động nhiều, và trẻ cần được hỗ trợ nhiều hơn, không chỉ 1 tiếng một ngày. Sau đó, bác sĩ đã thực hiện công tác tư tưởng với mẹ, để mẹ nhận rõ và chấp nhận vấn đề của con không phải chỉ chậm nói và khuyến khích mẹ tăng thời gian can thiệp cho trẻ.
Khi thăm khám cho trẻ, các bác sĩ sẽ tương tác với trẻ, quan sát trẻ và kết hợp thực hiện test, hỏi thêm bố mẹ để phân tích xem các dấu hiệu của trẻ có điển hình không, hoặc đã khái quát hóa trong các môi trường không, rồi mới đưa ra những đánh giá về trẻ. Chỉ qua thăm khám, và được các chuyên gia lý giải về các khó khăn của con, thì bố mẹ/người chăm sóc mới nhận thức rõ được về các dấu hiệu của trẻ, cũng như cách thức tác động phù hợp trong thời gian tới.
5. Đặt ra những hi vọng không thực tế
Trong quá trình thăm khám, nhiều bố mẹ/người chăm sóc đặt ra 2 vấn đề trong quá trình phát triển của trẻ.
Một là người lớn sẽ đưa ra các yêu cầu bằng ngôn ngữ, và muốn trẻ nghe hiểu và tự thực hiện theo. Tuy nhiên, trẻ sẽ học tập theo hai cơ chế là chủ yếu, (1) có một số bạn sẽ tự quan sát người lớn, lặp lại các hành vi hoặc tự khám phá thế giới và tự học tốt, và (2) có một số trẻ lại cần được người lớn hướng dẫn, được người lớn “cầm tay chỉ việc” để trẻ có thể học được. Ví dụ, đơn giản nhất là việc yêu cầu trẻ đi vứt rác. Với những trẻ có ngôn ngữ hiểu tốt, người lớn có thể làm mẫu một hai lần rồi đề nghị trẻ làm, nhưng có một số bạn sẽ cần người lớn cầm tay và đưa trẻ tới thùng rác, thả rác vào, lặp lại việc đó một vài lần thì trẻ mới hiểu và thực hiện theo được.
Vấn đề thứ hai, bố mẹ thường hỏi “Bao giờ trẻ có thể bình thường trở lại”, hoặc “Liệu dạy thì trẻ có thể trở lại bình thường hoặc kịp với các bạn được không”. Ở địa vị là những bố mẹ lo lắng và quan tâm đến con thì câu hỏi này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã giải thích cho bố mẹ về sự phát triển hiện tại của trẻ, độ vênh giữa tuổi thực và tuổi phát triển, và cần có một khoảng thời gian tối thiểu để trẻ “đuổi kịp” các mốc phát triển lứa tuổi. Bên cạnh đó, tuổi thực của trẻ ngày càng tăng, thì những kỹ năng của trẻ phải học thêm rất nhiều. Vì vậy, trẻ cần có thời gian để học tập những kỹ năng đó, và đó là một quá trình theo tháng, theo quý, hoặc theo năm, chứ không phải chỉ một vài buổi. Việc của bố mẹ là sẽ hỗ trợ cùng con, giúp con đạt được mốc phát triển gần nhất, và đánh giá định kỳ để xác định sự phát triển của con kịp thời.
6. Ít cho trẻ tự lập vì trẻ còn bé
Với trẻ nhỏ, mục “cá nhân xã hội “ là một lĩnh vực quan trọng của quá trình phát triển. Trong đó, những kỹ năng tự phục vụ của trẻ được đánh giá cao. Với trẻ dưới sáu tuổi, một số kỹ năng nên được lưu ý với trẻ gồm có:
- Sử dụng thìa, dĩa, đũa phù hợp
- Tự cầm cốc uống nước
- Biết đánh răng
- Biết cởi hoặc mặc quần áo
- Biết giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà
Tùy từng độ tuổi, trẻ sẽ có thể thực hiện các mục trên ở mức độ khác nhau. Nhưng có rất ít các trường hợp được bố mẹ hướng dẫn, hoặc tạo điều kiện cho trẻ tự lập. Đặc biệt với các trẻ dưới 2 tuổi, hoặc các trẻ chưa có ngôn ngữ nói, người lớn sẽ có xu hướng làm hộ trẻ hoàn toàn, thậm chí, kể cả việc ăn, cũng sẽ căn giờ để cho trẻ ăn chứ không phải do trẻ đói rồi đòi hỏi. Tương tự, những việc của bản thân trẻ như cởi/mặc quần áo, đi/tháo giày dép, lấy cốc uống nước... cũng có nhiều nhà chưa cho trẻ được thực hiện. Một điều bố mẹ cần biết, khả năng tự lập sẽ song hành cùng khả năng khám phá thế giới, thể hiện bản thân. Khi một em bé chưa được chủ động với các việc của bản thân, em ấy sẽ giảm đi việc khám phá và thể hiện mình là một cá nhân độc lập. Và cũng có nhiều bạn chậm nói, chậm cả kỹ năng tuân theo quy tắc và tự phục vụ, khiến cho trẻ khó thích nghi khi đi học hoặc ra môi trường khác ngoài gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.