Bất kỳ sự cắt cụt chi nào cũng là một trải nghiệm tàn khốc. Việc cắt cụt chi có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất, tâm thầm và làm thay đổi cuộc sống của bạn ở nhà cũng như cơ quan. Cuộc sống sau cắt cụt chi phải làm sao để thích nghi, cắt cụt chi đau thế nào và có thể đi lại sau cắt cụt chi không là những câu hỏi mà không chỉ bệnh nhân quan tâm mà còn là mối lo lắng của những người thân, gia đình. Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích một số khó khăn mà bạn phải đối diện sau khi cắt cụt chi.
1. Đại cương về cắt cụt chi
Cắt cụt chi là phẫu thuật cắt bỏ một phần cơ thể, chẳng hạn như một phần cánh tay hoặc chân. Nguyên nhân của việc cắt cụt chi có thể là do:
- Các bệnh lý như bệnh mạch máu (được gọi là bệnh mạch máu ngoại vi hoặc PVD), bệnh tiểu đường, cục máu đông hoặc viêm tủy xương (nhiễm trùng trong xương).
- Chấn thương nghiêm trọng đối với chân/tay, ví dụ như vết thương dập nát hoặc nổ. Theo thống kê khoảng 75% các ca cắt cụt chi trên có liên quan đến chấn thương, đặc biệt là chấn thương ở tay.
- Phẫu thuật cắt khối u khỏi xương và cơ.
Mất chi tạo ra khuyết tật vĩnh viễn có thể ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân, khả năng tự chăm sóc và khả năng vận động, đi lại sau cắt cụt chi của bệnh nhân. Sau phẫu thuật cắt cụt chi phải làm sao để sinh hoạt và làm việc được là vấn đề tất cả bệnh nhân cắt cụt chi quan tâm. Trên thực tế, sau phẫu thuật, bệnh nhân thường được tập phục hồi chức năng để có đi lại sau cắt cụt chi cũng như sinh hoạt, học tập và làm việc trở lại. Sự thành công của phục hồi chức năng phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Mức độ và kiểu cắt cụt chi
- Loại và mức độ nặng của bệnh lý khiến bệnh nhân phải cắt cụt
- Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân
- Hỗ trợ từ gia đình
2. Cuộc sống sau cắt cụt chi
Mất một chi trên cơ thể làm thay đổi và đảo lộn cuộc sống của bạn. Bạn lo lắng cắt cụt chi phải làm sao để đối diện. Bạn có thể cảm thấy chán nản, lo lắng, tức giận, sợ hãi,... Trên tất cả, bạn nên nhớ rằng mục đích của cắt cụt chi là để bảo vệ sức khỏe bạn. Phục hồi sau cắt cụt chi là một quá trình lâu dài và khó khăn nhưng điều quan trọng là phải kiên trì. Như đã trình bày ở trên, các phương pháp phục hồi chức năng sẽ giúp bạn có thể sinh hoạt và làm việc và đi lại sau cắt cụt chi. Tuy nhiên, có một số khó khăn bạn có thể phải đối mặt và chuẩn bị tâm lý. Sự cắt cụt chi sẽ ảnh hưởng cả thể chất và tinh thần của bạn, cụ thể:
2.1. Đau
Khó mà trả lời chính xác cắt cụt chi đau thế nào? Vì người cụt chi có thể bị các kiểu đau và mức độ đau khác nhau tùy từng trường hợp. Một số người có thể cảm thấy khó chịu hoặc cảm giác bỏng rát giống như bị sốc tạm thời và thoáng qua. Một số khác phản ánh rằng họ đau kinh niên và có cảm giác đau không thể chịu đựng được. Hiện tượng đau phổ biến hơn ở phụ nữ và những người bị mất chi trên. Các cảm giác đau có thể là:
- Đau do các nhóm dây thần kinh bị tổn thương tại vị trí cắt cụt.
- Đau chi “ma” hay còn gọi là chi “ảo” – tức là người bệnh cảm thấy đau đớn ở phần chi đã bị cắt bỏ. Đau chi “ma” là một tình trạng rất phổ biến, ảnh hưởng đến 80% tổng số người bị cụt chi. Từ “ma” không có nghĩa là nỗi đau không tồn tại; tất cả nỗi đau đều thực đối với người bị cụt chi, nhưng nguồn gốc thực sự của nỗi đau nằm trong não bộ của người đó.
2.2. Chảy máu mỏm cụt
Phần còn lại của một chi sau khi bị cắt cụt gọi là mỏm cụt. Sau phẫu thuật, các va đập hoặc tụt chỉ, chảy máu đầu xương hoặc cầm máu không kỹ... là những lý do kiến mỏm cụt bị chảy máu. Thật không may là nếu bạn gặp phải trường hợp này, bạn có thể cần được mổ lại để cầm máu.
2.3. Viêm da - nhiễm trùng
Tình trạng viêm da quanh mỏm cụt có thể xảy ra do:
- Dị ứng với thuốc bôi
- Nhiệt độ cao gây phồng rộp
- Vệ sinh mỏm cụt kém,...
Với những người bị cụt chi, nếu da trên phần còn lại của chi bị nứt khiến vết thương hở ra thì có thể dẫn đến bị nhiễm trùng. Hậu quả có thể là phải phẫu thuật lại để loại bỏ thêm một phần chi.
2.4. Co rút cơ
Những người bị cụt chi, đặc biệt là chi dưới có nguy cơ rất cao bị co rút cơ do sự thay đổi đột ngột và mạnh mẽ về giải phẫu và thần kinh cũng như các áp lực do trọng lượng đặt lên các chi dưới. Mỏm cụt nếu không được vận động và được đặt ở một vị trí cố định trong một thời gian dài khiến cơ bị co rút và biến dạng. Sự kém vận động còn có thể dẫn đến yếu cơ hoặc teo cơ,...
2.5. Khả năng vận động
Đi lại sau cắt cụt chi phụ thuộc vào mức độ cắt cụt. Cắt cụt chi phải làm sao để có thể đi lại là một thách thức, đặc biệt là với những người bị cắt chi dưới. Việc cắt cụt chi trên cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động (rất có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng của một người). Điều này có thể làm cho người bị thương dễ bị ngã hoặc va chạm với đồ vật và người, đặc biệt là trong giai đoạn đầu sau chấn thương.
May mắn thay, trong phần lớn các trường hợp, sau khi được chăm sóc và phục hồi đầy đủ, người bị thương sẽ có thể sử dụng chân giả giúp họ đi lại sau cắt cụt chi. Nếu bị cắt cụt ở bàn chân người bệnh vẫn đi lại bình thường, nhưng nếu mỏm cụt dưới gối, đi lại có thể bị hạn chế do đó thường không đi xa và đi nhanh được.
2.6. Khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày
Sau cắt cụt chi phải làm sao để có thể thực hiện được các sinh hoạt hàng ngày cũng là điều khiến bệnh nhân lo lắng. Bởi vì sau khi cắt cụt chi, rất có thể những công việc đơn giản trước đây như chuẩn bị thức ăn hoặc làm việc nhà có thể trở thành một thách thức to lớn. Tuỳ theo tầm mức đoạn chi mà có sự ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt của người bệnh như: tắm rửa, giặt giũ, thay quần áo, nấu ăn... Riêng những người bị cụt chi trên bị mất bàn tay thuận hoặc cánh tay thuận rất có thể gặp khó khăn trong việc hoàn thành các công việc đòi hỏi sự khéo léo bằng tay.
2.7. Ảnh hưởng tâm lý
Những ảnh hưởng tâm lý và tình cảm của việc mất một chi có thể vô cùng lớn, không chỉ đối với người bị thương mà còn đối với người thân, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Phụ nữ hoặc nam giới là lao động chính trong gia đình có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Theo các phân tích, có nhiều khả năng là một người bị cắt cụt chi do chấn thương sẽ cảm thấy bị tác động tâm lý và tình cảm nặng nề hơn so với một người đã trải qua một cuộc phẫu thuật cắt cụt theo kế hoạch. Nguyên nhân vì họ không có thời gian chuẩn bị cho việc mất đi chân tay.
2.8. Mệt mỏi
Những người bị cụt chi phải nỗ lực nhiều hơn để thực hiện nhiều hoạt động thường ngày có thể làm tăng mức độ mệt mỏi. Ví dụ như phải gắng sức nhiều hơn để đi lại bằng chân giả, hoặc đơn giản là mệt mỏi do mất nhiều thời gian hơn so với trước đây khi hoàn thành các hoạt động bình thường.
Ngoài ra, ảnh hưởng tâm lý của chấn thương và tai nạn có thể làm ảnh hưởng giấc ngủ và làm trầm trọng thêm tình trạng mệt mỏi của bệnh nhân.
2.9. Tác động xã hội
Việc cắt cụt chi có thể ảnh hưởng đến khả năng tham gia vào cùng các hoạt động xã hội, theo đuổi sở thích,...
2.10. Học tập và công việc
- Việc đi học, đi làm có thể trở thành khó khăn của người bị cắt cụt chi, đặc biệt là khi trường học, cơ quan xa nhà.
- Cắt bỏ một phần tay phải có thể làm trẻ phải học viết bằng tay trái. Đối với những người đi làm thì khả năng thao tác công việc cũng sẽ bị giảm do bị cắt cụt ở tay.
Được thông báo rằng bạn cần phải cắt cụt chi có thể là một trải nghiệm kinh hoàng và đáng sợ và việc thích nghi với cuộc sống sau khi cắt cụt chi có thể là một thách thức. Cắt cụt chi phải làm sao để có thể sinh hoạt, làm việc như bình thường là điều khiến bạn lo lắng. May mắn thay, các thiết bị hỗ trợ sinh hoạt có thể hỗ trợ để bạn có thể đi lại sau cắt cụt chi cũng như thực hiện vệ sinh cá nhân hay thực hiện các công việc tại gia đình và cơ quan.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.