Bướu máu ở lòng bàn tay ở trẻ có nên mổ không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Trọng - Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Nhi, phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Bướu máu là dạng thường gặp ở trẻ, xuất hiện lúc mới sinh và có đặc tính phát triển nhanh ở trẻ nhũ nhi. Nó xuất hiện ở khắp nơi trên cơ thể trong đó có lòng bàn tay. Bướu máu ở lòng bàn tay của trẻ nên phẫu thuật khi nó gây ảnh hưởng đến hoạt động chức năng cũng như có khả năng gây ra biến chứng nghiêm trọng như hoạt tử, cắt cụt chi...

1. Bướu máu là gì?

Bướu máu ở trẻ sơ sinh là khối u lành tính. Bướu máu thường phổ biến ở nhóm người da trắng, chúng xuất hiện nhiều ở trẻ gái và trẻ sinh non, nhẹ cân (dưới 1000 gam).

Bướu máu ở trẻ sơ sinh có thể được thấy khi sinh hoặc vài tuần đầu hoặc thậm chí vài tháng đầu của cuộc đời. Tuy nhiên, hầu hết các u mạch máu sẽ trở nên rõ ràng sau 2-3 tuần tuổi. Chúng thường xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể như các bướu máu lòng bàn tay, hoặc cổ, mặt...


Bướu máu có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể
Bướu máu có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể

Nguyên nhân của các bướu máu này vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết chúng không liên quan đến việc sử dụng thuốc trong lúc mang thai và cũng không liên quan đến bất kỳ phơi nhiễm môi trường nào. Với trường hợp được di truyền lại càng vô cùng hiếm xảy ra. Những nghiên cứu hiện nay đang tập trung vào các tế bào tiền thân của u mạch máu để tìm hiểu thêm về nguồn gốc cũng như nguyên nhân gây bệnh.

Bướu máu ở trẻ nhỏ hầu như luôn có giai đoạn tăng trưởng (tăng sinh) và tiếp theo là giai đoạn co rút. Hầu hết các bướu máu đều bắt đầu ở giai đoạn tăng sinh ngay sau khi trẻ được sinh ra. Giai đoạn này thường kéo dài trong 4-6 tháng và cũng có thể ngắn hơn hoặc dài hơn. Mỗi tổn thương có thời gian biểu tăng trưởng riêng. Thời gian ở giai đoạn co rút có thể mất tới 10 năm. Ở một số trẻ em, ngay cả khi những khối u mạch máu co lại hoàn toàn vẫn có thể để lại các mô mỡ và các mạch máu giãn nhỏ trên da.

2. Trẻ bị bướu máu lòng bàn tay có nên mổ không?

Hầu hết các u mạch máu co lại hoàn toàn và không cần điều trị. Tuy nhiên, tất cả trẻ em bị u máu nên trải qua kiểm tra đánh giá kỹ lưỡng để có phương pháp điều trị phù hợp. Việc quyết định có nên điều trị và khi nào điều trị sẽ được thực hiện dựa trên cơ sở phân tích của từng cá nhân. Cần xem xét tuổi, vị trí u máu, thể loại u máu, tiến triển của u máu và các khả năng biến chứng ngắn hạn cũng như dài hạn.


Dựa vào độ tuổi, vị trí u máu và thể chất của bé để đưa ra quyết định điều trị phù hợp
Dựa vào độ tuổi, vị trí u máu và thể chất của bé để đưa ra quyết định điều trị phù hợp

Điều trị u máu nói chung và u máu ở lòng bàn tay nói riêng có thể sử dụng các phương pháp:

  • Điều trị bằng thuốc: Đây là phương pháp điều trị nội khoa được sử dụng cho các u máu phức tạp trong giai đoạn tăng sinh. Mục đích là làm chậm sự tăng trưởng và giảm kích thước của tổn thương để ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn có thể xảy ra. Điều trị nội khoa có thể sử dụng tại chỗ, tiêm tại chỗ, uống thuốc hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Điều trị bằng laser: Liệu pháp này để điều trị những bệnh nhân u máu có thể bị loét. Tuy nhiên, liệu pháp này không hiệu quả điều trị giai đoạn tăng trưởng của u máu đồng thời có thể gây ra sẹo đáng kể.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật sẽ được khuyến nghị cho một số bệnh nhân cụ thể như: trẻ bị u máu và vết loét không lành, trẻ bị tổn thương cản trở hô hấp, những người có u mạch máu đã có sẹo hoặc bị biến dạng, điều trị thuốc nhưng không có kết quả.

Bướu máu ở lòng bàn tay có thể được trì hoãn điều trị bằng phẫu thuật với hy vọng khối u mạch máu sẽ thoái lui sau một thời gian tùy theo thể loại u máu. Tuy nhiên, khi bướu máu lòng bàn tay phát triển dẫn đến ảnh hưởng chức năng của cơ thể cùng với nhiều biến chứng khác như loét, hoại tử, nhiễm trùng thứ phát, xuất huyết... và kèm theo với việc phải cắt cụt các chi trong đó có tay thì lúc này cần phải điều trị phẫu thuật u máu.

Một trong những phương pháp điều trị bướu máu lòng bàn tay đó là liệu pháp áp lạnh, tiêm vào bên trong các khối u xơ cứng và chiếu xạ. Tuy nhiên, việc tác động lên nhân xơ cứng trong lòng bàn tay có thể tạo ra xơ hoá dẫn đến kết quả điều trị không cao và hạn chế tác dụng loại bỏ các tổn thương cũng như có thể biến đổi thành u ác tính.

Các bướu máu lòng bàn tay thường lớn hơn so với vẻ ngoài của nó, và nó có xu hướng xâm lấn sâu vào mô. Điều này gây khó khăn trong việc quản lý dị dạng mạch máu lan tỏa các vùng của cơ thể. Vì vậy, phẫu thuật bướu sẽ được xem xét cho từng trường hợp cá nhân cụ thể để làm giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Đồng thời quá trình phẫu thuật tiến hành cực kỳ cẩn thận để bảo tồn các cấu trúc quan trọng và làm hạn chế tỷ lệ tái phát của bệnh.

Sau phẫu thuật cũng là quá trình cần phải chú ý. Vì đây là giai đoạn sớm có thể xác định và điều trị các biến chứng có thể xảy ra. Ba ngày sau phẫu thuật, da bị tụ máu thứ phát sẽ được chú ý và giải quyết bằng phẫu thuật dẫn lưu khối máu tụ.

Như vậy có thể kết luận, điều trị bướu máu lòng bàn tay ở trẻ bằng phẫu thuật là có thể và nên được thực hiện trong những trường hợp : u máu phát triển ngày càng nhiều hơn mà điều trị bằng thuốc thất bại; u máu làm giới hạn chức năng phát triển của cơ thể đồng thời có nguy cơ gây ra biến chứng nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe