Những điều cần biết về điều trị bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn là một tình trạng tăng lên bất thường do đáp ứng miễn dịch từ các cơ quan trong cơ thể trước đó hoàn toàn bình thường. Vì thế phương pháp điều trị bệnh tự miễn sẽ khó khăn hơn nhiều so với các căn bệnh khác.

1. Bệnh tự miễn là gì?

Bệnh tự miễn là hậu quả của tình trạng nhầm lẫn của hệ miễn dịch, dẫn đến hậu quả tự phá hủy các cơ quan trong cơ thể. Thông thường, hệ thống miễn dịch có khả năng phân biệt sự khác nhau giữa các tế bào lạ và các tế bào trong cơ thể. Theo đó, bệnh tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch coi một phần cơ thể – như khớp hoặc da. Chúng giải phóng các protein được gọi là tự kháng thể tấn công các tế bào khỏe mạnh. Vì thế bệnh tự miễn được nhận định là căn bệnh nguy hiểm và không có phương thức điều trị hoàn toàn, thậm chí sẽ có những biến chứng nặng nếu không được thăm khám và điều trị đúng cách.

Hiện nay, nguyên nhân gây ra bệnh tự miễn vẫn chưa được làm rõ, một số bệnh tự miễn thường gặp như: lupus ban đỏ hệ thống trong gia đình, bệnh tiểu đường type 1 làm tổn thương tuyến tụy, bệnh liên quan đến tuyến giáp Grave, viêm đại tràng kích thích (Irritable Bowel Syndrome), đa xơ hóa, vảy nến, viêm khớp dạng thấp (RA). Tuy nhiên, có một số bệnh tự miễn chỉ nhắm vào một cơ quan trong cơ thể.


Bệnh vảy nến có thể là một trong nhiều nguyên nhân gây bệnh tự miễn
Bệnh vảy nến có thể là một trong nhiều nguyên nhân gây bệnh tự miễn

Do đó, việc thăm khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng để phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh tự miễn. Có thể các triệu chứng của bệnh tự miễn xuất hiện một thời gian rồi mất đi nhưng có thể xuất hiện tái phát lại theo từng đợt.

2. Có thể chữa khỏi bệnh tự miễn không?

Phần lớn các bệnh tự miễn hiện nay chưa có phương pháp điều trị bệnh tự miễn khỏi hoàn toàn. Việc sử dụng thuốc có thể giúp bạn kiểm soát các phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức và làm giảm viêm và trong một số trường hợp, thậm chí có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh tự miễn. Hiện nay, có hai nhóm thuốc chính được sử dụng điều trị bệnh tự miễn là thuốc chống viêm và thuốc ức chế miễn dịch.

2.1. Các thuốc chống viêm

Các thuốc chống viêm điều trị triệu chứng của các bệnh tự miễn như diclofenac, indomethacin, aspirin, ibuprofen và nhóm glucocorticoid.

  • Diclofenac, dẫn chất của acid phenylacetic là thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau và giảm sốt mạnh. Do diclofenac thuộc thuốc chống viêm phi steroid nên có tác dụng không mong muốn là gây hại đường tiêu hóa, giảm vai trò duy trì tưới máu thận. Các thuốc chống viêm phi steroid có tác dụng ức chế tổng hợp prostaglandin nên có thể gây viêm thận kẽ, viêm cầu thận, hoại tử nhú và hội chứng thận hư đặc biệt những người mắc bệnh thận hoặc suy tim mạn tính. Tuy nhiên, với những người mắc bệnh tự miễn, các thuốc chống viêm không steroid có thể làm tăng suy thận cấpsuy tim cấp.
  • Indomethacin là dẫn xuất từ acid indolacetic. Dược tính của loại thuốc này có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm và ức chế kết tập tiểu cầu. Tuy nhiên, thuốc thường gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, đặc biệt là làm thời gian chảy máu kéo dài (nguy cơ chảy máu ổ loét ống tiêu hóa) đồng thời nguy cơ gây rối loạn chức năng thận (gây ứ nước).

Thuốc Aspirin điều trị bệnh tự miễn
Thuốc Aspirin điều trị bệnh tự miễn

  • Aspirin là thuốc giảm đau, hạ sốt, được chỉ định trong điều trị bệnh tự miễn, trong đó có viêm khớp dạng thấp. Thuốc có tác dụng phụ gây ảnh hưởng tới đường tiêu hóa (xuất huyết dạ dày), hệ thần kinh (gây mệt mỏi) và cầm máu (gây chảy máu kéo dài).
  • Ibuprofen là thuốc dẫn xuất từ acid propionic. Ibuprofen là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp đau và viêm từ nhẹ đến vừa trong điều trị bệnh tự miễn. Sử dụng ibuprofen có thể giảm bớt liều thuốc chứa thuốc phiện để điều trị đau sau đại phẫu thuật hay cho những trường hợp bị đau do bệnh ung thư, viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp của thuốc là mệt mỏi, chướng bụng, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn, nhức đầu, mẩn ngứa.
  • Glucocorticoid là thuốc có tác dụng tốt trong chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Đây cũng là thuốc được chỉ định trong điều trị các trường hợp điều trị bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ toàn thân... Các tác dụng phụ do thuốc gây ra cũng không ít nguy hiểm như: kích thích hệ thần kinh gây mất ngủ, dễ bị kích động; tăng cảm giác ngon miệng, khó tiêu; rậm lông; yếu cơ, loãng xương; có thể gây ra bệnh đái tháo đường; làm tình trạng đau khớp tăng lên; đục thủy tinh thể, bệnh glocom, phù, tăng huyết áp; loét dạ dày...

Tăng huyết áp do sử dụng Glucocorticoid
Tăng huyết áp do sử dụng Glucocorticoid

2.2. Các thuốc ức chế miễn dịch

Các thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng trong điều trị bệnh tự miễn như cyclophosphamide, cyclosporine A, mycophenolate mofetil, etanercept... Đây là những thuốc có hiệu quả tốt với một số bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm gan tự miễn. Tuy nhiên, các thuốc này đều có độc tính và giá thành tương đối cao nên chỉ được sử dụng trong các trường hợp không đáp ứng với các thuốc chống viêm. Trong những trường hợp mắc bệnh tự miễn có tổn thương dẫn đến rối loạn hoạt động chức năng của các cơ quan nội tạng, việc điều trị hỗ trợ nhằm giảm triệu chứng của bệnh là hết sức cần thiết.

2.3. Phương pháp điều trị bằng ghép tủy xương hoặc ghép tế bào gốc

Đây là phương pháp điều trị bệnh tự miễn với mục đích tái tạo lại hệ thống tự miễn dịch đã được áp dụng thành công trong điều trị một số bệnh như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh xơ cứng bì, bệnh xơ cứng rải rác, viêm khớp dạng thấp, viêm đa khớp.


Người bệnh viêm khớp có thể điều trị bằng phương pháp ghép tủy xương
Người bệnh viêm khớp có thể điều trị bằng phương pháp ghép tủy xương

3. Cách phòng tránh bệnh tự miễn

Để phòng tránh hiệu quả các bệnh tự miễn và bảo vệ hệ miễn dịch, bạn cần duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ, điều độ, hạn chế hút thuốc lá và làm theo các khuyến cáo sau đây:

  • Kiểm soát cân nặng: Bạn không nên để cơ thể quá béo hoặc béo phì vì béo cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh tự miễn, như viêm khớp dạng thấp hay viêm khớp vẩy nến.
  • Bạn cần duy trì việc khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời những bệnh nguy hiểm, trong đó có các bệnh tự miễn. Đồng thời bạn cũng cần tăng cường vận động thể dục thể thao, chọn cho mình môn thể thao phù hợp để luyện tập đều đặn mỗi ngày.
  • Khi được phát hiện mình bị bệnh tự miễn bạn nên đi khám ngay để được tư vấn các phương pháp điều trị bệnh tự miễn phù hợp, không nên tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, có thể làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Khám sức khỏe định kỳ giúp mọi người sớm phát hiện bệnh tự miễn
Khám sức khỏe định kỳ giúp mọi người sớm phát hiện bệnh tự miễn

Hiện nay mặc dù đã có nhiều loại thuốc và kỹ thuật mới ra đời để điều trị bệnh tự miễn, tuy nhiên các phương pháp này chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng của bệnh. Vì vậy, bạn cần nâng cao ý thức bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể bằng những phương pháp đơn giản hàng ngày.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe