Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Vấn đề lớn là hầu hết các bậc cha mẹ không biết con mình có bị dị ứng thực phẩm hay không cho đến khi họ thử đồ ăn lần đầu tiên và có phản ứng. Đó là lý do tại sao điều quan trọng đối với cha mẹ, giáo viên, người trông trẻ,... cần phải cảnh giác với các dấu hiệu dị ứng thực phẩm.
1. Thực phẩm gây dị ứng ở trẻ em
Khi trẻ bị dị ứng thực phẩm, hệ thống miễn dịch của trẻ sẽ phản ứng tạo ra các kháng thể đối với thực phẩm như thể đó là vi rút, phản ứng miễn dịch này tạo ra các triệu chứng dị ứng.
Các nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm phổ biến ở trẻ:
- Đậu phộng và các loại hạt cây (quả óc chó, hạnh nhân, hạt điều, quả hồ trăn)
- Sữa bò
- Trứng
- Động vật có vỏ (tôm, tôm hùm)
- Đậu nành
- Lúa mì
2. Các triệu chứng dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm có thể ảnh hưởng đến hô hấp, đường ruột, tim và da của trẻ. Một đứa trẻ bị dị ứng thực phẩm sẽ phát triển một hoặc nhiều triệu chứng sau đây trong vòng vài phút đến một giờ sau khi ăn thực phẩm:
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi
- Ho
- Tiêu chảy
- Chóng mặt, choáng váng
- Ngứa quanh miệng hoặc tai
- Buồn nôn
- Mụn đỏ, ngứa trên da (phát ban)
- Phát ban đỏ, ngứa (chàm)
- Thở gấp, khó thở
- Hắt xì
- Đau bụng
- Vị lạ trong miệng
- Sưng môi, lưỡi và / hoặc mặt
- Nôn mửa
- Thở khò khè
Trẻ nhỏ không phải lúc nào cũng có thể giải thích rõ ràng các triệu chứng của chúng, vì vậy đôi khi cha mẹ phải chú ý những gì trẻ đang cảm thấy. Con bạn có thể bị phản ứng dị ứng nếu chúng nói những điều như:
- "Có cái gì đó mắc kẹt trong cổ họng của con."
- "Lưỡi của con quá lớn."
- "Miệng con ngứa."
- "Mọi thứ đang quay cuồng quanh con."...
3. Khi nào cần trợ giúp khẩn cấp
Một số trẻ phát triển một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, được gọi là sốc phản vệ, khi phản ứng với các loại thực phẩm như đậu phộng hoặc động vật có vỏ. Nếu con bạn khó thở hoặc khó nuốt sau khi ăn một thứ gì đó, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức để được trợ giúp y tế khẩn cấp.
Các dấu hiệu của sốc phản vệ:
- Tức ngực
- Hoang mang
- Ngất xỉu, bất tỉnh
- Khó thở, thở khò khè
- Sưng môi, lưỡi, họng
- Khó nuốt
- Mạch yếu
Trẻ em bị dị ứng thực phẩm nghiêm trọng nên có ống tiêm tự động epinephrine (adrenaline) bên mình mọi lúc để phòng trường hợp trẻ bị phản ứng. Trẻ lớn và những người chăm sóc trẻ nên học cách sử dụng kim tiêm.
4. Phân biệt dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm
Dị ứng thực phẩm có xu hướng nguy hiểm hơn không dung nạp thực phẩm. Thông thường trẻ dị ứng thực phẩm sẽ cần phải tránh hoàn toàn thức ăn gây dị ứng. Không dung nạp thực phẩm thường không nghiêm trọng. Trẻ có thể ăn một lượng nhỏ chất này.
Vì các triệu chứng của chứng không dung nạp thức ăn đôi khi tương tự như triệu chứng của dị ứng thức ăn nên cha mẹ khó có thể phân biệt được. Dưới đây là hướng dẫn để phân biệt dị ứng thực phẩm với chứng không dung nạp:
5. Phải làm gì nếu nghi ngờ con bạn bị dị ứng thực phẩm
Nếu bạn nghi ngờ con mình bị dị ứng thực phẩm, hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Bác sĩ có thể xác định thực phẩm nào đang gây ra vấn đề và giúp bạn lập kế hoạch điều trị. Con bạn có thể cần các loại thuốc như thuốc kháng histamin để điều trị các triệu chứng.
Những thông tin trên đây mang tính chất tham khảo, ban nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng bất kì phương pháp điều trị nào.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Thống kê về dị ứng. (nd).
aaaai.org/about-aaaai/newsroom/allergy-st Statistics - Trẻ em và dị ứng. (nd).
acaai.org/allergies/who-has-allergies/children-allergies - Sự kiện và số liệu thống kê. (nd).
foodallergy.org/facts-and-stats