Bài viết của Chuyên viên ngữ âm trị liệu Nguyễn Thị Yến - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục
“Dạy con học nói” là một hành trình thú vị và nhiều cảm xúc. Trẻ học tập và sử dụng ngôn ngữ ngay từ ngày đầu tiên chào đời, từ ánh mắt đầu tiên trẻ nhìn cha mẹ, tiếng ê a đầu đời cho tới khi trẻ nói được những câu dài, thậm chí có thể tranh luận về chủ đề mà trẻ muốn. Trên hành trình đó, các bậc phụ huynh có lẽ đã nghe không ít những câu “truyền miệng dân gian” về việc dạy trẻ nói. Bài viết này sẽ chia sẻ cùng các bậc phụ huynh một số những câu “truyền miệng” những hiểu lầm về trẻ học nói.
1. Nói thật nhiều cho trẻ nghe để trẻ bắt chước nói
Nhiều phụ huynh quan niệm rằng, trẻ chưa nói được thì càng cần phải “dạy” trẻ nhiều hơn, phải “nói” nhiều, chỉ tới tận nơi để trẻ hiểu và nói được. Thật tiếc là, việc trẻ học nói không hoàn toàn giống như việc rót một cốc nước đầy, bạn cứ nạp thật nhiều kiến thức, trẻ sẽ tự nói. Bản chất của việc dạy nói (hay chính là giao tiếp) nằm ở việc bạn cung cấp cho trẻ bao nhiêu cơ hội để nói, đồng thời gợi mở, khuyến khích, khen ngợi nỗ lực giao tiếp của trẻ.
Khả năng nghe – hiểu và khả năng diễn đạt bằng lời nói của trẻ ở mỗi giai đoạn độ tuổi khác nhau là khác nhau. Chẳng hạn, theo mốc phát triển điển hình ở trẻ em, trẻ 1 tuổi có thể nói được 1 từ đơn và bắt chước được 2 từ đơn. Như vậy, dù cha mẹ có nói nhiều hơn, giải thích nhiều hơn thì với khả năng nghe hiểu và bắt chước của trẻ 1 tuổi, trẻ cũng không thể nào nói được câu dài 4-5 từ được. Mặt khác, khi cha mẹ nói nhiều hơn, hướng dẫn nhiều hơn, trẻ có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào hỗ trợ của bố mẹ hoặc trở nên bối rối vì không biết được chính xác yêu cầu của bố mẹ dành cho mình là gì. Từ đó, trẻ sẽ trở nên thiếu tự tin, hoặc xảy ra các hành vi không mong đợi. Do vậy, nói vừa phải, phù hợp với khả năng hiểu của trẻ mới là chìa khóa giúp trẻ nói nhiều hơn. Vì vậy, câu truyền miệng này nên được sửa thành, “Nói ít đi để trẻ được nói nhiều hơn”.
2. Cho trẻ xem các chương trình giáo dục, trò chơi trên tivi, điện thoại để trẻ học nói
Hiện nay, có rất nhiều chương trình giải trí hoặc chương trình giáo dục dành cho trẻ em. Nhiều phụ huynh cho rằng, các chương trình đó rất hấp dẫn, bắt mắt, trẻ thích xem và xem nhiều thì sẽ thích bắt chước các nhân vật trong chương trình. Từ đó, trẻ sẽ học được nhiều kiến thức và sớm biết nói hơn. Tuy nhiên, đây là quan niệm không phù hợp. Các chương trình giáo dục, giải trí online dành cho trẻ em chỉ thực sự hiệu quả khi có người lớn ở bên cạnh, cùng học với trẻ và hỗ trợ trẻ khi cần thiết. Nó chỉ là công cụ hỗ trợ, không thể là công cụ thay thế được cho cha mẹ trong giai đoạn trẻ học nói.
3. Sử dụng flashcard để dạy trẻ nói
Dạy trẻ nói bằng Flashcard (thẻ tranh) cũng là một phương pháp khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, nói- giao tiếp là một quá trình xảy ra tự nhiên trong đời sống hằng ngày. Trẻ học bằng cách quan sát, bắt chước người lớn ứng xử trong các tình huống giao tiếp. Khi được dạy bằng Flashcard, trẻ sẽ nhìn và gọi tên hình ảnh trong thẻ. Điều này không đồng nghĩa với việc trẻ có thể hiểu được ý nghĩa của từ này trong đời sống thực tế. Một số trẻ được dạy bằng Flashcard, trẻ có thể đọc, gọi tên hàng trăm hình ảnh, nhưng khi bố mẹ yêu cầu lấy một đồ vật cụ thể trong nhà thì trẻ không biết để lấy. Thẻ tranh có thể là nguồn cung cấp kiến thức, nhận thức cho trẻ nhưng sẽ không phù hợp khi phụ huynh dùng thẻ tranh để dạy trẻ nói và giao tiếp.
Xem ngay: Các hoạt động thú vị để thúc đẩy kỹ năng nói của trẻ
4. Can thiệp ngôn ngữ phải được thực hiện trong phòng trị liệu
Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ sẽ được can thiệp tốt khi được học với một chuyên viên Âm ngữ trị liệu ở trong phòng can thiệp. Tuy nhiên, cha mẹ mới là người Thầy đầu tiên và tốt của con. Ngay từ khi sinh ra, trẻ đã được nghe cha mẹ nói, nhìn cha mẹ làm và trẻ sẽ bắt chước tất cả những gì trẻ nghe và nhìn được từ cha mẹ của mình. Một số trẻ sẽ gặp chút khó khăn khi bắt chước, tuy nhiên, chúng không ngừng quan sát và học hỏi từ cha mẹ mình mỗi ngày thông qua các tình huống giao tiếp. Cha mẹ càng sớm tham gia vào quá trình can thiệp ngôn ngữ cho trẻ thì hiệu quả đạt được càng cao. Can thiệp ngôn ngữ tốt là can thiệp trong tình huống tự nhiên, gần gũi nhất với trẻ.
5. Nên yêu cầu trẻ nói càng nhiều càng tốt
Khi trẻ nói được một từ, người lớn có xu hướng yêu cầu trẻ nói nhiều hơn, lặp đi lặp lại nhiều lần. Điều này, vô hình chung sẽ làm mất đi động lực giao tiếp tự nhiên của trẻ và khiến trẻ ngày càng ít nói đi hoặc dẫn tới các hành vi thách thức. Ví dụ, khi phụ huynh đưa bim bim cho trẻ và làm mẫu “bim bim”, trẻ nhìn vào đồ ăn và nói “bim”, một số phụ huynh sẽ không đưa ngay bim bim cho con mà yêu cầu trẻ nói lại một hoặc thậm chí nhiều lần từ “bim” hoặc ép nói được từ “bim bim” mới cho con. Đến khi trẻ cáu, khóc, ăn vạ thì cha mẹ lại ngay lập tức đưa bim bim cho con để dỗ dành. Hành động này sẽ củng cố việc trẻ cứ khóc lóc thì sẽ có đồ mình muốn chứ không phải nỗ lực nói để giao tiếp. Giao tiếp luôn được bắt đầu từ sự tương tác. Tạo cho con nhiều cơ hội cũng như động lực giao tiếp, biến việc học nói trở thành một trải nghiệm thú vị mới là cách tốt để giúp trẻ nói nhiều hơn.
6. Sử dụng cử chỉ hoặc hình ảnh sẽ kìm hãm sự phát triển lời nói của trẻ
Trên thực tế, sử dụng cử chỉ hoặc hình ảnh sẽ giúp trẻ hiểu ý nghĩa của từ vựng và dễ dàng giao tiếp hơn. Trẻ hiểu được rằng, mỗi hình ảnh sẽ mang một ý nghĩa nhất định, từ đó trẻ sẽ học cách để sử dụng hình ảnh đó nhằm giao tiếp hiệu quả. Trong đời sống, chúng ta rất dễ bắt gặp nhiều tín hiệu hỗ trợ giúp chúng ta giao tiếp và sinh hoạt. Ví dụ, khi nhìn thấy đèn đỏ, mặc dù không ai nói nhưng tất cả các phương tiện giao thông đều dừng lại; hoặc khi bạn ra nước ngoài, có thể bạn không sử dụng được ngoại ngữ nhưng bạn chỉ cần nhìn vào chữ WC hoặc hình ảnh con trai, con gái trước cửa nhà vệ sinh, bạn có thể biết được bạn nên sử dụng nhà vệ sinh nào. Như vậy, sử dụng cử chỉ và hình ảnh không làm trẻ chậm nói đi mà nó sẽ giúp cho trẻ giao tiếp hiệu quả hơn.
7. Trẻ nói được sẽ giao tiếp được
Nhiều phụ huynh cho rằng, chỉ cần trẻ nói được thì tự trẻ sẽ giao tiếp được. Tuy nhiên, nói và giao tiếp là hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau. Trẻ nói thể nói, gọi tên rất nhiều đồ vật, đồ chơi, trẻ biết hát, biết bắt chước tất cả những gì trẻ nghe thấy, nhìn thấy trên tivi, điện thoại; nhưng khi mẹ hỏi “con đang chơi gì đấy” hoặc “con muốn gì nào”, trẻ lại không trả lời được bởi trẻ không hiểu và không biết cách sử dụng những gì mình đã được học. Do vậy, dạy trẻ nói không chỉ đơn giản là dạy trẻ biết cách phát âm mà chính là dạy trẻ sử dụng lời nói cho những tình huống cụ thể để thực hiện các chức năng giao tiếp phù hợp.
8. Học song ngữ làm cho trẻ chậm nói
Dạy song ngữ cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là một xu hướng khá phổ biến trong các gia đình trẻ hiện nay. Trong gia đình sẽ có sự phân công, chẳng hạn như: bố nói tiếng Anh, mẹ nói tiếng Việt với con hoặc ngược lại hoặc cả hai bố mẹ sẽ nói tiếng Anh và tiếng Việt luân phiên. Nhiều người cho rằng, trẻ chưa biết nói mà đã dạy ngoại ngữ thì sẽ khiến trẻ bị “rối loạn” và từ đó chậm nói. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc học song ngữ không làm trẻ chậm nói đi. Ngược lại, khi học song ngữ, khả năng hiểu và phản xạ của trẻ sẽ nhanh nhạy hơn. Mặc dù vậy, cha mẹ vẫn nên cân nhắc trước về lợi ích, đặc điểm, nhu cầu, động lực giao tiếp của trẻ để quyết định xem có dạy trẻ song ngữ hay không.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.