Những điều cần biết về sinh thiết tuyến giáp

Có khá nhiều bệnh lý liên quan tới tuyến giáp, và đôi khi để phân biệt chúng, tìm ra chính xác vấn đề, cần phải tiến hành sinh thiết tuyến giáp. Sinh thiết tuyến giáp cũng là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp.

1. Sinh thiết tuyến giáp là gì?

Sinh thiết tuyến giáp là quá trình kĩ thuật lấy mẫu mô của tuyến giáp để kiểm tra dưới kính hiển vi. Sinh thiết tuyến giáp giúp phân biệt một số bệnh lý, cũng như là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư.

Việc xuất hiện các khối bất thường ở tuyến giáp là điều khá thường gặp, tuy có thể gây những ảnh hưởng khác nhau, nhưng chúng ít khi ác tính. Tuyến giáp cũng có thể to lên do bị phì đại, nhưng đây cũng không phải là tình trạng ác tính.

Trước khi được chỉ định sinh thiết tuyến giáp, bệnh nhân cần làm xét nghiệm máu cũng như các biện pháp chẩn đoán hình ảnh để biết được tình trạng hoạt động của tuyến giáp. Nếu như có vấn đề nghi ngờ, bác sĩ mới chỉ định tiến hành sinh thiết tuyến giáp.


Sinh thiết tuyến giáp giúp phân biệt một số bệnh lý và chẩn đoán ung thư
Sinh thiết tuyến giáp giúp phân biệt một số bệnh lý và chẩn đoán ung thư

2. Ý nghĩa của việc sinh thiết tuyến giáp

Phì đại tuyến giáp hoặc khối bất thường ở tuyến giáp thường không nguy hiểm, tuy nhiên để có kết luận chính xác đôi khi phải tiến hành sinh thiết tuyến giáp. Các tình trạng bất thường ở tuyến giáp có thể là:

  • Nang tuyến giáp: Biểu hiện là một khối bất thường, trong khối chứa dịch, có thể gây đau và làm cho bệnh nhân khó nuốt, rất hiếm khi là ác tính nhưng có thể cần phải điều trị.
  • Basedow: Còn gọi là bệnh Grave, tuyến giáp lúc này to lên và chế tiết nội tiết tố quá mức.
  • Viêm tuyến giáp Hashimoto: Tuyến giáp bị hệ miễn dịch của cơ thể tấn công, bị tổn hại, chế tiết ít nội tiết tố hơn so với bình thường.
  • Nhiễm trùng: Cũng làm cho tuyến giáp sưng và đau.
  • Phì đại tuyến giáp lành tính: Còn gọi là bướu cổ đơn thuần, có thể chèn ép các cấu trúc xung quanh tuyến giáp khiến bệnh nhân khó thở, khó nuốt.
  • Nhân độc tuyến giáp: Là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng nội tiết tố tuyến giáp tăng lên quá nhiều, nhưng gần như không bao giờ có tính chất ác tính.

Ung thư tuyến giáp: Chiếm khoảng 10% trong tổng số các trường hợp bệnh nhân.

3. Khi nào cần tiến hành sinh thiết tuyến giáp?

Sinh thiết tuyến giáp giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây nên khối bất thường hoặc phì đại tuyến giáp, nhưng không phải vấn đề tuyến giáp nào cũng cần sinh thiết, chẳng hạn như với Basedow, để chẩn đoán chỉ cần khám lâm sàng, xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh.

Với các khối bất thường có đường kính trên 1cm cần thăm khám kĩ, đặc biệt là nếu kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy đó là khối đặc, có vôi hóa và ranh giới của khối không rõ.

Sinh thiết tuyến giáp cũng có thể được chỉ định dù không xuất hiện khối bất thường nếu bệnh nhân đau nhiều và tuyến giáp to lên nhanh.

4. Các kĩ thuật sinh thiết tuyến giáp

Sinh thiết tuyến giáp có nhiều kĩ thuật khác nhau, bao gồm:

  • Chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ (fine needle aspiration (FNA) biopsy): Là kỹ thuật sinh thiết tuyến giáp chủ yếu. Kỹ thuật này có thể thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm. Bác sĩ sẽ sử dụng một chiếc kim nhỏ để lấy mẫu xét nghiệm, có thể lấy mẫu ở nhiều vị trí khác nhau (và có thể cả ở hạch bạch huyết gần tuyến giáp). Quá trình chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ diễn ra trong khoảng 30 phút, và không cần gây mê bệnh nhân, bởi bệnh nhân chỉ cảm thấy bị chích nhẹ. Sau khi kỹ thuật hoàn thành, bệnh nhân nghỉ ngơi một lát là có thể ra về.

Chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ là kỹ thuật sinh thiết tuyến giáp chủ yếu
Chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ là kỹ thuật sinh thiết tuyến giáp chủ yếu

  • Sinh thiết lõi kim (core needle biopsy): Phương pháp này về cơ bản giống như chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ, nhưng sử dụng kim có kích cỡ lớn hơn. Sinh thiết lõi kim được tiến hành khi kết quả chọc hút bằng kim nhỏ không rõ ràng.
  • Sinh thiết qua phẫu thuật: Đây là kĩ thuật thực hiện sẽ cần gây mê bệnh nhân, cũng như cần nhiều thời gian để hồi phục.

5. Trước khi sinh thiết tuyến giáp cần chuẩn bị gì?

Bởi chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ là kĩ thuật sinh thiết tuyến giáp chủ yếu, do đó quá trình chuẩn bị không có gì phức tạp, chủ yếu dựa trên tình trạng bệnh lí có sẵn và những loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể đối với từng bệnh nhân, đồng thời bệnh nhân cần chủ động tham vấn với bác sĩ những thắc mắc của bản thân, cũng như viết cam kết đồng ý thực hiện sinh thiết tuyến giáp.

6. Những rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện sinh thiết tuyến giáp

Sinh thiết tuyến giáp là kĩ thuật tương đối an toàn, tỉ lệ biến chứng rất thấp, nhưng vẫn có những rủi ro như:

  • Chảy máu
  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương cấu trúc xung quanh tuyến giáp

sinh thiết tuyến giáp đa số được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, do đó hiếm khi xảy ra tổn thương cấu trúc xung quanh tuyến giáp.

7. Cần làm gì sau khi đã sinh thiết tuyến giáp?

  • Vì chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ là kĩ thuật chủ yếu được thực hiện, nên bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi một lát là có thể ra về. Vị trí chọc hút có thể bị đau trong một hoặc hai ngày, và để giải quyết có thể sử dụng thuốc giảm đau. Nếu có hướng dẫn đặc biệt từ bác sĩ, hãy tuân thủ.
  • Nếu kết quả sinh thiết không phải là ung thư, gần như bệnh nhân sẽ không cần điều trị gì thêm (nhưng còn tùy từng trường hợp bệnh nhân). Nếu cần, bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân tái khám để theo dõi, hãy đến khám theo hẹn của bác sĩ.
  • Nếu kết quả sinh thiết là ung thư, bệnh nhân có thể phải thực hiện phẫu thuật. Điều may mắn là đa số ung thư tuyến giáp có thể điều trị được.
  • Trong một số trường hợp, kết quả sinh thiết không rõ ràng (không xác định được có phải ung thư hay không), và bệnh nhân có thể cần tiến hành sinh thiết lại.

Nên lựa chọn các cơ sở y tế lớn, có uy tín không chỉ trong hệ thống các bệnh viện nói chung mà còn phải nổi bật, đi đầu trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư.

Để được tư vấn chi tiết về kỹ thuật sinh thiết tuyến giáp tại Vinmec, quý khách có thể đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc liên hệ đặt khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết tham khảo nguồn: hopkinsmedicine.org và webmd.com

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe